Thanh niên trẻ khởi nghiệp trên làng biển quê hương

(CTG) Nhận thấy quê hương còn rất nghèo, thời tiết khắc nghiệt, anh Nguyễn Hữu Phước (xã Ngư Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) đã chọn trở về quê hương khởi nghiệp, làm giàu trên chính thức loại đặc sản quê hương

Xã Ngư Thủy là xã vùng bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn ở Quảng Bình. Nổi tiếng với đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng trong chiến tranh, nhưng trong hòa bình, vùng đất này còn rất nhiều khó khăn khi những trảng cát bỏng rát chạy dài, với cái nắng khô hanh và gió Lào. Bà con sống chủ yếu dựa vào biển, thanh niên ra đời lao động sớm, ít được học hành cao.

Dù lớn lên ở vùng khó khăn, nhưng anh Phước lại có chí học hành và tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM với chuyên ngành chế biến thủy sản. Và sau khi tốt nghiệp, anh đã chọn trở lại với quê hương.

Anh Nguyễn Hữu Phước (phải) là một thanh niên tiêu biểu của Ngư Thủy

Chia sẻ về quyết định này, anh Phước cho biết, ngay khi lựa chọn ngành học để bước chân vào trường Đại học, anh đã nghĩ đến chuyện sẽ quay về giúp đỡ, đồng hành với bà con quê hương. Bởi anh hiểu, với cách làm cũ, thì ngay việc đủ sống cũng là quá khó khăn chứ chưa nói đến tích lũy và làm giàu. Anh hi vọng kiến thức học được ở trường Đại học sẽ giúp anh có thể làm được gì đó cho quê hương nghèo khó của mình.

Tuy nhiên, suy nghĩ là vậy, nhưng bắt tay vào làm thì muôn vàn khó khăn khi anh Phước chỉ vừa ra trường, chưa có kinh nghiệm. Không còn cách nào khác, anh phải bỏ thời gian để đi khắp nơi học hỏi từ những người đi trước, các ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản.

Sau khi học hỏi được phần nào kiến thức thực tế, năm 2020, anh Phước mới bắt đầu "rón rén" khởi nghiệp với ý tưởng chế biến thủy sản. Năm 2021, anh Phước thành lập Hợp tác xã sản xuất kinh doanh - dịch vụ thủy sản Ngư Nam. Thành công đầu tiên đến với anh Phước khi sáng kiến "Chế biến cá lóc khô tẩm gia vị" của Nam Ngư đạt giải ba cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Sở KHCN tỉnh Quảng Bình tổ chức.

Chia sẻ về ý tưởng ban đầu này, anh Phước cho biết, ở Ngư Thủy, nuôi cá lóc phát triển rất mạnh, nhưng tự phát. Nhiều lúc, lượng cá nuôi quá nhiều không kịp tiêu thụ. Cá không bán được nhưng vẫn phải chi phí thức ăn, chăm sóc. Từ đó, anh có ý định là khô cá lóc vừa để giải quyết đầu ra cho bà con, giúp bảo quản cá được lâu, thơm ngon hơn.

Có được thành công bước đầu, anh Phước mạnh dạn nêu ý tưởng “sản xuất sản phẩm ếch ăn liền” và năm 2023 tiếp tục đưa ra sáng kiến "Nâng cao chất lượng ghẹ xanh thương phẩm". Các sáng kiến này đều được giới chuyên môn về chế biến thủy hải sản đánh giá cao và đều được anh và một số bà con áp dụng trong lao động sản xuất, thu về những kết quả bước đầu rất khả quan…

Anh Phước cho hay, hiện Hợp tác xã sản xuất kinh doanh - dịch vụ thủy sản Ngư Nam có tổng diện tích hồ trại nuôi trồng là 2.000 m2, trong đó diện tích hồ trại nuôi ếch là 500 m2 và xuất khoảng 10 tấn ếch/năm. Ếch được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như: ếch khô tẩm gia vị, ếch ăn liền, ếch đông lạnh..., Đồng thời, anh cũng tìm nhiều cách để mở rộng kênh bán hàng, đưa các sản phẩm từ ếch, cá lọc vào các cửa hàng thực phẩm, quán ăn, siêu thị,...

"Điều khiến mình tự hào là đã xây dựng được mô hình chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh ếch an toàn tại Quảng Bình, từng bước tổ chức nuôi trồng ếch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn dịch bệnh và phát triển bền vững. Điều này sẽ giúp thay đổi tư duy sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, đồng thời dễ dàng quản lý về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, anh Phước tự hào chia sẻ.

Hiện tại, hợp tác xã Ngư Nam có lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 15 thanh niên địa phương. Đặc biệt, 4 sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm: mực khô, cá lóc khô tẩm gia vị, ếch khô tẩm gia vị, ếch ăn liền.

Cùng với phát triển kinh tế của bản thân, anh Phước còn tham gia sôi nổi nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng. Đặc biệt, anh từng kêu gọi hàng trăm triệu đồng để xây dựng sân bóng đá thôn, tặng học bổng cho học sinh nghèo khó khăn; đứng ra kêu gọi thành lập CLB Thanh niên khởi nghiệp xã Ngư Thủy nhằm giúp đỡ nhau trong việc phát triển kinh tế. 

Với những thành tích đạt được, anh Phước đã được nhiều bằng khen, giấy khen trong tỉnh Quảng Bình Anh cũng vinh dự là một trong 36 thanh niên toàn quốc đạt Giải thưởng Lương Định Của của T.Ư Đoàn.

 KA