'Thầy giáo' 17 tuổi truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học

(CTG) Trong những ngày hè này, Vũ Hoàng Long hằng ngày đều đặn đến Trường THPT Lào Cai 1 để hướng dẫn các học sinh khác trong câu lạc bộ nghiên cứu khoa học. Nhiều học sinh gọi Long là 'thầy' - người thầy truyền cảm hứng.

Vũ Hoàng Long (phải) hướng dẫn các học sinh tại câu lạc bộ nghiên cứu khoa học của Trường THPT Lào Cai 1 trong dịp hè 2019 - Ảnh: VĨNH HÀ

Đoạt giải ba trong Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2019 dành cho học sinh phổ thông, sau khi tốt nghiệp THPT, Vũ Hoàng Long đã được tuyển thẳng vào Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống

Từ nhỏ, cậu bé Long đã gây rắc rối khi tháo các thiết bị trong nhà để tìm hiểu rồi lắp lại. Học lớp 8, Long ra mắt tại cuộc thi sáng tạo của thanh thiếu niên nhi đồng với cây gậy tháo lắp bóng đèn chế bằng cán chổi cũ và phanh xe đạp.

Lớp 10, một sản phẩm dự thi khác của Long là găng tay hỗ trợ người đi xe đạp có khả năng phát sáng để tránh va chạm khi đi trên đường. Lớp 11, Long cũng có sản phẩm dự thi là xe hốt rác đa năng hay sản phẩm chế tạo robot hái quả ở tầm thấp (trái cà chua)...

Điểm đặc biệt và đáng quý ở cậu bé "đam mê khoa học" là em thường hướng đến sáng chế những vật dụng hữu ích trong cuộc sống hằng ngày. Ví như một sản phẩm được nhận giải ba trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng là máy đóng dấu xuất phát từ việc Long quan sát thấy cán bộ của trường mình học phải đóng dấu hàng ngàn văn bản.

Em thấy công việc khá vất vả nên về nghĩ và chế ra máy đóng dấu. Chỉ cần cài số tờ phải đóng thì máy sẽ tự động đóng hàng ngàn tờ. Long tặng chiếc máy đó cho nhà trường sử dụng.

Ý tưởng làm sản phẩm đoạt giải thưởng quốc tế của Long cũng bắt đầu từ một tình huống chạm đến lòng trắc ẩn của em. Đó là thời điểm nghỉ hè năm lớp 11.

"Hôm đó em theo bố mẹ vào viện thăm người quen bị ốm ở khoa thần kinh. Em nhìn thấy những bệnh nhân bị Parkinson rất khó khăn khi ăn uống. Họ thậm chí không đưa được thìa cơm lên miệng mà đánh rơi vãi tung tóe. Lúc đó, em nghĩ phải tìm cách nào đó có thể hỗ trợ người bệnh" - Long kể lại.

Hành trình thực hiện dự án rất vất vả, nhất là khi Long vẫn phải học tập, ôn tập cuối năm. Phiên bản máy đầu tiên, Long mang vào bệnh viện cho bệnh nhân dùng thử nhưng không đạt yêu cầu. Lại một hành trình sửa chữa, làm lại.

Long nhớ lại 6 tháng ròng rã, em phải chia thời gian trong ngày một cách nghiêm túc cho việc học, việc nghiên cứu, thực hiện dự án. "Chỉ cố gắng đạt được mục đích nhưng không bao giờ nghĩ tới việc mình có thể vượt qua nhiều học sinh khác để có giải thưởng quốc gia, rồi quốc tế" - Long tâm sự.

Sản phẩm được giải quốc tế của Vũ Hoàng Long có nhiều tính năng mới. Cụ thể là cánh tay robot và khay thức ăn được thiết kế khá linh hoạt, phương pháp điều khiển bằng giọng nói đã được điều chỉnh phù hợp với người bị bệnh Parkinson.

