Tăng lãi suất cho vay: Trăm dâu đổ đầu... doanh nghiệp

(CTG) Thông điệp “bơm ngoại tệ”, nhập khẩu vàng và giữ ổn định tỷ giá từ nay đến Tết Nguyên đán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã phần nào giải toả được tâm lý cho người dân và doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, cùng với thông điệp này NHNN lại cho các ngân hàng thương mại thả nổi lãi suất cho vay, khiến khá nhiều doanh nghiệp đối mặt với những cam go tứ bề mới...



Lãi suất tăng quá nóng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải tái cấu trúc sản xuất.  Ảnh:  Trần Việt



Chóng mặt vì lãi suất tăng


Được biết, hiện tại lãi suất mà nhiều ngân hàng thoả thuận với doanh nghiệp đã lên tới  gần 18%/năm. Mức lãi suất có thể nói cao nhất từ trước đến nay.
 
Ông Nguyễn Xuân Khoá, Tổng Giám đốc Công ty bánh cao cấp Bảo Ngọc cho biết, trước đây, công ty chỉ phải vay ngân hàng với lãi suất khoảng 10-11%, cao nhất cũng chỉ 12%. Nay lãi suất đội lên như vậy, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều đang “lên cơn sốt”. Lãi suất tăng, đương nhiên giá thành sản phẩm lên cao, nếu không sẽ không có lợi nhuận. Đó là quy luật của thị trường. Tới đây, với tình trạng lãi suất tăng cao như vậy, Bảo Ngọc sẽ có một số giải pháp, chẳng hạn sẽ giảm số lượng những mặt hàng không hút khách để tập trung sản xuất những mặt hàng khách ưa chuộng. Thực hiện giảm chi phí ở phần này để bù sang phần khác. Như vậy, giá có thể chỉ tăng lên chút ít, người tiêu dùng đỡ bị “sốc” mà doanh nghiệp cũng bớt đi phần nào phải “gồng gánh” với lãi suất tăng cao.
 
Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cũng đang “tìm lối đi đúng hướng” trước những làn sóng lãi suất và tỷ giá.  Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc công ty  cho biết: Sự điều chỉnh của Chính phủ vừa qua là cần thiết để ổn định thị trường, kiềm chế lạm pháp. Tuy nhiên, vì điều đó đương nhiên sẽ buộc các doanh nghiệp phải đẩy giá. Nguy cơ nhiều doanh nghiệp nhân cơ hội này “té nước theo mưa” là khó tránh khỏi. Bởi vậy, thời điểm này rất cần sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước. Có thể bằng cách thường xuyên công bố tỷ giá và lãi suất cho vay của các ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng để các doanh nghiệp không có những hành động cạnh tranh thiếu lành mạnh.
 
“Công ty chúng tôi chia sẻ với người tiêu dùng bằng cách giảm bớt những chi phí không cần thiết khác như hội họp, tiết kiệm trong sinh hoạt... nhằm tránh tăng giá. Đồng thời, tìm cách tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hoá và thời gian sản xuất. Theo tôi, đúng là lãi suất cao có gây “choáng” cho các doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp cần bình tĩnh, thay vì phản ứng theo hướng khó chịu cần tìm ra những hướng đi hợp lý nhất cho mình” – ông Thòn chia sẻ.
 
Còn ông Nam Dũng, Giám đốc Công ty bao bì Nam Khánh thì lo ngại, với lãi suất tăng cao như vậy, tới đây, chắc chắn công ty sẽ phải thắt chặt chi tiêu, lợi nhuận giảm là điều dễ dàng nhận thấy khi phải “co” sản xuất.
 



Ngân hàng tăng lãi suất, doanh nghiệp gặp khó. Ảnh: Trần Việt


Nguy cơ lạm phát cao trở lại?

Chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành cho rằng, kinh tế của nước ta là vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, nhưng chính sách này giống như “đẩy doanh nghiệp vào đường cùng”. Cuối năm là thời điểm doanh nghiệp cần có vốn để sản xuất, kinh doanh Với mức lãi suất như trước đây đã quá cao, nhiều doanh nghiệp không thể chịu được phải “co cụm” sản suất lại, hiện nay việc “thả nổi” lãi suất, nâng lãi suất cơ bản và lãi suất huy động lên chắc chắn sẽ làm cho lãi suất cho vay tăng. Một điều ai cũng nhìn thấy, với chính sách này lạm phát sẽ tăng cao do hầu hết các mặt hàng sẽ được đẩy giá lên.
 
Theo ông Thành, trước mắt, để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, NHNN cần cấp tiền cho các NHTM với mức lãi suất hợp lý khoảng 4% để các NHTM cho doanh nghiệp vay lại 8%. Vì chỉ có mức này các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới phát triển được. Quyền quyết định là của NHNN, với mức lãi suất ưu tiên đó, NHTM vẫn có lãi 4% và vẫn đủ nộp lại cho NHNN 2%.
 
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cũng lo ngại: Việc Chính phủ  thay đổi chủ trương kìm hãm lãi suất  bằng việc cho “thỏa thuận”, đồng nghĩa với việc sẽ hình thành một mặt bằng lãi suất mới. Với chính sách này sẽ  tạo nên cung cầu, cạnh tranh lành mạnh hơn đối với các tổ chức tín dụng. Có thể các NHTM sẽ không cộng khuyến mại tiền gửi, không cộng thêm phí vào cho vay nữa... việc huy động vốn cũng sẽ dễ hơn, hứa hẹn những tháng cuối năm có đủ vốn cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, với chính sách “thả nổi” lãi suất, nếu không quản lý chặt chẽ, các NHTM có thể lợi dụng nâng lãi suất lên cao. Như vậy, có thể nhiều doanh nghiệp phải co sản xuất lại vì lãi suất cao không giám vay vốn, từ đó sẽ tác động trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế. Lãi suất cao dẫn cũng sẽ dẫn tới hàng loạt các mặt hàng tăng giá theo... và  nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại là rất lớn.
 
Theo ông Kiêm, trong hoàn cảnh này, NHNN cần có những hướng dẫn cụ thể, kiểm soát chặt chẽ. Nếu chủ quan, triển khai trục trặc, điều hành không nghiêm túc, mặt trái của chính sách sẽ ảnh hưởng nhiều hơn. Và để đề phòng trước, việc  kiểm soát giá cả các mặt hàng trong thời gian tới cần được thực hiện nghiêm ngặt, nếu không sẽ rất dễ xẩy ra hiện tượng “đắm đò giặt mẹt”.


 

Ông Cấn Văn Lực – Tư vấn Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng BIDV: Muốn cạnh tranh lành mạnh, các ngân hàng nên có tiếng nói đồng thuận
 
Sau khi NHNN “thả nổi” lãi suất, ngân hàng BIDV đã có những chính sách thế nào đối với việc cho vay vốn sản xuất? Ông có nhận định ra sao với việc “thả nổi” lãi suất này của NHNN?
Với thông điệp của Ngân hàng Nhà nước vừa qua, việc nâng lãi suất ở các ngân hàng theo tôi sẽ phổ biến ở mức  14-16%. Chúng tôi cũng đang nghe ngóng thị trường và theo quy luật sẽ đi theo “nhịp thở” của thị trường thôi. Theo tôi, với tình hình hiện nay, các ngân hàng nên có một tiếng nói đồng thuận với một mức lãi suất trần, đặc biệt là giữa các ngân hàng thương mại lớn và các ngân hàng cổ phần. Nếu các ngân hàng không đồng thuận với nhau sẽ có nguy cơ dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, có ngân hàng sẽ thỏa thuận với lãi suất rất cao. Như vậy sẽ ảnh hưởng xấu không chỉ đến hiệu quả kinh doanh và tính thanh khoản của chính bản thân ngân hàng đó mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc vay vốn sản xuất.
 
Các doanh nghiệp lo lắng, ngoài mức lãi suất cho vay cao còn phải cộng thêm các khoản phí?
- Theo tôi được biết, ngoài mức lãi suất các ngân hàng công bố sẽ không có thêm bất cứ một loại phí nào nữa. Chỉ trừ  những phí ngân hàng từ trước đến nay vẫn tính theo thông lệ như phí quản lý hồ sơ, phí quản lý giao dịch, phí liên quan đến ký cam kết (doanh nghiệp không rút hết vốn trong một thời gian nào đó, ngân hàng buộc phải tính phí – song phí này đã được hầu hết các ngân hàng “xí xóa”  nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp)... hầu như không có một loại phí nào nữa. Vì vậy, các doanh nghiệp không nên lo lắng về vấn đề này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!



Theo Đại đoàn kết