Tạo ra bộ công cụ đảm bảo sự an toàn cho trẻ em gái

Để đảm bảo an toàn cho trẻ em gái khi trở lại trường học sau dịch Covid-19, T.Ư Đoàn phối hợp với văn phòng UNESCO Việt Nam xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện Bộ công cụ Vận động dành cho thanh thiếu nhi.

Ngày 22.3, T.Ư Đoàn đã tổ chức Hội thảo tham vấn Bộ công cụ Vận động dành cho thanh thiếu nhi trong khuôn khổ Chiến dịch “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái”, với sự tham dự trực tuyến của ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Hội nghị tại điểm cầu T.Ư Đoàn

Phát biểu khai mạc hội thảo, chị Trịnh Thị Mai Phương, Ủy viên BCH, quyền Trưởng ban Quốc tế T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch T.Ư Hội Thanh niên Việt Nam, cho biết trong thời gian qua, UNESCO tại Việt Nam, các tổ chức, cơ quan chuyên ngành nói riêng, và Cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UN) nói chung đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng thanh thiếu nhi Việt Nam, trong đó có nhiều hoạt động, dự án có sự phối hợp chặt chẽ với T.Ư Đoàn, các cấp bộ Đoàn và các tổ chức thanh thiếu nhi Việt Nam.

Trên cơ sở đó, tháng 12.2021, T.Ư Đoàn và UNESCO Việt Nam đã triển khai ký kết Thỏa thuận hợp tác liên quan đến thanh thiếu nhi giai đoạn 2021 - 2025 trên nhiều lĩnh vực, nội dung như: bình đẳng giới, kỹ năng số, khoa học công nghệ, truyền thông, văn hóa… hứa hẹn sẽ đem lại nhiều cơ hội cho sự phát triển toàn diện của thanh thiếu nhi Việt Nam.

Chị Trịnh Thị Mai Phương chủ trì hội nghị

Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác, T.Ư Đoàn phối hợp văn phòng UNESCO Việt Nam đã phối hợp xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện Bộ công cụ Vận động dành cho thanh thiếu nhi.

“Đây là bộ công cụ nằm trong Chiến dịch truyền thông “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái”, một chiến dịch toàn cầu nhằm kêu gọi toàn thể cộng đồng chung tay bảo vệ tiến bộ đạt được trong giáo dục trẻ em gái, đảm bảo việc học tập liên tục của trẻ em gái trong thời gian đóng cửa trường học và thúc đẩy sự an toàn của trẻ em gái trở lại trường học, sau khi trường mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19”, chị Phương chia sẻ.

Theo chị Phương, tại Việt Nam, nhằm điều chỉnh bộ công cụ để phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của thanh thiếu nhi Việt Nam, T.Ư Đoàn phối hợp với UNESCO tại Việt Nam chủ trì tổ chức các cuộc họp kỹ thuật với các chuyên gia và các nhóm tư vấn, qua đó đã bước đầu xây dựng được dự thảo Bộ công cụ Vận động dành cho thanh niên, với những số liệu và minh chứng phù hợp với bối cảnh, tình hình thanh thiếu nhi ở Việt Nam.

Vì vậy, để tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan, đơn vị liên quan, T.Ư Đoàn và UNESCO tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn Bộ công cụ Vận động dành cho thanh thiếu nhi.

Chị Phương mong muốn các chuyên gia cùng tham gia đóng góp cụ thể, trực tiếp vào một số nội dung của Bộ Công cụ Vận động dành cho thanh thiếu nhi. Trong đó có những kỹ năng mà Bộ công cụ muốn cung cấp khi tổ chức hoạt động vận động thanh thiếu nhi.

Trường học chính là nơi an trú cho trẻ em gái

Phát biểu tại chương trình, ông Christian Manhart cho biết đại dịch Covid-19 đã khiến các trường học đóng cửa và gây ra sự gián đoạn học tập lớn nhất trong lịch sử.

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam

“Chỉ riêng tại Việt Nam, đại dịch đã ảnh hưởng tới việc học tập của khoảng 21 triệu trẻ em. Tác động này còn mạnh mẽ và tiêu cực hơn đối với một số trẻ em gái, khi việc học tập là chìa khóa duy nhất để mở cánh cửa tương lai tốt đẹp hơn cho các em.

Trường học chính là nơi an trú cho trẻ em gái. Đại dịch đang đe dọa thành quả tiến bộ về bình đẳng giới trong nhiều thập kỷ và đẩy trẻ em gái nhiều nơi trên thế giới vào nguy cơ có thai ở tuổi vị thành niên, kết hôn sớm, kết hôn cưỡng bức, và bị bạo lực”, ông Christian Manhart nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến

Theo ông Christian Manhart, Chiến dịch “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” được triển khai trên toàn cầu từ năm 2020, nhằm kêu gọi bảo vệ những tiến bộ đã đạt được trong giáo dục cho trẻ em gái, đảm bảo việc học tập không ngừng của trẻ em gái và thúc đẩy trẻ em gái trở lại trường một cách an toàn khi trường học mở cửa trở lại.

“Tại Việt Nam, UNESCO hợp tác với Bộ GD-ĐT triển khai chiến dịch với sự tham gia của hơn 10.000 học sinh tại 24 trường THCS. Ngoài các hoạt động tại địa phương, năm ngoái, chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội đã tiếp cận tới 350.000 người. Sự phối hợp của T.Ư Đoàn sẽ mang chiến dịch đi xa hơn, rộng hơn và tạo nên những tác động hiệu quả hơn nữa”, ông Christian Manhart kỳ vọng.

Theo TNO