Sân chơi trí tuệ - “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế”
“Tôi tài giỏi – bạn cũng thế” là tên một cuốn sách đã được bạn học sinh lớp 6 tên là Đức đến từ Thái Nguyên nhắc đến khi thuyết minh tại Diễn đàn. Nhà hùng biện nhí này đã diễn giải phần thảo luận của nhóm mình một cách hóm hỉnh, tự tin và thông minh theo Sơ đồ tư duy. Ai cũng cười phá lên, và ai cũng nhớ. Đó cũng là ấn tượng chung của những người lớn tham dự Diễn đàn, thú vị và ngạc nhiên trước những năng lực của trẻ em, trước khi ghi nhận và buộc phải ngẫm nghĩ về những gì các em góp ý.
Câu chuyện nhỏ về sự hóm hỉnh và phương pháp tư duy khoa học của Đức mang đến cho Diễn đàn cảm nhận mới mẻ về khả năng tự học hỏi phong phú, khoa học, hiện đại và hiệu quả của trẻ em thời đại ngày nay.
|
Bà Ngô Thị Minh – Phó chủ tịch Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội chia sẻ sau phiên đối thoại: “Những điều các em thể hiện ở diễn đàn này đã nói lên trí tuệ của các em góp ý cho việc xây dựng Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em. Đây thật sự là những vấn đề cấp thiết mà Quốc hội và các Bộ cũng đang suy nghĩ. Người lớn phải thật sự lưu tâm những điều đó.”
Trẻ em thấy, trẻ em nói, trẻ em ước mong
Nổi lên trong những vấn đề mà trẻ em quan tâm và sẻ chia tại Diễn đàn là sự hạn chế thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong gia đình. Sự bức xúc và buồn tủi nảy sinh khi ông bà cha mẹ không nghe hoặc không tôn trọng ý kiến của trẻ em do quan niệm “trứng không thể khôn hơn vịt”, và sự áp đặt trẻ em phải biết vâng lời. Vì thế, không ít trường hợp, người lớn đã hành động mà không quan tâm đến lợi ích chính đáng của các em, thậm chí khiến các em gặp khó khăn trong học tập, sinh hoạt và tâm lý.
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, do nhận thức của người lớn chưa thay đổi nên các bậc cha mẹ đã ngăn cản hoặc không hỗ trợ trẻ em tham gia hoạt động xã hội, vui chơi giải trí để hòa nhập và phát triển bản thân.
|
Những người lớn tham dự Diễn đàn đã lắng nghe về những hiện thực cụ thể, rất giản dị nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tham gia của trẻ em. Đó là tình trạng thiếu thốn sách vở, sân thể dục, sân chơi trong trường học. Đó là sự nghèo nàn và hoạt động không thực chất, “hữu danh vô thực” của không ít các thư viện trường học và địa phương, đặc biệt là ở nông thôn. Đó là tình trạng thiếu sân chơi nghiêm trọng cứ ngỡ chỉ diễn ra ở thành thị đất chật người đông, nhưng sự thật là ở nông thôn cũng thế. Những sân bóng, chỗ chơi đùa của trẻ nhỏ bị các trẻ em lớn hơn hoặc các anh chị không còn là trẻ em nữa “đe dọa” và “xâm chiếm”. Người nông dân chăn thả gia súc đầy chật trên sân chơi của các em và còn gây ô nhiễm. Đó còn là câu chuyện về suy nghĩ sai lầm một cách vô lý và thiên vị của người lớn, cho rằng đã học Trung học cơ sở thì không còn là trẻ em. Các “trẻ em bị cho là người lớn” không được nhận quà trong những ngày Tết Trung thu và một số quyền lợi khác…
Còn có những câu chuyện những người lớn đe dọa và không cho trẻ em nói lên tiếng nói của mình về những tiêu cực trong nhà trường và cộng đồng khiến các em buộc phải lặng im trong ấm ức. Một số bạn nhỏ dũng cảm thậm chí còn phải đối mặt hiểm nguy. Đây là câu chuyện đặt ra vấn đề cơ chế nào để bảo vệ các em khi thực hiện quyền tham gia.
Bên cạnh đó, sự chênh lệch đáng kể về mức độ thực thi quyền trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia giữa khu vực nông thôn và thành thị, miền núi với đồng bằng đã khiến các em trăn trở sâu sắc. Các em bày tỏ nguyện vọng và câu hỏi phải làm sao cho các bạn ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa được tiếp cận và tham gia vào các ấn phẩm, thông tin liên quan đến trẻ em nhiều hơn. Các em cũng đặt vấn đề tạo điều kiện cho các bạn nhỏ dân tộc thiểu số được thể hiện và gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Hàng loạt các nội dung cụ thể, sát thực về quyền trẻ em trong đời sống được mang đến Diễn đàn như vậy, cho thấy khả năng quan sát và tinh thần xây dựng của các em nhỏ. Bên cạnh những hạn chế trong việc thực thi quyền trẻ em tại địa phương, trẻ em đã mang đến rất nhiều câu chuyện và lời khẳng định về những hiệu quả đạt được. Nổi trội hơn cả là việc thực thi quyền tham gia ở nhà trường và xã hội với sự ra đời và hoạt động của các Câu lạc bộ (CLB) Phóng viên nhỏ, CLB Quyền trẻ em, CLB Năng khiếu - Nghệ thuật, Đội Tuyên truyền măng non và Nhóm trẻ em nòng cốt … Theo các em, những mô hình hoạt động đó luôn đem lại niềm vui, giúp phát triển khả năng và kỹ năng sống cho các em, cũng là cơ hội cho các em bước những bước chân đầu tiên tham gia hoạt động xã hội, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.
