Tiếp sức đưa nhà khoa học trẻ vươn ra thế giới

(CTG) Những trí thức Việt với năng lực “siêu kết nối” đang trở thành 'bà đỡ', chất xúc tác để tiếp sức, truyền cảm hứng giúp những sinh viên, du học sinh, nhà khoa học trẻ trong nước có cơ hội kết nối, vươn ra thế giới.

Nhớ lại ngày đầu chật vật xin học bổng du học, Tiến sĩ trẻ Trần Tuấn Sang - nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu công nghệ lượng tử và tiên tiến Queensland (QUATRI), Đại học Griffith cho biết, anh từng khó khăn trong tiếp cận thông tin, loay hoay không biết viết hồ sơ ra sao, xin thư giới thiệu thế nào, hay cần chuẩn bị những gì cho một môi trường nghiên cứu quốc tế. Nhìn lại những vấp váp đó, anh thấm thía rằng “nếu biết đường đi, con đường có thể đã bớt gập ghềnh”.

“Tôi mong rằng những nỗ lực nhỏ này sẽ góp phần giúp nhiều người Việt vươn ra thế giới một cách vững vàng và tự tin hơn. Tôi tin rằng, nếu có thêm nhiều kênh kết nối, trao đổi học thuật, tiềm năng của giới trẻ Việt Nam sẽ còn được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trên bản đồ nghiên cứu toàn cầu”.

Tiến sĩ Trần Tuấn Sang

Chính vì thế, khi đã có cơ hội học tập và làm việc tại nước ngoài, anh luôn cố gắng hỗ trợ các bạn sinh viên và nghiên cứu sinh trẻ trong nước từ việc chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng, viết thư, đến định hướng chọn hướng nghiên cứu phù hợp.

Anh cũng viết nhiều bài hướng dẫn trên website và các nhóm học thuật, để hướng dẫn và động viên các bạn mạnh dạn bước ra khỏi “vùng an toàn” khi đứng trước những cơ hội lớn.

“Tôi nhận thấy, sinh viên Việt Nam rất giỏi và chăm, nhưng thường thiếu chuẩn bị về kỹ năng mềm, đặc biệt là tiếng Anh và cách trình bày ý tưởng học thuật. Đây là điều tôi luôn nhấn mạnh và hỗ trợ, nhất là với các bạn đang nhắm đến học bổng hoặc muốn tham gia các dự án quốc tế”, TS. Sang cho biết.

Hiện tại, khi bắt đầu xây dựng nhóm nghiên cứu riêng và từng bước phát triển sự nghiệp, TS. Sang tích cực tuyển nghiên cứu sinh Việt Nam cho các dự án của mình, đồng thời giới thiệu kết nối các bạn với mạng lưới hợp tác quốc tế mà anh có tham gia.

anh-man-hinh-2025-07-16-luc-140320.png
TS. Sang là người Việt duy nhất (tại Úc) được nhận tài trợ toàn phần của Viện Hàn lâm Khoa học Úc (AAS) để tham dự Hội nghị những người đoạt giải Nobel Lindau năm 2025 (tại Đức).

“Mình luôn lắng nghe, đồng hành và tạo một môi trường tích cực cho các bạn nghiên cứu sinh trong nhóm của mình. Không chỉ là hướng dẫn về chuyên môn, mà còn là chia sẻ về cách giữ lửa đam mê, vượt qua giai đoạn khó khăn, và nhìn thấy ý nghĩa lâu dài trong con đường nghiên cứu”, vị tiến sĩ trẻ nói.

Anh cũng đặc biệt chú trọng việc phát triển cộng đồng nghiên cứu người Việt ở Úc, nơi anh đang sống và làm việc. Bởi khi người Việt cùng nhau hợp tác trong môi trường học thuật quốc tế sẽ không chỉ hỗ trợ nhau vượt qua rào cản ngôn ngữ, văn hóa, mà còn tạo được một không gian cho người trẻ có thể học hỏi và trưởng thành.

Những kết nối ấy, dù nhỏ, chính là hạt nhân cho một cộng đồng nghiên cứu người Việt mạnh mẽ hơn ở nước ngoài - một cộng đồng có thể vừa gìn giữ bản sắc, vừa hòa nhập, đồng thời góp phần nâng tầm hình ảnh khoa học Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Trong số các công trình ghi dấu việc kết nối liên ngành gần đây, anh Sang cùng cộng sự đã phát triển thành công vật liệu graphene dạng bột ở quy mô công nghiệp. Đây là một dự án mà anh và nhóm nghiên cứu đã nộp bằng sáng chế tại Hoa Kỳ.

Graphene vốn nổi tiếng là “vật liệu kỳ diệu” có thể làm thay đổi tương lai của xe điện và các thiết bị điện tử công nghệ cao, nhưng vẫn còn khó tiếp cận do quy trình sản xuất phức tạp và tốn kém. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã tìm ra một hướng đi khác tiết kiệm hơn, dễ triển khai hơn mà vẫn giữ được chất lượng vật liệu.

