Thầy giáo người Nhật và hành trình lan tỏa giá trị cộng đồng tại Việt Nam

(CTG) Hơn 18 năm học tiếng Việt và gắn bó với mảnh đất hình chữ S, Tiến sĩ Hirota Fushihara đã sáng lập nên dự án “Vết xe hy vọng Việt Nhật” với mong muốn hỗ trợ giải quyết những khó khăn và thiệt hại của lao động Việt Nam tại Nhật Bản.

“Tôi muốn gắn mình vào sự phát triển của Việt Nam”

Đến với dải đất hình chữ S năm 1993, Fushihara Hirota luôn nhận thấy giữa mình và Việt Nam có một mối lương duyên đặc biệt. Anh lựa chọn Việt Nam bởi lúc bấy giờ bắt đầu hội nhập quốc tế và tiếp nhận những doanh nghiệp từ nước ngoài. Trong bối cảnh đó, chàng trai trẻ người Nhật đã nhìn thấy tương lai phát triển của Việt Nam.

Sau 2 năm học tại khoa tiếng Việt trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là khoa Việt Nam học và Tiếng Việt của trường Đại học Quốc gia Hà Nội), Hirota trở về Nhật Bản và bắt đầu làm nghề phiên dịch tiếng Việt. Năm 2008, sau khi lấy bằng Tiến sĩ thực hành luật, Hirota quay lại Việt Nam và gắn bó với cuộc sống nơi đây. Trong thời gian học tập và làm việc tại Việt Nam, anh đã tốt nghiệp trường Đại học Luật Hà Nội và khóa đào tạo luật sư Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp).

Tiến sĩ Hirota Fushihara
Tiến sĩ Hirota Fushihara

Tại Việt Nam, anh làm việc cho một công ty luật của Nhật Bản. Đồng thời, anh thực hiện tư vấn và hỗ trợ các công ty Nhật Bản kinh doanh tại Việt Nam. Với vốn kiến thức sâu rộng về pháp luật và sự am hiểu về đất nước, con người Việt, Hirota trở thành giảng viên trường Đại học Việt - Nhật. Tại đây, thầy giáo người Nhật chia sẻ với các bạn sinh viên về Pháp luật và Hành chính tại Việt Nam đương đại - môn học trình bày khái quát về quá trình phát triển của pháp luật Việt Nam.

Có cơ hội trải nghiệm nhiều vị trí và công việc ở Việt Nam, anh Hirota nhận định môi trường làm việc tại Việt Nam là môi trường mở với văn hóa tư duy của xã hội được giao lưu sâu rộng từ nước ngoài. “Các bạn Việt Nam tiếp thu rất nhanh và học hỏi nhanh những tư duy hay cách ứng xử về môi trường kinh doanh, môi trường làm việc mới. Vì vậy, tôi thấy điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt có thể thay đổi và thích ứng nhanh”, anh chia sẻ.

Thắp sáng hy vọng cho người lao động Việt

Trên cương vị là chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn pháp lý và kinh doanh, hơn ai hết, Hirota Fushihara thấu hiểu sâu sắc những rào cản đối với người lao động Việt tại nước ngoài.

Hiện nay, tại Nhật Bản có khoảng hơn 400.000 người Việt Nam đang sinh sống, trong đó phần lớn là người lao động hoặc du học sinh. Trong khi nhiều người thực hiện ước mơ của mình một cách suôn sẻ thì cũng không ít người Việt gặp khó khăn trong cuộc sống.

Với mong muốn bảo vệ quyền lợi, xây dựng môi trường trong sạch cho người lao động Việt Nam, anh Hirota Fushihara cùng các cộng sự đã sáng lập dự án “Vết xe hy vọng Việt Nhật” với mong muốn củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, đồng thời trở thành cầu nối việc làm giữa doanh nghiệp Nhật Bản và người lao động Việt Nam.

