Thanh niên vươn lên làm giàu từ mô hình trồng đinh lăng và nguyệt quế

(CTG) Với mô hình trồng Đinh lăng và Nguyệt quế xen dưới vườn xoài, mỗi năm gia đình chị Huỳnh Thị Thu Hương thu lợi trên 100 triệu đồng. Nhiều bà con trong vùng cũng bắt đầu thành công với mô hình này.

Những năm gần đây, mô hình trồng kiểng nguyên liệu, bán lá phục vụ cho nghệ thuật cắm hoa phổ biến nhiều nơi. Để có vườn kiểng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, người trồng kiểng không chỉ biết tận dụng thổ nhưỡng địa phương mà còn biết kỹ thuật chăm sóc để đạt hiệu quả cao. Nhờ vậy, nhiều hộ đã vươn lên khá giàu, trong đó có lực lượng thanh niên huyện Vũng Liêm.

Chị Thu Hương (bên phải) trả lời phỏng vấn tại vườn Đinh lăng

Cách đây 04 năm, được bạn bè giới thiệu và nhận định được thị trường đầy tiềm năng của loại kiểng lá, gia đình chị Huỳnh Thị Thu Hương, ấp Phước Thạnh, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm mạnh dạn đầu tư 14 triệu đồng mua giống đinh lăng và nguyệt quế trồng xen 1,1 ha vườn xoài.

Với đặc thù là loại cây dễ trồng lại chịu được bóng râm, xoài càng cho tán rộng, đinh lăng, nguyệt quế càng cho lá xanh tốt. Vườn kiểng lá của chị Thu Hương bắt đầu cho thu hoạch sau 5 tháng trồng.

Chị Hương cho biết, khi áp dụng mô hình này, nhà vườn còn tận dụng được lợi thế riêng, thuốc bồi dưỡng hay đặc trị cho xoài thì đều thích ứng với đinh lăng và nguyệt quế. Như vậy, mỗi lần phun xịt, nông dân không ngần ngại việc cây bị ảnh hưởng như thế nào.

Nếu như lợi nhuận từ vườn xoài còn bấp bênh theo từng năm, lại tốn công đầu tư chăm sóc thì đinh lăng và nguyệt quế cho thu nhập cao với thị trường chủ yếu bán cho các thương lái ở Bến Tre. Ngoài làm kiểng thì Đinh lăng còn làm dược liệu và nguyên liệu chế biến món ăn tại các nhà hàng. Nhờ vậy, sản lượng tiêu thụ cứ tăng theo năm.

Chị Hương chia sẻ, giá thời điểm bình thường khoảng 10 ngàn đồng/kg, còn vào dịp lễ thì lên tới 14 - 15 ngàn đồng/kg. Hai loại cây này cho thu hoạch liên tục, mỗi tuần khoảng 50-70kg. Trừ tất cả chi phí, chị thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm.

Bên cạnh trồng và chăm sóc vườn của gia đình, chị Hương còn nhân giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho hơn 10 hộ xung quanh. Từ đó, những hộ này đều có nguồn thu nhập rất ổn định, bởi trồng cây ăn trái thì thu hoạch theo mùa.

Cùng với chị Hương, bà con trên địa bàn xã Quới Thiện trồng khoảng 50 ha kiểng lá chủ yếu cau vàng và trúc đốm. Thông thường kiểng lá nói chung và đinh lăng, nguyệt quế nói riêng có thể thu hoạch luân phiên quanh năm và để càng lâu giá trị càng cao. Người dân biết tận dụng nguồn đất trống trồng xen các loại cây này với các loại cây ăn trái, đây là một bài toán kinh tế mới cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế vườn, góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân. Qua đó, cùng chính quyền địa phương thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Như Ngọc
Tỉnh Đoàn Vĩnh Long