Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm Tôi yêu Tổ quốc tôi. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia tham dự Đại hội Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam lần thứ VIII, khóa 2019 - 2024 và đối thoại với gần 1.000 thanh niên ưu tú.
Thủ tướng dành thời gian tham quan triển lãm Tôi yêu Tổ quốc tôi và khu trưng bày trang phục của các dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh các đạo bộ, ngành tiến vào hội trường. Anh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VIII, cho biết trong những năm qua, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã dành sự quan tâm đặc biệt, luôn đặt niềm tin vào các thế hệ thanh niên Việt Nam.
"Hôm nay, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, chúng ta vui mừng, phấn khởi được Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với đại biểu Đại hội với chủ đề Khát vọng thanh niên Việt Nam - vì Tổ quốc giàu mạnh và văn minh", anh Tuấn nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đàm và lãnh đạo các Bộ, ngành đối thoại với thanh niên. |
Ngoài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân... sẽ cùng trao đổi, đối thoại với các đại diện thanh niên Việt Nam. Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng tham gia cuộc đối thoại.
Bắt đầu buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi: Hôm nay, chúng tôi giành thời gian cần thiết để đối thoại với các bạn. Người ta thường nói thanh niên đã làm gì cho Tổ quốc chứ không phải Tổ quốc đã làm gì cho thanh niên, nhưng ngược lại chúng tôi mang đến đây, đến Đại hội này lãnh đạo các cơ quan nhà nước để muốn nói rằng, các bạn có khát vọng, hoài bão, quyết tâm phấn đấu đóng góp xây dựng đất nước, mặt khác, các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp tạo điều kiện cho thanh niên có điều kiện tốt nhất, tạo môi trường cần thiết cho thanh niên.
Cũng như bóng đá thôi, chúng ta thắng được bởi ý chí của đội bóng, của từng vận động viên, tài năng của huấn luyện viên nhưng đằng sau bóng đá là ý thức dân tộc, quyết chiến, quyết thắng của hàng triệu người Việt Nam hun đúc tạo điều kiện tốt nhất cho đội bóng.
Hôm nay, tôi và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các Bộ ngành sẵn sàng trả lời những vấn đề của các bạn đưa ra. “Trung ngôn thì nghịch nhĩ” có điều gì cần nói, các bạn cứ nói, tạo nên không khí cởi mở hơn, thân thiết hơn, đừng lo lắng quá, hãy nói điều gì mà các bạn cần phải nói.
Đại biểu Ngô Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Nguyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Thái Nguyên hỏi Thủ tướng về những giải pháp nào để “tiếp sức” cho Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và hỗ trợ cho thanh niên? |
Mở đầu đối thoại, đại biểu Ngô Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Nguyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Thái Nguyên hỏi Thủ tướng về những giải pháp nào để “tiếp sức” cho Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và hỗ trợ cho thanh niên?
Đại biểu Trần Duy Quân, Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Y Dược TP. HCM: Tôi xin gửi câu hỏi tới Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Xin hỏi về phía Chính phủ sẽ có những giải pháp nào nhằm giúp cho thanh niên có thể tiếp cận các kiến thức, thông tin về lý luận, chính trị dễ hiểu hơn và theo hướng thu hút hơn hay không?
Đại biểu Trần Đình Trung, Phó Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ thành phố Đà Nẵng: Tôi xin gửi câu hỏi tới Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam: Trong thời gian tới, Chính phủ đã có những giải pháp gì nhằm hỗ trợ các tổ chức của thanh niên tham gia hơn nữa vào chương trình Sức khỏe Việt Nam?
Đại đức Thích Chánh Thuần, trụ trì chùa Phúc Lâm (xã Cao Xá, huyện Thường Tín, Hà Nội), Đoàn đại biểu Hà Nội, nêu câu hỏi câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đề nghị cho biết, sắp tới Bộ sẽ làm gì để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp góp phần phát triển văn hóa ứng xử giao tiếp của thế hệ trẻ nói riêng và người Việt nói chung có bản sắc, giàu tính truyền thống, nhân văn và văn minh?.
Sau khi nghe 4 câu hỏi của các đại diện thanh niên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, hôm nay ông cùng phó thủ tướng và các bộ trưởng sẽ dành thời gian cần thiết để đối thoại với các bạn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi và trả lời các câu hỏi của đại biểu. |
Trả lời câu hỏi đầu tiên về giáo dục lý tưởng cách mạng, Thủ tướng khẳng định, câu hỏi này hết sức cần thiết. Theo Thủ tướng, sau khi luật Thanh niên được ban hành, Chính phủ có chỉ đạo các bộ, các ngành tạo điều kiện cho thanh niên; ban hành những đề án, chỉ thị, nghị định, đặc biệt là đề án về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp...
“Nói chung văn bản thì nhiều. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ đã triển khai khá đồng bộ, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Chính phủ sẽ rà soát lại và ban hành các nội dung mới hơn, tốt hơn. Tôi lắng nghe ý kiến này để kịp thời điều chỉnh những chính sách tạo điều kiện cho sinh viên”, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, hai bên đều phải chủ động vì sự phát triển đổi mới của đất nước. “Thời đại hiện nay, yêu cầu về sự nhanh nhạy, kịp thời đặt ra rất lớn. Sau khi Đại hội này, chúng tôi sẽ có đề án mới kịp thời hơn, tốt hơn, mang hàm lượng trí tuệ, khoa học, tạo điều kiện cho sinh viên đóng góp, xây dựng đất nước”.
“Một số việc chúng ta đã làm, tôi cho là các bạn đã hết sức cố gắng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, nhưng chính các bạn là quyết định. Các bạn phải chủ động vươn lên. Nội tại là quyết định, ngoại lực thì chúng tôi sẽ phối hợp với các bạn. Tại đây, tôi đã gặp một số sinh viên có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng các bạn đã vươn lên trong cuộc sống. Cũng giống như các vận động bóng đá nữ đã đá vượt trên 100% sức lực của mình”.
“Như ông Park Hang-seo đã gọi Đoàn Văn Hậu về, để đánh đầu vào lưới đội bạn 2 quả. Nhà nước tạo điều kiện phát huy như vậy. Chính phủ sẽ đồng hành, chúc các bạn thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi của đại biểu thanh niên. |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Duy Quân, Ủy viên Ban Thư ký Hội Sinh viên TP.HCM, về giải pháp giúp thanh niên có thể tiếp cận các kiến thức, thông tin về lý luận, chính trị dễ hiểu hơn và theo hướng thu hút, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, lý tưởng cách mạng, "nôm na" là hồng và chuyên. Chúng ta yêu nước, chúng phải kiên định truyền thống dân tộc, con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng đã chọn.
Bạn hỏi có cách nào để thu hút tâm huyết hơn để học các kiến thức, thông tin về lý luận, chính trị, tôi hỏi chính các bạn, các bạn đã tâm huyết chưa? Chính phủ đã quy định về chương trình giáo dục từ lớp một trở lên đều lồng ghép các nội dung giáo dục lý luận, chính trị, trường nước ngoài cũng phải theo, lồng ghép các nội dung đó.
Tới đây, đổi mới phương thức giảng dạy. Nhưng vấn đề chính các bạn. Chính phủ đã có nhiều giải pháp rồi nhưng có thêm một giải pháp, cần nâng cao trách nhiệm của Hội Sinh viên và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của của anh Trần Đình Trung, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.Đà Nẵng, liên quan tới Chính phủ đã có những giải pháp gì nhằm hỗ trợ các tổ chức của thanh niên tham gia hơn nữa vào chương trình Sức khỏe Việt Nam, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục đặt câu hỏi ngược lại: Các bạn, hàng sáng dù ốm cũng tập thể dục chưa?
"Tôi sinh ra sài đẹn, ốm còi, nhưng đến giờ này ốm hầm hập tôi vẫn tập thể dục. Tôi vui vì Thủ tướng hôm qua gặp 2 đội tuyển bóng đá nói các bạn đá hơn 100% sức lực nên giành chiến thắng, các bạn vui, vỗ tay. Còn tôi nói rằng, các bạn hãy giành 100% chưa cần hơn cho việc rèn luyện đức, trí, thể mỹ. Hỏi ngược lại các bạn, làm gì tới đây đáp ứng khát vọng của dân tộc này. Việt Nam muốn giàu lên cần giúp đỡ, hợp tác nước ngoài nhưng quan trọng nhất là chính chúng ta. Nhà mình bẩn không thể nhờ hàng xóm đến quét sạch được", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp để xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh. |
Bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp để xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh.
Theo bà Thuỷ, giải pháp đã triển khai rất nhiều, có nhiều văn bản hướng dẫn và quy định của pháp luật như đã có Nghị quyết 33 về xây dựng con người Việt Nam, trong đó có văn hoá ứng xử trong gia đình. “Chúng ta có nhiều chương trình, đề án và bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình Việt Nam. Theo tôi, đấy là một giải pháp quan trọng, vì phải bắt nguồn từ giáo dục đạo đức lối sống từ gia đình”.
Bên cạnh đó là giáo dục đạo đức lối sống trong trường học; giáo dục ứng xử trong cộng đồng xã hội. "Chúng ta cũng đã có chiến lược và toàn dân xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh… Tuy nhiên, cần ý thức được trách nhiệm của mỗi cá nhân và vị trí trong việc thực hiện”, bà Thuỷ nói.
Theo bà Thuỷ, vai trò của thanh niên rất quan trong, những việc làm, ứng xử của thanh niên có tác động mạnh mẽ đến toàn xã hội. Mong thanh niên là tấm gương để xây dựng một xã hội văn minh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc trả lời câu hỏi của thanh niên. |
Tiếp tục trả lời câu hỏi của anh Trần Duy Quân, Ủy viên Ban Thư ký Hội Sinh viên TP.HCM, về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, cho hay hiện Bộ Giáo dục - Đào tạo đang phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư dưới sự chỉ đạo Ban Bí thư đang tích cực rà soát, xây dựng chương trình giáo dục lý luận chính trị mới trong cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, nhiều nội dung, phương pháp môn học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ đổi mới để lôi cuốn người học hơn. "Hiện cơ bản đã làm xong việc này và ban hành chương trình mới trong thời gian sắp tới", ông Nguyễn Văn Phúc cho hay.
Nói rộng về vấn đề liên quan tới giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, ông Nguyễn Văn Phúc cho hay, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo đã nhấn mạnh dạy chữ đi song song với dạy người. Toàn bộ hệ thống giáo dục đào tạo đã nhấn mạnh nội dung này.
"Vừa qua, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, Ban Bí thư cũng nhấn mạnh phải tăng cường nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống. Để xây dựng đất nước giàu lên thì phải có văn hóa, giữ gìn truyền thống tốt đẹp thì mới thực sự xây dựng đất nước hạnh phúc. Mong Hội Liên hiệp Thanh niên, mỗi đại biểu là một đại sứ trong việc này vì đây là trách nhiệm chung của chúng ta. Bộ Giáo dục - Đào tạo, Chính phủ cố gắng hết sức nhưng mỗi bạn phải cùng chung tay góp sức vào, đi đầu gương mẫu để đất nước chúng ta khi giàu có thì văn minh, hạnh phúc", Thứ trưởng Phúc nói.
Tiếp đó Thủ tướng khuyến khích hỏi những câu không có trong kịch bản, người điều hành phiên đối thoại đã cho biết: “Từ bây giờ chúng tôi sẽ không dùng app nữa mà đề nghị các đại biểu giơ tay để hỏi”.
Thủ tướng tiếp tục đề nghị các đại biểu thanh niên “phải đặt câu hỏi cho các Bộ trưởng trực tiếp ấy, ông giải quyết việc làm, ông chính sách kinh tế, ông chính sách tín dụng... Đặc biệt là anh Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông) và anh Chu Ngọc Anh (Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ). Hỏi xoáy vào mấy ông bộ trưởng này, để họ giải đáp những điều trực tiếp các bạn thấy là vướng mắc”.
Sự thay đổi đáng chú ý đến tiếp sau đó là người điều hành đã mời “đại biểu ngồi hàng đầu” và đề nghị giới thiệu tên trước khi đặt câu hỏi.
Các đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi cho lãnh đạo Chính phủ. |
Đại biểu Nguyễn Hoàng Phong, Bí thư Tỉnh Đoàn Gia Lai, đặt câu hỏi với Thủ tướng về việc Quốc hội đã thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn, khiến người dân rất vui mừng. Vậy, thanh niên có dáng dấp trong đề án đó không, đâu là những chính sách cụ thể cho thanh niên?.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết: “Đề án về chính sách dân tộc miền núi là một chính sách quốc gia. Đây là giải pháp Đảng, Nhà nước đưa ra để giảm khoảng cách phát triển giữa miền xuôi và miền núi. Chúng tôi đã đưa ra các đề án thành phần, trong đó có đóng góp của thanh niên. Đây là vấn đề đang xây dựng, anh Nguyễn Chí Dũng sẽ nói rõ thêm, nhưng trong bất kỳ đề án nào thanh niên cũng là đi đầu, xung kích”.
Chị Nguyễn Thị Hương Giang, Phó chủ tịch Hội sinh viên Đại học Hàng hải Việt Nam, hỏi Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo: Tìm kiếm việc làm luôn là vấn đề được quan tâm. Vấn đề này không mới, nhưng trong thời gian tới, liệu có chính sách nào cụ thể để sinh viên tiếp cận thông tin chính thống, để có việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo và khả năng của mình?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, việc đào tạo gắn với nhu cầu xã hội là mục tiêu hiện nay của ngành giáo dục. Trong những năm vừa qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã yêu cầu các trường phải công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm để tăng thêm sự minh bạch cho người học, phụ huynh.
Tuy nhiên, về sự tin cậy, chính xác của các số liệu được công bố là điều cần phải xem xét. Do đó, hiện Bộ Giáo dục - Đào tạo đang học tập kinh nghiệm quốc tế, có những giải pháp nâng cao tính chính xác của số liệu.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Phúc, trong kiểm định chương trình, Bộ Giáo dục - Đào tạo có yêu cầu bắt buộc khi xây dựng chương trình phải lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp. Sự gắn kết là một yêu cầu bắt buộc để việc đào tạo của nhà trường phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội.
“Ngoài ra, hiện trong các hoạt động, không chỉ về đào tạo mà nghiên cứu khoa học, chúng tôi đều chỉ đạo các trường gắn kết, xem doanh nghiệp và người sử dụng lao động là đối tác vô cùng quan trọng, có thể nói là sống còn, ảnh hưởng đến sự phát triển của các trường đại học, để việc đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng, để các em ra trường phải tìm được việc làm”, ông Phúc nói.
Đại biểu Trần Văn Công (tỉnh Gia Lai) cho rằng, vai trò của thanh niên trong hợp tác xã kiểu mới rất quan trọng vì hợp tác xã là chủ thể, cầu nối giữa nhà nước và nông dân, nhưng thanh niên chưa được phát huy trong đó. Theo anh Công, cần có cơ chế thu hút thanh niên để phát huy vai trò của họ trong điều hành mô hình hợp tác xã nông thôn như trả lương cho cán bộ trẻ?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời các câu hỏi của đại biểu thanh niên. |
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ông đã có rất nhiều cảm xúc khi đến đối thoại với thanh niên.
Theo ông Dũng, con người là nguồn lực quý giá của quốc gia, quốc gia nào tận dụng được thì phát triển, trong đó sức mạnh lớn nhất là thanh niên. “Chúng ta có lực lượng đông đảo nhưng số thanh niên có kỹ năng tốt để đáp ứng yêu cầu công việc, hội nhập quốc tế còn hạn chế. Các kỹ năng mềm và tiếng Anh rất hạn chế, không thể tham gia vào cuộc chơi lớn của quốc gia quốc tế được”, ông Dũng nói.
Đồng thời, ông Dũng bày tỏ niềm tin vào thanh niên Việt Nam: “Tương lai của đất nước phụ thuộc vào các bạn, với trí tuệ tâm huyết, yêu nước, nhiệt huyết… chúng tôi tin các bạn làm được điều kỳ diệu hơn cho đất nước. Bóng đã làm được không có điều gì chúng ta không làm được”.
Ông Dũng cho rằng, thanh niên cần thực hiện chủ trương chính sách của nhà nước hiệu quả và phải là tấm gương sáng. Nhà nước cần tin tưởng giao nhiệm vụ cho thanh niên nhiều hơn, mạnh mẽ hơn.
Với câu hỏi cụ thể của đại biểu Công, ông Dũng cho rằng, hợp tác xã kiểu mới là xu thế tất yếu. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún phi tiêu chuẩn thì không thể cạnh tranh tồn tại được.
Với đề xuất của đại biểu, ông Dũng cho biết sẽ ghi nhận để xem xét. “Các bạn cần đề xuất, nhà nước cần mạnh dạn giao nhiệm vụ cho thanh niên”, ông Dũng nói.
Đại biểu Trần Thị Lệ Chi, đại biểu Đoàn TP.Đà Nẵng, đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc thay vì khởi nghiệp trực tiếp nhưng nhiều rủi ro, cần khuyến khích khởi nghiệp gián tiếp để chuẩn bị cho các bạn trẻ kinh nghiệm, năng lực bản thân, nhằm giảm thiểu rủi ro các dự án khởi nghiệp cũng như kinh tế đất nước.
Trong khi đó, đại biểu Lý A Tàng, Chủ tịch Câu lạc bộ Khởi nghiệp huyện Đầm Hà (Quảng Ninh), thì cho biết ở khu vực nông thôn, khởi nghiệp sáng tạo rất ít mà chủ yếu là thanh niên lập nghiệp. Từ đó, anh Tàng đề nghị Thủ tướng có thể xem xét nâng mức vốn cho vay với các mô hình lập nghiệp của thanh niên lên 100 - 200 triệu đồng, để khuyến khích thanh niên khu vực nông thôn lập nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình khởi nghiệp rất quan trọng đối với thanh niên. Nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã rất thành công phát động thanh niên khởi nghiệp. Đây là vấn đề rất cần thiết ở một nước đang phát triển như ở ta. Thủ tướng khẳng định ông sẽ trả lời vấn đề này, nhưng trước khi ông trả lời, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ giải đáp trước.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời câu hỏi của đại biểu đặt ra. |
Về câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, 5 năm qua, Bộ Khoa học - Công nghệ đã phối hợp rất tốt với T.Ư Đoàn trong việc khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên, sinh viên.
Ông Chu Ngọc Anh chia sẻ, anh em chúng tôi bây giờ được giao nhiệm vụ đứng đầu ngành, tinh thần hiện nay ngoài dám làm, còn có thêm cái vế nữa là dám chịu trách nhiệm. Các bạn với khát vọng vươn lên, không chỉ dám chịu trách nhiệm với bản thân mà còn dám chịu thất bại.
Theo ông Ngọc Anh, Chính phủ đồng hành bằng thể chế, chính sách nhưng người thực hiện phải là thanh niên. “Nhìn thể thao, bóng đá làm thế nào để tập hợp lại như một đội bóng, để thành đóng góp chung cho đất nước, dân tộc”, ông Anh nói.
Trực tiếp vào 2 câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ đồng tình rằng, dù phân định theo cách nào thì khởi nghiệp ngoài khát vọng phải được trang bị cần thiết. “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải có chuẩn bị cẩn thận. Nói cho cùng, để bứt xa thì phải có bản quyền sở hữu trí tuệ, ý tưởng mới về kinh doanh, dựa trên nền tảng tiến bộ kỹ thuật”, Bộ trưởng lưu ý.
Tiếp sau phần trả lời của Bộ trưởng, Thủ tướng nói thêm: “Cháu Lệ Chi (Đà Nẵng) ơi, không có khái niệm khởi nghiệp gián tiếp”.
Là người thứ 2 trả lời câu hỏi về vấn đề khởi nghiệp theo phân công của Thủ tướng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng, Thủ tướng nói rất ngắn nhưng trả lời rất đầy đủ.
Theo Phó thủ tướng, khái niệm khởi nghiệp sáng tạo start-up khác khởi nghiệp hiểu theo nghĩa khởi sự kinh doanh. Nó là cách tiếp cận rất mới, tạo ra thị trường hoặc phân khúc thị trường mới, và cơ bản dựa trên công nghệ. Theo ông Đam, đặc điểm của khởi nghiệp sáng tạo là có tính rủi ro nên mới có các quỹ đầu tư mạo hiểm, rủi ro. “Làm 10 cái được 9 cái thôi nên tính rủi ro đương nhiên”, ông Đam lưu ý.
Từ đó, Phó thủ tướng khẳng định, quan điểm của ông vẫn muốn khuyến khích các bạn thanh niên khởi nghiệp. “Nhiều nhà nghiên cứu nói với tôi rằng, một trong những điểm khác nhau giữa phương Đông và phương Tây là người phương Tây thấy cái gì mới thì cổ vũ, để điều mới được khẳng định, hoặc không sẽ thay thế bởi điều mới khác. Còn phương Đông khi có điều mới thì đặt ra nhiều câu hỏi. Điều đó có lợi gì cho mình không? Có khả thi không? Đến khi tìm được câu trả lời thì hết giờ, cơ hội đã qua đi. Do đó, tôi cho rằng, cần tiếp tục hun đúc tinh thần lập nghiệp, trong đó có khởi nghiệp sáng tạo thì đất nước mới phát triển được”, ông Đam nói.
Tiếp sau phần trả lời của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói thêm, khởi nghiệp sáng tạo bao gồm cả kinh tế, xã hội, người trẻ, người già, song khởi nghiệp sáng tạo thì ưu tiên người trẻ.
“Tôi tin tưởng và mong muốn các bạn thanh niên khởi nghiệp mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng nói.
Đại biểu Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TP.Hà Nội, nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Hiện nay, chúng ta đang nói nhiều đến khái niệm “đô hộ số”, “đô hộ không gian số”. Dữ liệu người Việt mình do công ty nước ngoài quản lý sử dụng, như Facebook, mỗi năm họ thu hơn 600 triệu USD từ dữ liệu người Việt. Kể từ khi nhận cương vị người đứng đầu Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ trưởng quan tâm đến vấn đề này, hỗ trợ ra đời các mạng xã hội Lotus và Gapo. Vậy xin hỏi trong thời gian tới, Bộ Thông tin - Truyền thông có chính sách, giải pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn, bảo vệ được thông tin người Việt, gia tăng khởi nghiệp công nghệ của người Việt”?
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. |
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Khi nói về chuyển đổi số, tài sản, tài nguyên chính của chúng ta là dữ liệu, trong đó có cả dữ liệu cá nhân. Lạm dụng dữ liệu, đặc biệt dữ liệu cá nhân là một câu chuyện mang tính toàn cầu. Hành động đầu tiên, lời giải đầu tiên chúng ta phải có là một thể chế về bảo vệ dữ liệu cá nhân và lớn hơn là một chiến lược về quản trị dữ liệu, trong đó có dữ liệu cá nhân.
“Thủ tướng đã giao nhiệm vụ và đây sẽ là câu chuyện chính của 2020”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo ông Hùng, câu chuyện xuất hiện của các nền tảng như mạng xã hội, các nền tảng (platform) công nghệ, kiểu gì họ cũng thu thập dữ liệu vì đó là tài sản để họ kinh doanh. Nếu các nền tảng mà người Việt Nam sử dụng không có cái gì của Việt Nam cả, thì “toàn bộ tài nguyên, tài sản của chúng ta là ở nước ngoài”. Do đó, “sự phát triển các doanh nghiệp nền tảng của Việt Nam là một chủ trương lớn, giảm thiểu rủi ro của chúng ta trên không gian mạng, trong đó có mạng xã hội”, Bộ trưởng Hùng cho biết.
Thanh niên ủng hộ mạng xã hội Việt Nam “là cách duy nhất để chúng ta có được dữ liệu ở lại Việt Nam”
Về tương quan của mạng xã hội Việt Nam so với những ông lớn toàn cầu như Facebook, YouTube, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra con số: hiện số lượng người Việt sử dụng 4 mạng xã hội lớn nhất là Facebook, YouTube, Instagram, Twitter là 90 triệu người.
Đến năm 2019, người dùng mạng xã hội Việt Nam tăng 30%, từ 50 triệu lên 65 triệu người dùng.
“Một số mạng lớn có thể nói đến tên như zalo, mocha, vietstudy. Gần đây, một số mạng mới ra đời có Lotus có Gapo. Mạng này có đặc điểm khá mới ở chỗ nó có một cách tiếp cận mới, nhân văn hơn, chia sẻ hơn”, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông nói và cho rằng, các ứng dụng trên không gian mạng, nhìn chung có thời gian sống khoảng 15 - 20 năm, tức là sau thời gian này sẽ có một cách tiếp cận mới.
Nếu duy trì được đà tăng trưởng 30% này, thì theo Bộ trưởng Hùng, đến 2020, các mạng xã hội trong và ngoài nước sẽ có số lượng người dùng như nhau, “nghĩa là chúng ta khá an toàn”.
Về chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ mạng xã hội trong nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông cho rằng, thời gian vừa qua, “chúng ta hơi bảo hộ ngược”.
Các mạng xã hội xuyên biên giới thì không tuân thủ pháp luật, không đóng thuế, trong khi các mạng trong nước lại tuân thủ, đóng thuế. “Như thế là không công bằng. Năm 2020 sẽ không còn bảo hộ ngược. Nền tảng pháp luật là như nhau”, Bộ trưởng Hùng khẳng định.
Vậy trong bối cảnh này thì thanh niên làm gì? Bộ trưởng Hùng đặt câu hỏi và tự trả lời: “Thanh niên thích cái mới, trải nghiệm cái mới. Các bạn hãy ủng hộ các nền tảng Việt Nam trong đó có mạng xã hội. Đấy là cách duy nhất để chúng ta có được dữ liệu ở lại Việt Nam, là ủng hộ đất nước trong dài hạn”.
Đại biểu Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Việt Nam TP.Hà Nội đặt 2 câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: ngày 20.1.2018, Nghị định 140 của Thủ tướng Chính phủ về thu hút nhân tài, cơ chế đột phá được ban hành thu hút người tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước. Nhưng đến thực hiện thì thực tế như thế nào, vì thực tế như ở Hà Nội thì có chính sách tuyển thẳng thủ khoa, ở nhiều nơi nhiều thủ khoa khi ra trường muốn về địa phương công tác mà không tìm được việc làm. Tinh thần khởi nghiệp quốc gia Thủ tướng nói trong năm 2016 và đến Đại hội Đoàn năm 2017 Thủ tướng kỳ vọng thanh niên có bước đột phá. Xin hỏi Bộ đã tham mưu được cơ chế, chính sách gì để thu hút nhân tài, khích lệ họ làm việc nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn cho xã hội?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân. |
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Đây là câu hỏi mà chính Bộ trưởng vẫn còn băn khoăn. Thực hiện Kết luận 86 của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ có tham mưu cho Chính phủ về Nghị định 140 để thu hút sinh viên, học sinh có thành tích học tập giỏi và xuất sắc vào làm việc trong hệ thống chính trị.
Nhưng trong thời gian qua, việc thực hiện nghị định, số người tuyển dụng từ Nghị định 140 không nhiều. Do chính sách đặt ra quá nghiêm ngặt, tính từ hồi phổ thông phải học sinh giỏi cấp quốc gia, đi học nước ngoài thì phải đạt xuất sắc. Có điều kiện này thì không có điều kiện khác.
"Tôi thấy quá nhiều điều kiện như thế thì sau hơn 1 năm thực hiện, Bộ Nội vụ sẽ có sơ kết để đề xuất Chính phủ sửa đổi lại để đơn giản hơn và quan trọng hơn là thu hút được người tài, phát huy được năng lực của họ", Bộ trưởng nói.
Trong chính sách kèm theo, nếu xuất sắc thì tuyển dụng luôn, không qua thi cử nhưng nhiều khi tuyển vào không làm được như những em hiện tại. Kể cả chính sách tiền lương cũng hơn các em khác nhưng nảy sinh so bì những anh em không được tuyển dụng bằng nghị định thì lại làm tốt hơn nên phải sửa đổi.
Trong luật Thanh niên sửa đổi vừa rồi dành 1/3 về chính sách thanh niên nhưng đây là chính sách khung, luật Thanh niên nằm rải rác luật khác thì sẽ cụ thể bằng chính sách. Làm sao áp dụng được luật Thanh niên cho thanh niên trong hệ thống chính trị và ngoài dân lập, không phân biệt trong hay ngoài công lập nữa.
Tôi có lời khuyên với các bạn thanh niên hiện nay cần thay đổi quan niệm về chính sách việc làm, nghề nghiệp. Thanh niên và gia đình từ trước đến giờ mong sao học ở bậc cao nhất nhưng học đại học thì thất nghiệp còn bây giờ xã hội cần nhiều cao đẳng, trung cấp, học nghề thì chúng ta phải theo nhu cầu của xã hội hội. Ngay cả học từ trung cấp, cao đẳng lên đại học thời gian không mất bao nhiêu lại có việc làm, tay nghề vững vàng.
Thứ hai là có tâm trạng mong muốn làm trong cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Nhưng xin thưa với các bạn, bộ máy hành chính ngày càng thu gọn, thu lại. Thanh niên chúng ta học không phải làm cơ quan nhà nước, đi làm thuê mà quan trọng là thay đổi nhận thức học để làm chủ. Tôi thấy nhiều thanh niên trong thời gian qua, đã tốt nghiệp đại học, làm việc ở cư quan nhà nước nhưng đã từ bỏ công việc trong môi trường nhà nước để về quê khởi nghiệp đóng góp rất thành công, tích cực.
Đại biểu Trần Lệ Chi nói về khởi nghiệp trực tiếp và gián tiếp, khởi nghiệp cần người tư vấn, đây là vấn đề rất quan trọng. Ở nhiều trường đại học, giờ đã có cơ quan tư vấn, các bạn chỉ cần có ý tưởng là sẽ nhận được tư vấn, hỗ trợ để thành lập doanh nghiệp.
Đại biểu Phan Thanh Sang (tỉnh Lâm Đồng) hỏi về việc thanh niên khởi nghiệp thiếu nguồn vốn trong khi chính sách nhập khẩu các sản phẩm như nhà kính thì thuế cao nên khó khăn, Chính phủ có giải pháp nào thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao?.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu. |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết sẽ lắng nghe ý kiến để chủ động ban hành chính sách.
Theo ông Hiếu, hiện có nhiều chính sách hỗ trợ vốn cho các đối tượng trong xã hội, đặc biệt là thanh niên có thể tiếp cận nhiều kênh như Ngân hàng Chính sách xã hội có 10 chương trình hỗ trợ, hoặc có thể tiếp cận qua quỹ của nhà nước như quỹ hỗ trợ khoa học công nghệ. Cũng có thể tiếp cận qua ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng có vốn nhà nước vì Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ.
“Các bạn có thể tìm hiểu qua trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Các bạn có thể vay trực tiếp hoặc vay qua các Hội mà các quỹ này uỷ thác... Với những chính sách đó, tôi tin rằng sẽ hỗ trợ được các bạn”, ông Hiếu nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu phát biểu định hướng và truyền cảm hứng cho Đại hội. Theo Thủ tướng, cuộc thảo luận trực tiếp này đã diễn ra rất thành công, tạo nên một không khí cởi mở, chân thành, “có phần nào rất thẳng thắn, mặc dù cũng chưa thẳng tưng lắm đâu”.
“Tôi và đồng chí Đam (Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - PV) và các thành viên Chính phủ lắng nghe một cách chăm chú những lời nói chân thành, đúng mức của các bạn thanh niên tại Đại hội này”, Thủ tướng nói. Ông đánh giá các ý kiến không chỉ đóng góp với Chính phủ về một số định hướng chính sách quan trọng mà còn gợi mở trong công tác chỉ đạo, điều hành một số lĩnh vực mà thanh niên quan tâm.
“Tôi xin chân thành cảm ơn các bạn”, Thủ tướng nói.
“Như Tổng bí thư đã nói tại một hội nghị gần đây của Trung ương: Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ như ngày hôm nay. Tôi mới tiếp thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, ông ấy nói rằng, đến Việt Nam cách đây 25 năm, 1/4 thế kỷ, ông nghĩ Malaysia lúc đó đã đi trước Việt Nam 30 năm. Nhưng giờ đây quay lại, Việt Nam và Malaysia cơ bản giống nhau. Mà chúng ta biết là Malaysia đã phát triển tốt như thế nào trong suốt thập kỷ qua. Giờ đây, Việt Nam đã có quy mô nền kinh tế tương đương Malaysia - 310 tỉ USD”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu nặng nề, đặt Việt Nam trước thử thách lớn mà dân tộc, đất nước, thanh niên phải vượt lên. |
Theo Thủ tướng, người ta cũng không ngờ rằng Việt Nam đã cán đích xuất nhập khẩu 500 tỉ USD và xuất siêu cao. Là một nước đang phát triển, nhưng Việt Nam có chỉ số về con người, như số sinh viên, số bác sĩ, số giường bệnh trên 1 vạn dân và là một trong những tốc độ phát triển cao của thế giới.
“Chúng ta không chỉ quan tâm đến kinh tế mà còn xã hội, môi trường, đặc biệt là an sinh xã hội để thực hiện mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau. An sinh xã hội là thành công, xóa đói giảm nghèo là rất thành công. Từ thiếu ăn, nay chúng ta đã xuất khẩu nông nghiệp trên 51 tỉ USD trong 2019”, Thủ tướng thông tin.
“Tôi nghĩ, những thành công của Việt Nam nói một các đúng mức nhất là có sự đóng góp của lớp lớp thanh niên Việt Nam qua các thời kỳ, trong đó có các bạn có mặt hôm nay”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu nặng nề, đặt Việt Nam trước thử thách lớn mà dân tộc, đất nước, thanh niên phải vượt lên. Trước bối cảnh đó, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cần huy động sự tham gia của thanh niên trong và ngoài nước, đoàn kết thi đua thực hiện khẩu hiệu thanh niên Việt Nam yêu nước, sáng tạo, hội nhập, phát triển.
Dẫn lại khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của thanh niên trong xây dựng đất nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thanh niên là nhân tố quyết định thành bại của sự nghiệp cách mạng và xây dựng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
“Các bạn phải có niềm tin vào đất nước, Đảng, chế độ. Thanh niên phải có trách nhiệm xây dựng đất nước hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Hãy đào núi và lấp biển. Hãy là Ánh Viên khi đạt 6 huy chương vàng mà nước mắt vẫn chảy ra vì không vượt qua được kỷ lục của chính mình. Hãy là một đội bóng đá nữ nhỏ con thấp bé nhưng đá trên sức 100%, nhiều em bị thương, bị ốm vẫn chiến đấu theo tình thần lăn xả vào trận đấu”, Thủ tướng nói và khẳng định, chỉ với một ý chí, khát vọng đặc biệt mới có thể giúp thanh niên thành công.
Thủ tướng cũng nói, ông hiểu rằng, Nhà nước, Chính phủ cùng phối hợp T.Ư Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tạo môi trường tốt hơn cho thanh niên Việt Nam phát huy tài năng, xây dựng đất nước. “Đây là yêu cầu cần thiết mà nhiều bạn nêu ra tại buổi thảo luận hôm nay”, Thủ tướng nói.
Trích lời Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong tại phiên khai mạc ngày hôm qua, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ lớn lao mà đất nước, thanh niên đã giao cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ Đại hội mới.
"Trác nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi xin nói lại sẽ tiếp tục đồng hành cùng thanh niên trên mọi lĩnh vực, địa bàn. Bên cạnh đó, là chủ trương, chính sách thanh niên, công tác thanh niên sẽ được tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên, hội thanh niên hoạt động hiệu quả”, Thủ tướng khẳng định và kỳ vọng, tin tưởng lớp thanh niên yêu nước hôm nay và mãi mãi.
“Tôi cũng đề nghị các bộ, ngành, cấp ủy, cơ quan tổ chức, cá nhân, tiếp tục quan tâm đồng hành, hỗ trợ các hoạt động của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, tạo điều kiện Hội, Đoàn Thanh niên phát triển vững mạnh, nhằm tạo ra thế hệ thành niên trưởng thành, thông qua hoạt động học tập, rèn luyện”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VIII Nguyễn Anh Tuấn trân trọng cảm ơn và tặng hoa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Chính phủ tham gia phiên đối thoại với thanh niên.
Anh Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ, Thủ tướng, Phó thủ tướng đã truyền cảm hứng cho các đại biểu dự Đại hội, cho thanh niên.
Đại hội tiếp thu ý kiến chỉ đạo để cụ thể hoá vào nghị quyết, chương tình hành động của Đại hội.
CTG