Ghi nhận tại điểm thi Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), Nguyễn Ngọc Hồng Phương, học sinh (HS) trường này, nhận định thời gian qua em luôn trải dài ôn tập đủ hết các tác phẩm, dù "rất muốn" đề ra Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân vì "lâu rồi tác phẩm này chưa ra, và đây là một áng văn hay kể về cảnh đẹp thiên nhiên của VN".
"Đây là năm cuối thi theo chương trình cũ nên em chọn học hết vì chẳng đoán được Bộ GD-ĐT sẽ ra đề như thế nào. Trước đó em đã trúng tuyển sớm vào một số trường nhưng em vẫn muốn đạt điểm tốt để xét vào ngành đô thị học hoặc địa lý học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM", nữ sinh chia sẻ.
Học cùng trường, Phạm Gia Bảo nói em "thở phào, cảm thấy may mắn" khi là lứa cuối của chương trình cũ. Nam sinh quả quyết đã học hết mở, kết bài của đủ 8 tác phẩm trọng tâm, còn thân bài thì nắm ý để diễn đạt hiệu quả khi làm bài thi. "Năm nay em thấy học "tủ" dễ bị "đè" lắm, tác phẩm nào cũng có thể ra được vì năm sau đâu còn thi trong phạm vi một số tác phẩm nhất định nữa", Bảo nhìn nhận.
Tương tự, Ngô Nguyễn Minh Anh cho biết tác phẩm nào em cũng ôn, không chừa bài nào. "Do là năm cuối thi theo chương trình cũ khiến em gặp áp lực rất nhiều, nhất là có thêm nhiều TS tự do đi thi hơn. Chưa kể, em có học bạ không đẹp, cũng phù hợp với thi đánh giá năng lực nên thi tốt nghiệp THPT chính là cơ hội duy nhất của em", nữ sinh nói.
Thi tốt nghiệp THPT 2024: thí sinh trổ tài đoán đề thi văn, thắp hương cầu may mắn
Trong khi đó, Lê Minh Thư thú nhận vì "tủ đề nào, đề đó đều không ra" nên em quyết tâm học kỹ tất cả tác phẩm. Còn TS Nguyễn Trần Thanh Mai cũng cho biết: "Thú thật là em sợ lắm nên ráng ôn đủ tác phẩm để tự tin đi thi".
Theo TN