Khách hàng trải nghiệm tương tác cùng Robot OPBA của Nam Á Bank. |
Tăng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng
Từ đầu năm 2024, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) liên tục cho ra mắt các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số theo nhu cầu của từng đối tượng khách hàng.
Theo đó, ACB đã cho triển khai tính năng đăng ký tài khoản ACBS trên ứng dụng Ngân hàng số ACB ONE, giúp khách hàng có thể tham gia đầu tư hoặc giao dịch dễ dàng và liền mạch chỉ trên một ứng dụng duy nhất với độ bảo mật cao.
Ðầu tháng 4/2024, ACB đã hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ thanh toán một chạm, có độ bảo mật an toàn cao khi khách hàng chủ thẻ ACB Visa có thể dùng Apple Pay, Google Pay, Samsung Pay và Garmin Pay.
Ðại diện Ngân hàng ACB cho biết, việc hợp tác với các "ông lớn" công nghệ giúp ACB tiếp tục tăng độ phủ của ngân hàng trong hệ sinh thái thanh toán, nhất quán với định hướng xây dựng trải nghiệm thanh toán "Tiện tay-Mượt Pay" cho khách hàng. Nhờ nâng cao trải nghiệm khách hàng theo hướng hiện đại và phù hợp xu thế mới, tính đến cuối quý I năm 2024, ACB đã phục vụ được 7,3 triệu khách hàng.
Là một trong những ngân hàng tiên phong chuyển đổi số, Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) triển khai các công nghệ ngân hàng tiên tiến được tích hợp trong hệ sinh thái số Nam A Bank như: Ngân hàng số Open Banking; Ðiểm giao dịch số ONEBANK; Robot OPBA…
Ngoài ra, Nam A Bank cũng không ngừng nâng cấp hệ sinh thái số với những sản phẩm dịch vụ đa dạng, linh hoạt và sáng tạo nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Ðối với công nghệ thanh toán không tiếp xúc, Nam A Bank tiếp tục là ngân hàng tiên phong việc ứng dụng hai công nghệ mới là Tap To Phone và Mobile Payment.
Trong đó, Tap to Phone là công cụ hỗ trợ đắc lực cho khách hàng khi cho phép đơn vị chấp nhận thẻ sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính bảng như một máy POS để các thiết bị này "nói chuyện" với nhau nhằm thanh toán thẻ không tiếp xúc, qua đó thúc đẩy thanh toán số an toàn, bảo mật và hình thành thói quen thanh toán không tiền mặt.
Ngoài ra, từ tháng 2/2024, Nam A Bank đã triển khai giải pháp đọc và xác thực dữ liệu từ căn cước công dân gắn chip. Toàn bộ quá trình xác thực khách hàng được thực hiện nhanh chóng và chính xác nhưng đồng thời bảo đảm chặt chẽ các quy định bảo mật trong dịch vụ ngân hàng. Ðiều này sẽ hỗ trợ Nam A Bank nâng cao hiệu quả trong việc ngăn giả mạo giấy tờ tùy thân, chống gian lận khi mở tài khoản và thực hiện các giao dịch thanh toán khác.
Cải tiến để tăng hiệu quả cạnh tranh
Giữa tháng 5/2024, Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Ðông (OCB) chính thức ra mắt phiên bản OCB OMNI thế hệ mới cùng sự kết hợp với Backbase.
Theo đó, phiên bản thế hệ mới của OCB đặt ra một tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực ngân hàng số các tính năng đáp ứng nhu cầu tối ưu của người tiêu dùng Việt Nam về tốc độ và sự tiện lợi.
Cụ thể, OCB OMNI 4.0 sở hữu tính năng thanh toán QR một chạm, ứng dụng cho phép giao dịch liền mạch tại hàng nghìn điểm dịch vụ khác nhau, từ thương mại điện tử đến du lịch, ứng dụng cũng sở hữu các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, tiện dụng, như mở và quản lý tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, dịch vụ thẻ, tiền gửi, vay cùng nhiều tính năng ưu việt khác.
Phiên bản ngân hàng số này tích hợp các công nghệ hiện đại như: Khách hàng có thể sử dụng ứng dụng gợi ý trực quan khi chỉ cần thao tác trong hai click, hoặc chủ động tách lệnh giá trị lớn để chuyển tiền nhanh và phân loại giao dịch để quản lý chi tiêu và nhiều tiện ích khác.
Với sự phối hợp chặt chẽ từ đối tác phát triển SmartOSC, dự án này đã đi vào hoạt động chỉ trong sáu tháng, đưa OCB trở thành ngân hàng dẫn đầu trong cuộc đua chuyển đổi số hiện nay. Trong lần triển khai đầu tiên của ứng dụng, OCB đã chuyển đổi hơn 7.000 người dùng nội bộ sang nền tảng mới, nhận được phản hồi rất tích cực về tính: mượt, nhanh, tốc độ và an toàn. Việc đẩy nhanh quá trình triển khai phiên bản mới OCB OMNI được đánh giá là giúp tiết kiệm thời gian tới 40%; ngoài ra, dự án này còn được phân phối với chi phí thấp hơn hai lần so với tiêu chuẩn ngành; tạo nền tảng sẵn sàng mạnh mẽ để OCB thực hiện hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trong thời gian ngắn.
Thông tin về kết quả thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, đến nay, nhiều chỉ tiêu chuyển đổi số đã tiệm cận hoặc vượt mục tiêu đặt ra đến năm 2025. Cụ thể, đến cuối năm 2023, đã có 87,08% người trưởng thành tương ứng 182 triệu tài khoản thanh toán, vượt kế hoạch đề ra. Tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường số; 55% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa hoàn toàn; 49% khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 66% số lượng giao dịch của khách hàng thực hiện trên môi trường số.
Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, mặc dù công tác chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, nhưng phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên tập trung vào một số công việc như: Hoàn thiện thể chế, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hạ tầng công nghệ và chú trọng công tác bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật thông tin trong quá trình chuyển đổi số ngân hàng; thống nhất chỉ đạo toàn ngành sắp xếp, bố trí nguồn lực hợp lý cho hoạt động chuyển đổi số; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách an toàn, hiệu quả.
Theo Nhân Dân |