Công nghệ xử lý ảnh được kết hợp sử dụng robot bón thức ăn tới đúng vị trí miệng người bệnh. Thông tin về người bệnh và chế độ dinh dưỡng được robot lưu trữ và phân tích, từ đó gợi ý về chế độ dinh dưỡng phù hợp với người bệnh.

Được tiếp sức và trở thành người tiếp sức

Kể lại về hành trình đến giải thưởng của Long, không thể không nhắc tới quyết tâm và sự hỗ trợ nhiệt tình của cô giáo hiệu trưởng, các thầy, cô bộ môn của em.

"Khi Vũ Hoàng Long trình bày đề tài, tôi thấy rất tốt. Nhưng để thực hiện, Long cần được học thêm về thiết kế phần mềm xử lý hình ảnh. Trường quyết định hỗ trợ cho Long và một học sinh nữa về Hà Nội tham gia một khóa học của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Khi nhận được thông tin dự án của Long được chọn đại diện cho Việt Nam dự thi quốc tế, trường đã cử 8 giáo viên hỗ trợ Long trong các việc như dịch sang tiếng Việt tài liệu của hội thi, bồi dưỡng thêm tiếng Anh... Tuy nhiên, thành công chủ yếu vẫn là nỗ lực của em" - cô Phạm Thị Tuyết Thanh, hiệu trưởng Trường THPT Lào Cai 1, cho biết.

Có lẽ cũng vì "được tiếp sức" trong suốt hành trình đeo đuổi nghiên cứu, sáng tạo để có được giải thưởng nên đến lượt mình, Long muốn dành sự biết ơn cho ngôi trường em đã trưởng thành.

Long dành mùa hè 2019 để hỗ trợ các thầy cô hướng dẫn những học sinh đam mê khoa học ở trường. Em giúp các em học sinh học về thiết kế phần mềm, trao đổi hướng dẫn các em xác định đề tài và lên kế hoạch cho việc phải làm những gì, gặp ai, tham khảo tài liệu gì cho đề tài đã chọn.

Gặp Long tại "lớp học" đặc biệt này, thầy giáo 17 tuổi không già dặn hơn các học sinh lớp dưới là bao. Nhưng phong thái của em khá chững chạc. Long kể nhiều học sinh có đam mê, có ý tưởng sáng tạo. Nhưng hầu hết các ý tưởng còn mơ hồ, quá xa vời, khó có khả năng thực hiện.

Long giúp các bạn "nắn chỉnh lại". Và cũng từ kinh nghiệm của mình, em hướng các bạn vào những đề tài thiết thực với cuộc sống thường ngày, tạo các sản phẩm có thể ứng dụng vào cuộc sống chứ không chỉ để dự thi giành giải thưởng.

Lan tỏa tinh thần nghiên cứu khoa học

"Sau khi Long đoạt giải, nhiều học sinh trường tôi đã tỏ ra hào hứng, tích cực, say mê hơn. Dịp hè năm nay, một số học sinh đã đề xuất với nhà trường tổ chức lớp học theo dạng câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong hè và mời Long trực tiếp hướng dẫn. Trong lớp học này, Long trực tiếp hướng dẫn các học sinh về lập trình. Nhưng sâu xa hơn, Long là người truyền cảm hứng, sự tự tin cho những học sinh khác" - thầy Vương Quang Trọng, giáo viên Trường THPT Lào Cai 1, chia sẻ.

Giấc mơ du học

Dù đã được tuyển thẳng vào Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng xa hơn, Long mong muốn sẽ cố gắng "săn học bổng"du học. Long cho biết sẽ vừa chuẩn bị cho việc học ở trường vừa học thêm ngoại ngữ. Còn có một dự định mà Long luôn chắc chắn sẽ dành thời gian để làm, đó là hỗ trợ các bạn học sinh sau mình ở Trường THPT Lào Cai 1 trong hành trình nuôi dưỡng ước mơ.

Theo TTO