Thanh niên lập nghiệp thành công trên ruộng bỏ hoang

(CTG) Lên ý tưởng lập nghiệp khi thấy đất đai bỏ hoang nhiều tại quê hương, anh Đặng Văn Cường (32 tuổi, ngụ tại xã Đồng Môn, TP.Hà Tĩnh) đã gặt hái thành công khi đầu tư trồng rau củ quả và nuôi chồn hương trên diễn tích 4,3 ha.

Tốt nghiệp ngành Sư phạm giáo dục thể chất Trường ĐH Hà Tĩnh vào năm 2014, anh Đặng Văn Cường ra trường không theo nghiệp giáo viên mà xin vào làm tại một doanh nghiệp tư nhân tại TP.Hà Tĩnh.

Sau nhiều năm làm thuê, anh Cường nhen nhóm ý tưởng tự thân lập nghiệp ngay tại quê nhà, bởi anh nhận thấy có nhiều diện tích đất trồng lúa đang bị người dân địa phương bỏ hoang hoặc chỉ làm một mùa vụ rồi để không.

Anh Cường chia sẻ, mấy năm nay, người dân trong xã đổ xô lên thành phố lao động, nên nhiều ruộng vườn bị bỏ không. Thấy vậy, anh cảm giác rất tiệc và nảy sinh ý định thuê lại đất với dự định trồng rau củ quả hữu cơ và chăn nuôi.

Dù vậy, lúc đầu anh Cường cũng không ít lo lắng vì chưa biết chọn loại cây gì, con gì trong khi không có chuyên môn về nông nghiệp, chăn nuôi và vốn. “Một người làm thì khó nhưng nhiều người chung tay sẽ khác. Tôi đã rủ thêm 7 thanh niên trong xã cùng tham gia góp vốn, góp sức lập Hợp tác xã Thanh niên Thành Sen vào năm 2021. Rất may, UBND xã cũng tạo điều kiện tối đa cho HTX thuê lại đất bỏ hoang của người dân”, anh Cường nói.

Anh Cường cho biết, HTX lúc đầu hoạt động với 2 tỉ đồng tiền vốn. Số tiền này được đầu tư để làm nhà lưới, hệ thống tưới tự động, xây dựng nhà chăn nuôi và cải tạo lại đất đai. Ít vốn, chưa có kinh nghiệm nên lúc đầu, anh Cường chỉ dám trồng thử nghiệm một số rau củ quả ngắn ngày trên gần một nửa diện tích; đồng thời mua ít chồn hương giống về nuôi lấy kinh nghiệm. Sau khoảng 3 tháng, những giống rau như cải thảo, cải bó xôi, dưa lê, dưa hấu, cà rốt… phát triển tốt, cho thu nhập. Chăn nuôi cũng có dấu hiệu tích cực khi vật nuôi thích nghi tốt.

Sau việc trồng rau đem lại nguồn thu ổn định , hợp tác xã thanh niên Thành Sen  bắt đầu mở rộng sản xuất về cả diện tích và chủng loại rau quả. Đến nay, với số diện tích đất được thuê, anh Cường và các thành viên trong hợp tác xã bố trí khoảng 0,5 ha nhà lưới sản xuất rau củ quả sạch, 3 ha trồng ổi lê Thái Lan, 0,5 ha trồng táo Bàng La và 0,3 ha nuôi hơn 100 con chồn hương thương phẩm. Còn lại, anh dành một phần nhỏ để ươm mai vàng bon sai với nhiều gốc cổ thụ.

Sau 3 năm tập trung trồng trọt và chăn nuôi, Hợp tác xã thanh niên Thành Sen đã có doanh thu 3 tỉ đồng/năm. Toàn bộ lợi nhuận được các thành viên sử dụng để tiếp tục tái đầu tư.

"Hiện chúng tôi vẫn duy trì sản xuất rau củ quả theo từng mùa để bán ra thị trường. Còn vườn táo và ổi thì chưa có thu vì mới trồng được vài năm. Nguồn thu đáng kể nhất hiện tại vẫn là từ nuôi chồn hương", anh Cường bộc bạch.

Theo anh Cường, việc nuôi chồn hương khó nhất là khi loài động vật hoang dã này bị ốm chưa có thuốc để đặc trị. Do đó, chuồng trại phải thông thoáng, luôn được vệ sinh thường xuyên để tránh nấm mốc. Anh Cường và các cộng sự dự tính sắp tới sẽ tăng số lượng chồn hương từ 100 con lên 300 con. Nếu đảm bảo số lượng nuôi, doanh thu từ việc nuôi chồn sẽ đem về tiền tỉ vào năm sau.

Hiện tại, Hợp tác xã thanh niên Thành Sen đang tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức lương từ 8 triệu đồng/tháng và 10 lao động thời vụ với thu nhập 250.000 đồng/ngày. Cá nhân anh Cường cũng thường xuyên hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho các thanh niên trên địa bàn để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và đã gặt hái thành công, anh Cường đã được T.Ư Đoàn tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác vào năm 2023 và nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2024.

 KA