Tài năng trẻ và khát vọng vươn tầm thế giới

(CTG) Nằm trong khuôn khổ chương trình Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III, năm 2020, sáng nay 10/12/2020, tại trụ sở Báo Tiền phong đã diễn ra buổi giao lưu trực tuyền giữa 4 tài năng trẻ gồm: Doanh nhân trẻ Nghiêm Tiến Viễn, Tiến sĩ Chu Đức Hà, bác sĩ Đồng Phú Khiêm và Thạc sĩ Hồ Thị Thương với các độc giả.

 

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong, tặng hoa các tài năng trẻ trước buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tiền Phong.

Mở đầu buổi giao lưu, nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết, với chủ đề: “Khát vọng Việt Nam”, Đại hội đại biểu Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III sẽ diễn ra từ ngày 11-13/12/2020. Đây là Đại hội đặc biệt, nhằm tôn vinh những người trẻ tài năng trên các lĩnh vực.

“Năm nay, đất nước đạt nhiều thành tựu, trong đó nổi bật là cơ bản khống chế và ngăn ngừa thành công dịch COVID-19. Thành công đó, có công sức rất lớn của các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch”, Nhà báo Phùng Công Sưởng nói.

Đồng thời cho rằng, hành trình còn dài, các tài năng trẻ cần nỗ lực phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa. Được tham dự Đại hội là niềm vinh dự đồng thời là trách nhiệm lớn của các bạn trẻ.

“Chúng tôi rất tự hào vì mời được các tài năng trẻ tham gia buổi giao lưu trước thềm Đại hội tại trụ sở báo Tiền Phong. Đến thời điểm này, chúng tôi ghi nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi về cho 4 đại biểu tài năng trẻ giao lưu ngày hôm nay”, nhà báo Phùng Công Sưởng nói, đồng thời chúc các tài năng trẻ có kỳ Đại hội thành công, nhiều dấu ấn.

Đại hội sẽ là nguồn động lực tích cực để các bạn hoàn thiện, phát triển bản thân nhiều hơn, qua đó, lan tỏa năng lượng tích cực để cộng hưởng trong toàn xã hội nhằm nhân lên hàng vạn, hàng triệu tài năng trẻ. Đất nước có nhiều tài năng trẻ thì sẽ góp phần xây dựng đất nước phát triển hùng cường.

Buổi giao lưu là dịp để các đại biểu tài năng trẻ chia sẻ về con đường nỗ lực, phấn đấu, vượt qua những khó khăn thách thức để đạt được thành công, cống hiến cho cơ quan, đơn vị, cộng đồng và Tổ quốc. Chính những nỗ lực, cống hiến của các tài năng trẻ góp phần tích cực vào sự phát triển chung trên các lĩnh vực của đất nước thời gian qua.

Doanh nhân trẻ Nghiêm Tiến Viễn, sáng lập và điều hành Công ty Cổ phần công nghệ GoStream, giao lưu với bạn đọc báo Tiền Phong.

Với doanh nhân trẻ Nghiêm Tiến Viễn, sáng lập và điều hành Công ty Cổ phần công nghệ GoStream chia sẻ: GoStream thành lập được 3 năm và phát triển công cụ giúp những người chuyên sản xuất video, những người muốn phát trực tiếp trên mạng xã hội… Trong lĩnh vực truyền hình có thể hỗ trợ thêm hình ảnh, các màn hình khác nhau, chuyển cảnh, mời người ở xa tham gia livestream…; Với những sản phẩm của GoStream, bất cứ người dùng phổ thông nào cũng có thể sử dụng được. Thành tựu của GoStream là giải Nhì Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2019, giải Nhất Techfest 2020 và một số giải khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh…

Đặc biệt, nhằm phục vụ hội họp trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp, GoStudio thiết kế tính năng tạo tổ chức “Webinar” (hội thảo trên Web) trên các nền tảng mạng xã hội. GoStream vừa trở thành quán quân cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” - Techfest 2020. Với giải thưởng này, ngoài phần thưởng tiền mặt 200 triệu đồng GoStream sẽ đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi khởi nghiệp Startup World Cup 2021 tổ chức tại Mỹ sắp tới. “Trong thời gian tới, GoStream muốn đưa sản phẩm ra thế giới bên cạnh việc giữ vững vị thế ở thị trường trong nước”, Tiến Viễn nói.

Nhà khoa học trẻ, Thạc sĩ Hồ Thị Thương. 

Thạc sĩ Hồ Thị Thương là nhà khoa học trẻ, sinh năm 1991. Chị Thương là tác giả chính của 1 Bằng độc quyền sáng chế quốc tế năm 2018: Oligomeric vaccine from plants by S-tag- S-protein fusions. World Intellectual Property Organization. Patent Number: WO/2018.115305 A1. Chị Thương cũng đồng thời là tác giả chính của 2 công bố và đồng tác giả của 4 công bố quốc tế uy tín.