Lời hứa của đại diện người lớn
Những vấn đề và câu hỏi đặt ra, những trăn trở của các bạn nhỏ vì lợi ích của mình và mọi người đã được bà Ngô Thị Minh, ông Đặng Hoa Nam và ông Đỗ Đức Ngọ giải thích trong khả năng có thể. Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, ông Đặng Hoa Nam ghi nhận những ý kiến của các em góp ý cho Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, ông nói thêm: “Các em sẽ thấy Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 2010 – 2020 có nhiều thay đổi, có nhiều nét mới hơn và tốt hơn so với Chương trình giai đoạn 2000 – 2010, và thật sự phù hợp hơn, đáp ứng tốt hơn quyền tham gia của trẻ em.”
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Thanh thiếu niên của Quốc hội – bà Ngô Thị Minh bày tỏ đánh giá cao khả năng và sự đóng góp của các em như đã nói trên, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Đoàn TNCS HCM và Đội TNTP HCM trong việc tạo điều kiện thực thi quyền tham gia của trẻ. Các đại biểu nhất trí rằng các Hội đồng Đội và Đoàn các địa phương phải thay đổi mình, cải thiện tình trạng nhiều bất cập trong gắn kết với địa phương, với các thành viên và với trẻ em như hiện nay. Đoàn và Đội cần phải trở thành ngôi nhà chung của trẻ, là nơi giúp đỡ, hỗ trợ và tổ chức cho trẻ em thực hiện quyền tham gia. “Có thể chúng ta sẽ không lập cơ quan “Quốc hội trẻ em”, sẽ không dùng từ “Nghị sĩ trẻ em” theo nghĩa đen của nó, nhưng Đoàn và Đội cần phải có nội dung hoạt động là như vậy” – lời ông Đặng Hoa Nam.
Ông Đỗ Đức Ngọ - Phó chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và bà Ngô Thị Minh đề nghị thêm với trẻ em: Chính các em cũng cần thay đổi hành động của bản thân, luôn có ý thức song hành giữa quyền lợi và bổn phận. Nếu các em học tập tốt, thực hiện tốt các trách nhiệm của mình trong gia đình và chứng tỏ khả năng có thể góp ý kiến, tham gia hoạt động xã hội thì ông bà cha mẹ, người lớn sẽ tôn trọng ý kiến của các em. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục thanh thiếu niên mong muốn các em hãy phát huy ý thức dựng xây và tinh thần bạo dạn, chủ động tìm đến với Đoàn và Đội, đến với những người phụ trách, chia sẻ và góp ý tư vấn để Đoàn, Đội có thể đến với các em gần hơn, nhiều hơn, hiệu quả hơn; các em hãy là những người đầu tiên cống hiến cho những đoàn thể đó.
|
Buổi chiều ngày 21/11/2010, Diễn đàn đã kết thúc sau 2 ngày sôi nổi. Một báo cáo chính thức và một bản Thông điệp đã được trình lên chờ đợi sự trả lời bằng hành động. Một lượng thông tin chân thực và hoạt động nhiều như vậy dồn nén trong chưa đầy 30 giờ đồng hồ ngắn ngủi. Nhưng đó không phải những giờ phút nặng nề mà luôn đầy ắp tiếng cười, sự hăng hái và ham mê. Diễn đàn kết thúc thực sự là một niềm nuối tiếc đầy lưu luyến.
Chìa khóa vàng để đạt được hiệu quả đó là phương thức hoạt động và tổ chức theo những cách phù hợp với trẻ em. Thông qua các hình thức thảo luận nhóm và thuyết trình, diễn kịch tình huống, chơi trò chơi, trong mọi hoạt động luôn tạo điều kiện để tận dụng trí sáng tạo, lấy khả năng tự lập của các em làm nền tảng. Không có sự can thiệp và áp đặt để lấy được ý kiến của trẻ em một cách chân thực, cụ thể và bản thân các em cảm thấy thỏa mái, hài lòng.
Những thông điệp được đúc rút vào cuối chương trình là những tâm tư gan ruột của trẻ, đúc lại trong lời kêu gọi thế giới người lớn hãy lắng nghe và tạo điều kiện cho trẻ em được nói, được làm. Đó là điều tốt nhất cho trẻ em, giúp các em được thực hiện quyền và bổn phận của mình, phát triển bản thân để đất nước có được một thế hệ tài giỏi, năng động và tự tin hơn trong tương lai.
Theo Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam