Thế hệ trẻ tự tin vào chính mình

(CTG) Trao đổi với phóng viên Thanh Niên nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, nhắn gửi thế hệ trẻ hãy tự tin vào chính mình.

Đã đổi mới được hình thức giáo dục

Thưa ông, từng là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, ông đánh giá như thế nào về phong trào thanh niên trong thời gian vừa qua?

Phải nói rằng công tác Đoàn nhiệm kỳ vừa qua có nhiều cố gắng trong lĩnh vực tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho thanh niên. Đây là nội dung có những điểm nổi bật. Các đợt sinh hoạt chính trị cao điểm được tổ chức nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, đất nước, của Đoàn, Hội, Đội đã tác động tích cực đến nhận thức của đoàn viên, thanh thiếu nhi. Những chương trình như "Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên", hay những đợt ra quân tháng ba; chiến dịch mùa hè tình nguyện… đã kết hợp nhiều hành động đi đôi với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên rất hiệu quả. Những hoạt động đó đã phát huy sự hăng hái nhiệt tình, năng nổ của thanh niên và củng cố tổ chức. Thông qua đó đã giáo dục cho thanh niên tinh thần xung kích, dấn thân vì cộng đồng, vì đất nước.

Thế hệ trẻ tự tin vào chính mình - ảnh 1
 

Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè luôn khơi dậy tinh thần xung kích dấn thân vì cộng đồng của thanh niên. LÊ THANH

 

Đặc biệt, hình thức giáo dục đã được đổi mới, chuyển sang giáo dục online, kết nối mạng xã hội. Hình thức này đã phát động rộng rãi tới thanh niên để họ tham gia ở các vị trí khác nhau, tạo ra được sự thi đua trong thanh niên. Đồng thời, trong thời gian qua, tổ chức Đoàn đã tổ chức được nhiều cuộc thi có tính giáo dục, tuyên truyền và được lan tỏa trên không gian mạng.

Tuy nhiên, theo tôi, việc tổ chức cho thanh niên đi đến vùng đất mới, ở những công trường, những mũi nhọn của cuộc sống thì còn hạn chế. Nói chung, mũi tiến công vào khoa học kỹ thuật và những khâu khó, việc mới mà cuộc sống đang đòi hỏi thì phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Đoàn mạnh là phải kết nối được nhiều thanh niên

Thưa ông, so với thời kỳ ông làm Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn thì thế hệ thanh niên gen Z bây giờ có gì khác biệt?

Hiện nay, dân số và lao động thanh niên biến động quá nhiều, thế hệ gen Z nhảy việc rất nhiều, mà Đoàn không chạy theo kịp họ, không “chạm” được họ thì sẽ khó nắm được đối tượng. Đây là sự khác biệt so với thời kỳ tôi làm Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.

Thế hệ trẻ tự tin vào chính mình - ảnh 2

Ông Vũ Trọng Kim.

Điểm khác biệt thứ hai là thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trong thời đại kỹ thuật số phát triển, với những đặc điểm về tính cách, tư duy, nhận thức, tiềm năng, xu hướng và phong cách sống… có nhiều nét mới. Họ là thế hệ thanh niên sử dụng mạng để làm việc, giao lưu, kết nối, kinh doanh. Nhiều thanh niên rất giỏi về công nghệ mới, về thương mại điện tử. Đó là đặc điểm mới của thanh niên nhưng đó cũng là khó khăn trong công tác Đoàn, vì quy tụ lực lượng thanh niên để sinh hoạt Đoàn khó hơn trước. Cho nên, tốt nhất là dùng hệ thống mạng xã hội để tìm kiếm thanh niên trên không gian mạng.

Tuy nhiên, phương pháp tập hợp đó không phải là tất cả. Hiện vẫn còn những bộ phận thanh niên ở nông thôn, ở bản làng vùng sâu vùng xa, có tính chất ổn định, thì phải cố gắng giữ được phong trào thanh niên, sinh hoạt thường xuyên, tránh những thông tin xấu độc từ bên ngoài.

Vậy theo ông, trong giai đoạn hiện nay, công tác Đoàn phải làm gì để phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của thế hệ trẻ?

Theo tôi, tổ chức Đoàn thanh niên phải phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ LĐ-TB-XH để thống kê về các nhóm đối tượng lao động trong độ tuổi thanh niên và cập nhật đầy đủ vào dữ liệu quốc gia. Có thể phân loại các nhóm cùng độ tuổi, công việc, chuyên môn, nghề nghiệp hay cùng địa bàn sinh sống, để tác động tới họ và cũng dùng công nghệ để kết nối họ với nhau.

Việc phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH thì tổ chức Đoàn sẽ nắm được thông tin của lực lượng trẻ, ngay cả sự di chuyển của họ. Chỉ khi tập hợp được, họ mới chia sẻ nhu cầu chính đáng của mình. Chỉ cần đáp ứng những nhu cầu đó, có nghĩa là tổ chức Đoàn đã làm tốt công tác vận động, giáo dục và xây dựng phong trào thanh niên. Tôi cho rằng tổ chức Đoàn không chỉ quản lý được đoàn viên mà phải nắm được thanh niên và tổ chức sinh hoạt cho thanh niên. Đoàn mạnh là phải kết nối được nhiều thanh niên.

