Sinh viên với hàng Việt

(CTG) Lần đầu tiên, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã trực tiếp đến với hàng nghìn sinh viên ĐH Đà Nẵng.

Thay vì chỉ quan tâm đến giá cả, mẫu mã, sinh viên và giới trẻ cần lưu ý nguồn gốc xuất xứ để ưu tiên dùng hàng Việt - Ảnh: Nguyễn Huy

Chỉ chuộng giá, mẫu mã thì chưa đủ

Xa gia đình, cuộc sống tự lập, bạn Bùi Nguyễn Trúc Ny - sinh viên khoa Quản trị kinh doanh Quốc tế (ĐH Kinh tế Đà Nẵng) phải tự trang bị cho mình tất cả từ quần áo, đến đồ dùng sinh hoạt.

Tuy nhiên, tại buổi vận động sáng 12 - 12, Trúc Ny bộc bạch: Mình hay đi chợ mua sắm nhưng chưa bao giờ quan tâm đến xuất xứ hàng hóa. Điều mình quan tâm là phải đẹp, mẫu mã được và vừa túi tiền một chút.

Sáng 13 - 12, cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt tiếp tục đến với hàng trăm sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Chương trình kéo dài đến 20 - 12, với cuộc vận động quy mô lớn cho sinh viên, giới trẻ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Theo bạn Võ Thị Kim Tuyến, sinh viên năm hai, ngành Thống kê tin học (ĐH Kinh tế): Nếu so sánh giữa giá cái áo thun bán ở chợ, hoặc các tiệm trên vỉa hè chỉ 50 - 60.000 nghìn đồng với tại các hàng made in Viet Nam có tiếng như: Viettien, Hoàng Thọ... chắc chắn dù có muốn hưởng ứng, bọn mình cũng khó thực hiện.

Bạn Nguyễn Văn Hùng, sinh viên ĐH Kinh tế cho biết: không ít lần ra mua sắm, người bán vẫn cố tình giới thiệu các sản phẩm ngoại nhập khiến sinh viên chúng em dễ bị choáng ngợp cuốn theo các hàng ngoại.

Trong những trường hợp này, chuyên gia kinh tế Phí Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc tập đoàn CP công nghệ CMC đưa ra giải pháp: Các bạn trẻ cần lựa chọn đúng các sản phẩm, địa chỉ để có được những mặt hàng chất lượng nhất.

Chúng ta chỉ chuộng giá cả, mẫu mã... nhưng chưa đủ. Cần phải chú trọng đến cả chất lượng và nếu nhìn sâu hơn cả vấn đề an toàn sức khỏe sẽ thấy hàng Việt có nhiều ưu thế.

Ông Phan Diễn, Phó Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp (VCCI) -  Đà Nẵng nhận định: Hiện nay hàng Việt đang có sức cạnh tranh lớn cả về mẫu, kiểu dáng và chất lượng.

Hướng đến người tiêu dùng thông minh

Theo ông Phan Diễn: Đây là lần đầu tiên cuộc vận động được tổ chức trực tiếp đến với các sinh viên. Đà Nẵng có số lượng trường ĐH, CĐ lớn cùng với đó là số lượng sinh viên đáng kể.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhận thức của sinh viên về hàng Việt vẫn còn khá mờ nhạt, thậm chí có bạn khi mua sắm còn không chú trọng đến nguồn gốc xuất  xứ của các sản phẩm. Trong khi đó, họ đang và sẽ là những nhà tiêu dùng tiềm năng.

Ông Phí Anh Tuấn dẫn: Không chỉ giới trẻ Hàn Quốc mà các doanh nhân, giới kinh doanh làm ăn xa vẫn rất coi trọng dùng hàng nội. Họ để ý đến các hãng, địa chỉ sản xuất... Sinh viên, giới trẻ chúng ta cần xây dựng một nhận thức mới – ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Đồng thời với  trình độ tri thức, những sinh viên khi tốt nghiệp sẽ là người tham gia trực tiếp và gián tiếp phổ biến cho các tầng lớp nhân dân để cùng ưu tiên dùng hàng Việt trong cuộc sống thường ngày.

Các nhà doanh nghiệp, sản xuất cũng cho rằng bên cạnh việc vận động, hướng sinh viên, người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt các đơn vị nội địa cũng cần có trách nhiệm trong việc ưu tiên người tiêu dùng như cam kết giá thành hợp lý, chất lượng v.v.

 Theo TienphongOnline