Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ khai mạc(Ảnh:Thế Dương) |
Đến dự lễ khai mạc có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh..., cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, Hà Nội; các nhân sĩ, trí thức đại diện cho 54 dân tộc anh em.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống và di sản văn hóa quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đại đoàn kết các dân tộc, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ đại nghĩa đã tạo nên sức mạnh vô địch để dân tộc ta chiến đấu và chiến thắng, vượt qua mọi thách thức của lịch sử.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Từ khi thành lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tạo nên sức mạnh vô địch đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên thắng lợi lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của những thế lực thực dân, đế quốc hùng mạnh nhất thời đại, giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.
Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn là nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất để Đảng ta, nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Đảng, Nhà nước ta lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để tập hợp đoàn kết mọi người vào mặt trận chung.
Chủ tịch nước cho rằng: Để xây dựng và củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc phải giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc để các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Đây là nhiệm vụ chiến lược của đất nước ta, của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và cần phải được thực hiện qua những việc làm hết sức phong phú, sinh động, thiết thực, cụ thể, từ miền xuôi đến miền ngược, từ biên giới, hải đảo, từ bàn tay, khối óc của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, của đồng bào 54 dân tộc anh em.
Đại đoàn kết dân tộc là di sản văn hóa quý giá của dân tộc ta; chúng ta hôm nay không chỉ tiếp nối, giữ gìn, bồi đắp mà còn có nghĩa vụ trao truyền cho các thế hệ tiếp theo vì sự trường tồn, tương lai tươi sáng của đất nước và dân tộc Việt Nam.
|
Tham dự khai mạc Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” các đại biểu còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt mang đậm hương sắc của các vùng miền Việt Nam. Với kết cấu 4 phần, chương trình đã thực sự gây xúc động lòng người khi tái hiện được hầu hết những di sản, “đặc sản” của 54 dân tộc anh em. Qua đó không chỉ khẳng định sự giàu có về văn hóa của các dân tộc mà còn khẳng định được sức mạnh đoàn kết của 54 dân tộc anh em. Từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi, từ biên cương đến hải đảo các dân tộc trên đất nước Việt Nam đều có chung một nguồn cội, một tổ tiên.Trải qua những chặng đường lịch sử vinh quang, bằng ý chí, bản lĩnh và lòng nhân ái, Việt Nam đã ghi những dấu ấn khó quên trong lịch sử của nhân loại về một dân tộc không khi nào biết khuất phục trước những khó khăn và thách thức. Những thành quả trong hành trình gìn giữ, bảo vệ và xây dựng đất nước, là một minh chứng đẹp đẽ về bản lĩnh của dân tộc Việt nam.Việt Nam hôm nay đang từng bước khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới, bằng những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật, và hơn cả là lòng quyết tâm và ý thức bảo tồn những giá trị của một đất nước lâu đời giàu truyền thống văn hóa...
Qua phóng sự “Sáng mãi tinh thần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản Văn hóa Việt Nam” một lần nữa khẳng định sức mạnh và giá trị của tinh thần đoàn kết. Đó chính là nền tảng tinh thần cao đẹp, là cội nguồn của sức mạnh Việt Nam, là chân lý sáng chói cho các thế hệ người Việt Nam tiếp bước, là di sản văn hóa quý báu mà chúng ta phải bảo tồn và lưu giữ mãi đến muôn đời./.
Theo ĐCSVN