Đặc biệt, theo tôi, phải phối hợp với các ngành, trong đó cần phát huy vai trò của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam. Đó là một cơ quan phối hợp công tác liên ngành, thông qua bộ, ngành, địa phương để phát huy thanh niên và giúp cho thanh niên phát triển. Không ai nắm tình hình thanh niên và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển bằng chính những cơ quan, đơn vị nơi họ làm việc. Vì vậy, cần thúc đẩy các biện pháp nắm bắt thanh niên, đáp ứng nguyện vọng cống hiến của họ ngay tại các ngành, đơn vị để họ chung tay phát triển thanh niên.

Cán bộ Đoàn phải là nguồn trong sạch nhất

Thế hệ trẻ phải tự tin vào chính mình, điều đó rất quan trọng. Bạn trẻ cố gắng học tập, rèn luyện, tích lũy kiến thức và coi đó là vốn quý, là hành trang để đi vào cuộc sống. Chính điều đó là bệ phóng cho bản thân chứ không phải ai sắp đặt cho mình. Mỗi thanh niên sống tốt, có lẽ sống, có niềm tin, thì xã hội sẽ tươi đẹp.

Ông Vũ Trọng Kim - Nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn

Là người đã có hành trình rất dài gắn bó với công tác Đoàn và phong trào thanh niên, ông có mong muốn, kỳ vọng gì vào Đại hội Đoàn toàn quốc lần này?

Tôi mong muốn Đại hội Đoàn toàn quốc là một dịp để củng cố lại công tác tổ chức và cán bộ. Muốn cho tổ chức Đoàn mạnh thì phải có cán bộ trong sạch, vững mạnh. Cán bộ mạnh phải là cán bộ lớn lên từ trong phong trào, từ “lò lửa” nhiệt tình của thanh niên, trui rèn trong đó mà lên. Cán bộ Đoàn phải thực sự là người có năng lực, trước hết là năng lực quy tụ thanh niên, phải có khả năng dẫn dắt tương tác với thanh niên. Họ phải là những người trải qua phong trào, rèn giũa, đắm mình trong hoạt động thanh niên, là người nổi trội nhất qua từng phong trào, qua từng thời gian, từ đó nổi lên như “cột cờ” để bồi dưỡng thành cán bộ Đoàn. Như vậy mới có những thủ lĩnh thực sự của thanh niên.

Đại hội Đoàn cũng là dịp để nắm bắt lại tình hình, nhu cầu của thanh niên nhằm tìm ra các giải pháp đáp ứng nhu cầu của thế hệ trẻ. Theo tôi, dịp này tổ chức Đoàn nên báo cáo với Đảng về việc đẩy mạnh đào tạo cán bộ Đoàn, lấy những người có chuyên môn, kinh nghiệm ở các ngành, các cấp đang còn trẻ để đào tạo, thử thách về công tác Đoàn và đưa trở lại làm cán bộ nòng cốt của ngành. Như vậy, nuôi dưỡng được tình cảm, tư tưởng của họ, luôn sống vì một lý tưởng, một phẩm chất trong sáng và tinh thần cống hiến, để xua tan, hạn chế những suy nghĩ và hành động tiêu cực, thực dụng.

Việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ Đoàn là làm công tác cán bộ Đảng trước một bước, nếu làm tốt thì có nghĩa là trách nhiệm Đoàn đã làm tốt vai trò hậu bị về đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền trong tương lai. Đoàn là môi trường rèn luyện, đào tạo cán bộ, nên phải bắt đầu từ nguồn cán bộ Đoàn và phải là nguồn trong sạch nhất thì mới có cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền và các bộ, ngành trong sạch.

Nhân dịp Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, ông muốn nhắn gửi điều gì đến thế hệ trẻ?

Theo tôi, thế hệ trẻ phải tự tin vào chính mình, điều đó rất quan trọng. Bạn trẻ cố gắng học tập, rèn luyện, tích lũy kiến thức và coi đó là vốn quý, là hành trang để đi vào cuộc sống. Chính điều đó là bệ phóng cho bản thân chứ không phải ai sắp đặt cho mình. Mỗi thanh niên sống tốt, có lẽ sống, có niềm tin, thì xã hội sẽ tươi đẹp. Niềm tin càng cao thì lẽ sống càng vững vàng. Khi có niềm tin sẽ tạo ra nghị lực và từ nghị lực sẽ trở thành những người bản lĩnh, vượt qua được mọi khó khăn, thử thách.

Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng: Các bạn cứ tin nếu tài giỏi thì ở bất cứ đâu, bất cứ tập thể nào cũng sẽ được trọng dụng. Hãy lấy điều đó làm niềm tin cho mình và phải làm tốt công việc của mình. Muốn có ước mơ lớn phải thực hiện từng ước mơ nhỏ. Muốn đi đường dài thì hãy đi từng giờ và từng ngày chắc chắn, thì mới có một tương lai tốt.

Xin cảm ơn ông!

Theo TN