![]() |
- Ông đánh giá thế nào về sức cạnh tranh của các DN VN, đặc biệt trong bối cảnh ASEAN hiện nay ?
Hiện nay với đóng góp của các DN trong nội khối khoảng 25% tôi cho là tương đối, kinh tế VN nằm trong điểm nóng của khu vực. Sức đóng góp cạnh tranh của các DN VN khá cao, bằng chứng là đã có rất nhiều DN đến từ các nước ASEAN muốn đẩy mạnh đầu tư, tăng cường hợp tác với các DN VN.
Điểm mạnh của ta là lao động dồi dào, tay nghề cao, thị trường gần 90 triệu dân, đa số là dân số trẻ, đây chính là sức hút của VN với thế giới bên ngoài. Bên cạnh đó chúng ta có những mặt hàng thế mạnh, đó là: dệt may, da giày, thủy sản, nông sản...
Về thị trường vốn, chúng ta cũng khá mạnh trong khu vực ASEAN, để phát huy được việc nâng cao nguồn vốn, hút nguồn vốn đúng hướng và lâu dài cần có những thay đổi về cơ chế. Về cơ bản hiện nay theo tôi chúng ta đang đi đúng hướng.
Điểm yếu của ta hiện nay là trình độ quản lý và công nghệ. Đây là hai điểm yếu cố hữu của các DN VN cần phải thay đổi, và khắc phục.
Nếu đế nhận xét thì tôi cho rằng chúng ta đang đứng ở mức trung bình trong khu vực về tiềm năng phát triển. Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính mặc dù có tốc độ phát triển khá lớn nhưng so với một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Indonesia... chúng ta vẫn đang thua họ, đặc biệt là các giải pháp về công nghệ ngân hàng. Tuy nhiên, đa số các ngân hàng đều biết được điểm yếu của mình nên cũng đang đầu tư mạnh mẽ để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.
- Các DN ASEAN đều đánh giá cao tiềm năng của VN. Tuy nhiên họ cho rằng chúng ta đang yếu về quản trị DN, còn ông ?
Tôi đồng ý với nhận định đó, chúng ta đang có sự phân chia hai mảng DN, một là của Nhà nước, hai là của tư nhân. Chắc chắn chúng ta phải đổi mới quản trị DN, Nhà nước cần ban hành những chính sách sát hơn nữa với thông lệ quốc tế, các DN tư nhân cần đi vào đầu tư và nghiên cứu chuyên môn hóa, hòa nhập với DN quốc tế. Lúc đó, các DN quốc tế mới tin tưởng. Hiện nay, đáng mừng là các DN VN đã nhận ra điều này và đang có nhiều chuyển biến, học hỏi và thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, để theo kịp các DN quốc tế cần phải có thời gian chứ không thể một sớm một chiều được.
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh tới việc tăng cường thương mại nội khối ASEAN. Theo ông, đâu là mấu chốt để chúng ta có thể thực hiện được việc này ?
Tôi cho rằng mấu chốt để tăng cường thương mại trong khối ASEAN là làm sao kéo gần lại, tiến tới xóa bỏ khoảng cách về thuế quan và các chính sách về hải quan. Đây có thể coi là rào cản lớn nhất, đòi hỏi các Chính phủ cần có sự thống nhất để tới năm 2015 chúng ta có thể đạt được tự do hóa thương mại.
Về đầu tư, tôi cho rằng VN là một trong những nước có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư trong ASEAN, 65% dân số của ta dưới 30 tuổi, hơn nữa lao động VN được đánh giá là cần cù thông minh, mặc dù kỹ năng còn chưa cao nhưng có thể khắc phục được điều này. Chúng ta cần đầu tư cho con người để điểm hấp dẫn này tiếp tục được phát huy. Ngược lại, vấn đề cơ sở hạ tầng còn yếu chúng ta cần khắc phục điều này.
Các DN VN kể từ 10 năm nay đã tiến bộ nhanh, nhưng điểm yếu của ta là nếp suy nghĩ chưa chuyên nghiệp.
- Trong bối cảnh chung như vậy, TrustBank đã có chiến lược gì để hòa nhập với các DN ASEAN ?
Chúng tôi đang hướng tới tăng năng lực tài chính, tổng vốn tài sản gần 1 tỷ USD, vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian qua chúng tôi mới đang phát triển chiều rộng, thời gian tới đây sẽ chú trọng phát triển chiều sâu. Để làm dược điều này chúng tôi cũng đang có hợp tác, lien doanh với các DN ASEAN và DN các nước là đối tác của ASEAN như: Malaisia,Hàn Quốc, Hoa Kỳ...
- Xin cảm ơn ông !
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp