“Gia đình khó khăn, cha mẹ phải làm việc vất vả nuôi con ăn học. Năm 1995, biết tin mình đỗ tốt nghiệp THPT, bản thân vừa vui, vừa thấp thỏm lo lắng. Bởi gia cảnh khó khăn, liệu có thể đi đến đích của ước mơ? Rồi sau nhiều lần bàn tính, vì thương con, cha mẹ tôi quyết tâm, cố gắng bằng mọi cách tạo điều kiện cho tôi đi học” - thầy Ra tâm sự.
Khi được tuyển vào trường trung học sư phạm Sóc Trăng hệ 12 + 2, thời gian đầu, thầy phải chật vật với cuộc sống. Mọi thứ đều mới mẻ, bỡ ngỡ nhưng sau rồi thầy dần quen, thích nghi và bắt nhịp với cuộc sống nơi đây, được học tập và trải nghiệm ở môi trường mới, gặp những người bạn cùng chí hướng, được thầy, cô khai sáng tâm trí. Đó là điều làm thầy Ra cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
Thầy giáo Khmer Lý Khonh Na Ra
Để trang trải cuộc sống, thầy vừa đi học vừa làm thêm vào những ngày cuối tuần được nghỉ. “Lắm lúc mệt rã rời nhưng lại thấy mình may mắn, tự hào vì sự cố gắng của bản thân, quan trọng hơn là tôi đã đỡ đần một phần nào cho cha mẹ ở nhà” - thầy Ra chia sẻ.
Bản thân thầy luôn cố gắng học tập để không phụ lòng cha mẹ. Ngành sư phạm tưởng chừng dễ nhưng càng học, thầy càng nhận ra không hề đơn giản. Theo đuổi sự nghiệp này, đòi hỏi phải quý trẻ, yêu nghề, kiên nhẫn, biết kiềm chế, có tinh thần trách nhiệm cao và hết sức bao dung. Bao nhiêu lần tưởng chừng phải dừng lại nhưng rồi thầy củng đã chạm tới ước mơ của mình. Thầy Ra tâm sự: “Nghĩ đến những đứa trẻ nhem nhuốc, chỉ quẩn quanh với bếp lửa hay lẽo đẽo theo cha mẹ đi ruộng làm rẫy… tôi thương mà càng cố gắng vươn lên”.
Nhớ ngày đầu tiên đi thực tập tại trường Thực Hành Sư Phạm, khi bước vào cổng trường, thầy Ra khi ấy vừa hồi hộp, vừa lo lắng nhưng thấy các em nhỏ ở đây rất dễ thương, gần gũi khiến thầy càng yêu nghề giáo. Năm 2019, tốt nghiệp ra trường, thầy được Sở Giáo Dục và Đào Tạo ST phân công về nhận nhiệm vụ tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Xuyện, sau đó được PGD&ĐT huyện Mỹ Xuyên phân công về công tác tại đơn vị trường Tiểu học Thạnh Thới An 2, xã Thạnh Thới An, huyện Mỹ Xuyên trước kia (nay thuộc huyện Trần Đề). Tại đây, thầy đã bắt đầu cuộc hành trình truyền đạt tri thức của mình.
Đến năm 2001, thầy được BGH giao làm Tổng phụ trách Đội. “Đây quả là một thách thức đối với tôi, bởi kỹ năng và kiến thức công tác Đội chưa có, trường đóng trên địa bàn xã nghèo nên cơ sở vật chất rất thiếu thốn. Hệ thống âm thanh không có, bộ trống Đội không hoàn chỉnh. Thậm chí, nơi tập luyện ngoài trời cũng hạn chế vì mùa mưa sân trường sình lầy, Địa hình quanh co, người dân sống dọc theo hai bên bờ sông. Giao thông đi lại không thuận tiện, có sông nhưng ích cầu, đường đất vào mùa mưa đi lại rất khó khăn do đó các em phải đi bằng đường thủy rất nguy hiểm đến tính mạng của các em. Ngoài ra học sinh ở trường phần lớn là người dân tộc, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ thường đi làm ăn xa, ít quan tâm chuyện học hành lẫn hoạt động ngoại khóa của con” - thầy Ra chia sẻ.
Để khắc phục khó khăn, thầy luôn tích cực trong việc tạo điều kiện để cho các em được tham gia sinh hoạt tập thể, cũng như sinh hoạt ngoài giờ lên lớp. Chẳng hạn, với những gia đình các em cha mẹ đi làm ăn xa, không đưa được các em đến trường để sinh hoạt, thầy đi tới nhà để đón các em vào trường, còn những em cha mẹ đưa đến trường mà không kịp đón về thì thầy đưa các em về tận nhà, nhằm đảm bảo an toàn cho các em. Ngoài ra, thầy còn tổ chức một số hoạt động thu hút học sinh, lựa chọn các em có sở thích, khả năng âm nhạc, hướng dẫn học sinh lấy tre làm dùi và nền đất của sân trường làm mặt trống để tập gõ, cũng như luyện các bài trống khác nhau. Tập luyện nhiều rồi cũng thành thạo. Cả trường chỉ có một bộ trống cũ, thế nhưng cứ thứ 2 trong lễ chào cờ đầu tuần các em đều thực hiện thành thục nhiều bài trống Đội. “Những thành viên đội nghi thức biểu diễn và nghe tiếng trống rộn rã trong lễ chào cờ đầu tuần, ai cũng háo hức như được tiếp thêm năng lượng cho ngày đầu tuần. Nhìn các em biểu diễn như những nghệ sĩ nhí khiến tôi rất xúc động” - thầy Ra nói.
Trong công tác Đội của trường, thầy còn tổ chức các hoạt động khiến nhiều học sinh rất thích thú như: Thi hái hoa dân chủ, các trò chơi, hội thi rung chuông vàng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT nhân các ngày lễ lớn…. Là người quản trò trong các hoạt động không có hệ thống âm thanh hỗ trợ, thường phải nói lớn nên nhiều lúc bị khản giọng, mất tiếng nhưng điều đó cũng không làm thầy Ra thôi nhiệt huyết đối với công tác Đội.
Suốt 21 năm gắn bó với Trường Tiểu học Thạnh Thới An 2, thầy đều đặn mỗi ngày đi về hơn 30 cây số. Nhưng dù nhiều trở ngại là vậy nhưng thầy và trò chưa bao giờ từ bỏ mà vẫn nỗ lực dạy tốt, học tốt. Ngoài các hoạt động dạy học, thầy và trò tham gia tốt các cuộc thi do ngành tổ chức như: Sáng tạo TTNNĐ, hội thi vẽ tranh, HKPĐ, hội thi nghi thức Đội, Hoa phượng đỏ, viết chữ đẹp… Trong nhiều năm liên tiếp, các em đều đoạt giải cao. Học trò ở đây phần lớn là người dân tộc nhưng rất mạnh dạn, tự tin khi được tham gia và thi tài với các bạn trường khác trong huyện.
Trong quá trình công tác, thầy luôn được hội đồng nhà trường đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được xã Đoàn, huyện Đoàn, PGD&ĐT huyện, Liên đoàn Lao động và Ủy ban Nhân dân huyện tặng giấy khen, cấp tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đặc biệt, thầy Ra vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm. Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19. |