Dự án “Vết xe hy vọng Việt Nhật (IEVJ)” - nơi bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người Việt
Dự án “Vết xe hy vọng Việt Nhật (IEVJ)” - nơi bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người Việt

Hoạt động từ tháng 5/2020 với sự góp sức của những tình nguyện viên người Nhật Bản và Việt Nam, dự án “Vết xe hy vọng Việt Nhật” đã và đang tiến hành các hoạt động hỗ trợ nhằm tạo môi trường không có rủi ro, đảm bảo quyền lợi cho người lao động Việt đã, đang và sẽ sang Nhật học tập, làm việc.

Số lượng người tìm đến dự án chủ yếu là các thực tập sinh kỹ năng và người lao động với nhiều vấn đề xoay quanh họ như: Bị thu phí quá cao, bị môi giới, công ty xuất khẩu lao động lừa đảo, bị tai nạn trong quá trình làm việc, bị cho về nước trước hạn, bị bắt nạt, đánh đập, dư chấn sau tai nạn.

Thấu hiểu mong muốn được cứu trợ của các bạn Việt Nam không may gặp phải những trường hợp nêu trên, các thành viên của dự án “Vết xe hy vọng” tiến hành các hoạt động cần thiết như cung cấp thông tin khai sáng cho các bạn trẻ có mong muốn sang Nhật Bản, đánh giá các công ty xuất khẩu lao động, nghiên cứu và xây dựng cơ chế hỗ trợ tìm việc làm sau khi các bạn về nước… Đặc biệt, những thành viên sáng lập và ban quản trị đều không nhận bất cứ khoản thù lao nào từ hoạt động của dự án.

Anh Hirota Fushihara (ngồi giữa) tại văn phòng của dự án được chi trả nhờ các mạnh thường quân
Anh Hirota Fushihara (ngồi giữa) tại văn phòng của dự án được chi trả nhờ các mạnh thường quân.

"Khi người Việt Nam sang Nhật làm việc có thể sẽ gặp phải một số trục trặc trong mối quan hệ với công ty hoặc nơi làm việc. Đối với trường hợp này thì người lao động Việt ở Nhật Bản cũng không biết lên tiếng với ai. Vì vậy, chúng tôi mở ra một trung tâm tư vấn cứu trợ thực hành để tiếp nhận những yêu cầu hay những đề xuất để xử lý dứt điểm những vấn đề đó", anh Hirota Fushihara - đại diện của dự án chia sẻ.

Cụ thể, trung tâm cứu trợ thiệt hại - một trong những hoạt động nổi bật nhất của dự án đã hỗ trợ giải quyết các vấn đề dựa trên đầu mối liên hệ tại Nhật Bản cũng như Việt Nam; Hỗ trợ kết nối người lao động với doanh nghiệp có ngành nghề tương tự. Từ đó, đảm bảo cuộc sống cho người lao động sau khi về nước, giải quyết lượng lớn nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Cầu nối việc làm lâu dài giữa Việt Nam và Nhật Bản

Trong mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, sự tăng cường giao lưu về mặt con người là công tác quan trọng nhằm giúp đỡ cho hai quốc gia, dân tộc được thấu hiểu nhau hơn, tạo tiền đề cho sự hợp tác đa dạng của hai nước.

Với ý nghĩa tốt đẹp này, “Vết xe hy vọng Việt Nhật” ngày càng nhận được sự ủng hộ và đồng hành từ các cơ quan, tổ chức như Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cùng những cá nhân người Nhật xem Việt Nam là quê hương thứ hai.

Thời gian tới, dưới sự dẫn dắt của anh Hirota Fushihara, dự án sẽ tiếp tục hoạt động một cách tích cực hơn nữa, mở ra cơ hội hợp tác, kết nối với các tổ chức, cá nhân ở Nhật Bản “cùng chí hướng” bảo vệ quyền của người lao động Việt Nam tại Nhật.

Đồng thời, bước sang năm thứ 3 trên con đường hoàn thành sứ mệnh của mình, dự án “Vết xe hy vọng Việt Nhật” mong muốn tìm kiếm các bạn tình nguyện viên, điều phối viên giúp đỡ dự án. Đây chính là dịp để các bạn trẻ Việt Nam trực tiếp lắng nghe, thấu hiểu khó khăn và giúp đỡ đồng bào của mình.

Theo TTTĐ