Tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thế hệ trẻ

(CTG) Tấm lòng Hồ Chí Minh bao la như biển rộng, dung chứa tất cả mọi người. Trong Di chúc bất hủ để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước khi đi xa, Người đã không quên bất kỳ ai, đã căn dặn lại tất cả từ những công việc hệ trọng của đất nước sau ngày hòa bình đến những công việc cụ thể, tỷ mỷ, trong đó có những lời căn dặn tha thiết về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.

Ra đi ở tuổi thanh niên, đau đáu với vận mệnh đất nước và số phận của dân tộc từ tuổi thanh niên, vì vậy, cả cuộc đời mình, Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến những lực lượng đang trực tiếp gánh vác công việc trong hiện tại mà rất chăm lo đến đội ngũ kế cận. Tổ chức yêu nước cách mạng đầu tiên do Người sáng lập và rèn luyện đa phần là những người trẻ tuổi, đó là “Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên”, tờ báo cách mạng đầu tiên cũng là tờ Báo Thanh niên. Hồ Chí Minh luôn khẳng định rằng thế hệ trẻ không chỉ là lớp người kế tục thế hệ già mà thế hệ trẻ phải là tương lai, là tiền đồ tươi sáng của dân tộc.

Ảnh: Internet

Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, trong thư gửi cho học sinh, sinh viên nhân ngày khai trường đầu tiên tháng 9 năm 1945, Người đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em ”. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành những lời tốt đẹp nhất để nói về thế hệ trẻ và không quên dặn dò những điều căn cốt: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội. Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”.

Đời sống mới là:
- Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ.
- Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.
- Việc nên làm ( như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ.
- Việc nên tránh ( như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa ”.

Trong Thư gửi các bạn Thanh niên, Người viết: “. …Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó.

….Mỗi thanh niên, nhất là mỗi cán bộ phải kiên quyết làm bằng được những điều sau này:
a) Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước (tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc).
b) Các việc đáng làm, thì có khó mấy cũng cố chịu, quyết làm cho kỳ được.
c) Ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý.
d) Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc.
e) Quyết tâm làm gương về mặt: siêng năng, tiết kiệm, trong sạch.
f) Chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc. Nói ít, làm nhiều, thân ái đoàn kết.

… Chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được.
Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hiện được hẳn hoi, hơn một trăm chương trình to tát mà làm không được ”.

Đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ nước nhà, nhưng Hồ Chí Minh cũng không quên căn dặn, chỉ bảo và uốn nắn những sai lầm mà những người trẻ có thể mắc phải. Phát biểu tại Đại hội Đại biểu Thanh niên Hà Nội năm 1945, Người khẳng định Người đến không phải để phát biểu một bài diễn văn bóng bảy, Người sẽ chỉ “chú ý vạch ra những khuyết điểm của anh em”. Theo Người, những khuyết điểm ấy có những điểm lớn nhất, đó là: “Một là, thanh niên, nhất là thanh niên Hà thành vốn giữ tính kiêu căng, biệt phái, bởi vậy những tổ chức đều chia rẽ, cô lập, chưa hợp thành được một mặt trận thống nhất. Hai là, thanh niên tuy hăng hái, sôi nổi nhưng kém sáng kiến; việc gì cũng đợi Tổng bộ hoặc Chính phủ ra cho mệnh lệnh, chỉ thị, giúp hộ ý kiến hoặc định hộ kế hoạch; lại không biết tự ý đề nghị với Chính phủ những việc cần phải làm hay phải sửa chữa. Ba là, các đồng chí phụ trách thanh niên không chịu đào tạo, dìu dắt thêm những cán bộ mới, tuy những phần tử có thể trở nên cán bộ vẫn không thiếu trong đám thanh niên ”. Từ đó, Người đã chỉ ra cách để khắc phục các khuyết điểm này và cho rằng thanh niên ủng hộ Chính phủ “không phải chỉ bằng những lời hoan hô suông mà thôi, mà cần phải một mặt giải thích cho dân chúng về những nỗ lực của Chính phủ, một mặt phê bình, giám đốc, tham gia ý kiến vào công việc của Chính phủ; chiến đấu giữ lấy nền độc lập và tự nguyện ngay từ bây giờ để sau này lên thay những thủ lĩnh mà gánh vác việc trọng đại của nước nhà ”.

Trong Bài nói tại Đại hội thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa ngày 17-3-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhất quán quan điểm này khi khẳng đinh: “Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa, thanh niên ta quyết tâm thực hiện mấy điều sau đây:

- Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà.

- Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí.

- Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân ”.

Phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam ngày 20-12-1961, Người khẳng định: Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo, tự mãn. Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là học tập, lao động, sinh hoạt theo đúng đạo đức của thanh niên xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa… ”.

Ảnh: Internet

Không chỉ chỉ dẫn, giáo dục thanh niên, Hồ Chí Minh rất quan tâm dìu dắt những người trẻ tuổi. Trong Chính phủ Lâm thời 1945, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp 34 tuổi; Bộ trưởng Quốc phòng Chu Văn Tấn 32 tuổi; Bộ trưởng Thanh niên Dương Đức Hiền 29 tuổi; Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà 32 tuổi; Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch 36 tuổi; Ủy viên Chính phủ Cù Huy Cận 26 tuổi. Trong Chính phủ do quốc dân bầu ra sau ngày bầu cử Quốc hội khóa 1 (6-1-1946) chúng ta có thể thấy có những người rất già như cụ Huỳnh Thúc Kháng 70 tuổi nhưng cũng có rất nhiều người trẻ. Các vị Bộ trưởng trẻ tuổi như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh 34 tuổi. Có một điều thú vị là ông Phan Anh là cử nhân luật Việt Nam và cử nhân văn chương Pháp, từng là Bộ trưởng Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim trước đó một năm đã được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (cử nhân văn chương trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng); Huỳnh Thiện Lộc - Bộ trưởng Bộ Chanh Nông 36 tuổi; Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Bộ Tư pháp 34 tuổi. Trong kỳ họp lần thứ nhất của Quốc hội khóa 1 ngày 2-3-1946, hai vị Chủ tịch phiên khai mạc là một cụ già - Ngô Tử Hạ và một đại biểu quốc hội 22 tuổi - nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Sau này, Hồ Chí Minh phong đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp khi 36 tuổi và phong đại tướng cho ông Nguyễn Chí Thanh ở tuổi 37…

 

Trích tham luận của Anh Vũ Trung Kiên
Học viện Chính trị khu vực II