Sáng chế “Oligomeric vaccine from plants by S-tag- S-protein fusions. World Intellectual Property Organization. Patent Number” có mục tiêu là tìm ra một chiến lược tiêm chủng hiệu quả và nhanh chóng cũng như một phương pháp dễ dàng để sản xuất các protein oligomer trong tế bào nhân thực, ứng dụng cho việc phát triển vaccine, trong đó có vaccine phòng chống cúm gia cầm A/H5N1.

“Kết quả này cho thấy tiềm năng ứng dụng của phương pháp sản xuất protein oligomer thông qua việc dung hợp S-tag và S-protein trong việc phát triển vaccine trong tương lai”, Ths. Hồ Thị Hương chia sẻ.

Tiến sĩ Chu Đức Hà giao lưu với bạn đọc báo Tiền Phong. 

Tiến sĩ Chu Đức Hà, sinh năm 1988, Bí thư Đoàn Thanh niên Viện Di truyền Nông nghiệp. Ở tuổi 32, anh là tác giả chính, tác giả chịu trách nhiệm, đồng tác giả của hơn 90 công bố khoa học và quốc tế trong đó có 51 công trình là tác giả chính được đăng tại các tạp chí uy tín và có 19 công trình là tác giả chính đăng tại các tạp chí quốc tế. Anh cũng là đồng tác giả 3 sáng kiến hữu ích (1 giống công nhận chính thức, 1 giống công nhận sản xuất thử, 1 quy trình được công nhận cấp cơ sở).

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Với vai trò là Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đơn vị tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, anh đã luôn cố gắng hết sức mình phát huy trí tuệ, tinh thần xung kích đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm.

Anh trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch vào khoa. Anh cùng với nhân viên trong khoa triển khai thành công nhiều kĩ thuật cao để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng như: Thở máy nâng cao, lọc máu hấp phụ phân tử (lọc Cytokines), trao đổi oxy qua màng ngoài ngoài cơ thể (ECMO) nhờ đó toàn bộ các bệnh nhân nguy kịch vào khoa đã được điều trị khỏi bênh, trong đó có những bệnh nhân rất nặng, có tình trạng suy đa tạng, từng có ngừng tuần hoàn vẫn được cứu sống.
Kết quả này có ý nghĩa rất lớn góp phần hoàn thành nhiệm vụ chống dịch của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới nói riêng và toàn Việt Nam nói chung. Kết quả này cũng góp phần hoàn thành được chủ trương của Chính phủ và Bộ Y Tế quyết tâm không để bệnh nhân Covid-19 nặng tử vong.

Anh cũng đang tham gia 1 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị bệnh Covid-19.

Với chủ đề “Khát vọng Việt Nam”, Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III, năm 2020 sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 11/12/2020 đến ngày 13/12/2020, với sự tham dự của 400 đại biểu tài năng trẻ xuất sắc trên các lĩnh vực, đang học tập, nghiên cứu và công tác trong và ngoài nước.

Đại hội sẽ đánh giá kết quả công tác tài năng trẻ Việt Nam, tuyên dương các tài năng trẻ đặc biệt xuất sắc giai đoạn 2015 - 2020; xây dựng chương trình hành động giai đoạn 2020 - 2025; đề xuất các giải pháp nhằm chăm lo, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ chương trình Đại hội, đại biểu tham gia một số hoạt động ý nghĩa như: báo công và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Diễn đàn với chủ đề “Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ Việt Nam”; thăm quan những thành tựu khoa học công nghệ, mô hình giáo dục hiện đại của Việt Nam, tìm hiểu giá trị văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội; thăm hỏi, động viên chia sẻ với các cựu chiến binh và trẻ em Việt Nam chịu ảnh hưởng của chất độc da cam/điôxin; giao lưu với thanh thiếu nhi Thủ đô Hà Nội với chủ đề “Khát vọng Việt Nam”.

Phiên trọng thể của Đại hội bắt đầu vào lúc 08h30, ngày 13/12/2020 tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Thủ đô Hà Nội và được phát sóng trực tiếp (livestream) trên các trang mạng xã hội của các cơ quan báo chí thuộc Trung ương Đoàn.

Tại phiên trọng thể, sẽ ra mắt Hội đồng Phát triển Tài năng trẻ Việt Nam (trên cơ sở sáp nhập Hội đồng Bảo trợ Tài năng trẻ Việt Nam và Hội đồng kết nối Tài năng trẻ Việt Nam) nhằm triển khai thực hiện các hoạt động tài năng trẻ sau Đại hội và thúc đẩy công tác tài năng trẻ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới.

Minh Kiệt