512743572-24108860268800573-624716021809837506-n.jpg
TS. Sang cùng các nhà nghiên cứu các quốc gia chụp ảnh với biểu tượng của sự kết nối.

Vừa qua, khi là người Việt duy nhất (tại Úc) được nhận tài trợ toàn phần của Viện Hàn lâm Khoa học Úc (AAS) để tham dự Hội nghị những người đoạt giải Nobel Lindau năm 2025 (tại Đức), TS. Sang càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc kéo người trẻ Việt tiến về phía trước.

“Tại Lindau, tôi nhận ra rằng, khoa học không phát triển một cách biệt lập, mà lớn lên trong sự kết nối giữa con người, giữa lĩnh vực, và giữa các nền văn hóa. Mỗi cuộc trò chuyện, dù là bên tách cà phê hay trong phiên thảo luận, đều có thể khơi nguồn cho một ý tưởng mới, hoặc làm sáng rõ một vấn đề cũ từ góc nhìn hoàn toàn khác biệt”, TS. Sang chia sẻ.

Tuy nhiên, khi tham dự Hội nghị Lindau Nobel, anh nhận thấy Việt Nam vẫn chưa có phái đoàn chính thức tham dự sự kiện quan trọng này. Đây là diễn đàn giao lưu học thuật uy tín, nơi các nhà khoa học trẻ có cơ hội kết nối và tăng cường hợp tác quốc tế.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức toàn cầu, không một quốc gia hay lĩnh vực nào có thể tự mình đưa ra lời giải. Chính khả năng xây dựng cầu nối tài năng trẻ trong nước với nhau và trong nước với quốc tế về trí tuệ, văn hóa, và cả thế hệ mới là yếu tố quyết định.

Tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần này, anh đề xuất Việt Nam nên cử phái đoàn chính thức đến Lindau trong tương lai. Việc này không chỉ giúp kết nối các nhà khoa học trẻ Việt Nam với mạng lưới nghiên cứu toàn cầu, mà còn là một hoạt động ngoại giao khoa học ý nghĩa, thể hiện vị thế học thuật của Việt Nam, và từng bước đặt nền móng để người Việt có thể đạt giải Nobel trong tương lai.

Tiến sĩ trẻ tin rằng, tiến bộ khoa học không đến từ một cá nhân làm việc đơn độc, mà từ sự cộng hưởng của những bộ óc đam mê, những người dám đặt câu hỏi, nghi ngờ cái đã biết, và không ngừng học hỏi lẫn nhau.

sang-steven-chu-3.jpg
klaus-von-klitzing-7691-8332.jpg
anh-man-hinh-2025-07-16-luc-141446-7568.png
TS. Sang tích cực kết nối với các nhà nghiên cứu trẻ đa quốc gia.
bai-3-tit-xen-2.png
 

Với PGS.TS. Ngô Quốc Hiển - công tác tại Đại học Queen’s Belfast, một trong những người Việt tiên phong nghiên cứu công nghệ lõi cho mạng 5G, 6G, sự hợp tác nghiên cứu luôn cũng luôn yếu tố then chốt góp phần vào sự thành công của quá trình đổi mới sáng tạo.

Dẫn chứng từ hành trình nghiên cứu của mình, PGS.TS. Ngô Quốc Hiển đã có kết nối thân thiết với GS Thomas L. Marzetta, hiện là Giám đốc NYU Wireless thuộc Đại học New York trong lĩnh vực Massive MIMO (công nghệ lõi cho mạng 5G), dẫn đến nhiều công trình nghiên cứu quan trọng được xuất bản chung.

Một trong những công trình tiêu biểu là nghiên cứu về hiệu suất năng lượng của Massive MIMO và vinh dự nhận giải thưởng danh giá từ IEEE (Hiệp hội Điện tử và Điện kỹ thuật quốc tế). Thêm vào đó, nhóm đã cùng xuất bản cuốn sách "Fundamentals of Massive MIMO" được sử dụng rộng rãi trong giảng dạy và nghiên cứu trên toàn cầu.

Là người đã có cơ hội làm việc trong cộng đồng nghiên cứu toàn cầu, anh nhận ra những thách thức lớn mà các trí thức trẻ Việt Nam phải đối mặt khi tham gia vào mạng lưới trí thức.

Một trong những thách thức chính là thiếu cơ hội hợp tác quốc tế ngay từ giai đoạn đầu. Mặc dù cộng đồng học thuật Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn thiếu kết nối và có một khoảng cách nhất định giữa nhữngnhà khoa học trẻ và khoa học kỳ cựu người Việt. Điều này phần nào xuất phát từ rào cản địa lý, văn hóa, cũng như sự thiếu chủ động trong việc tìm kiếm và xây dựng kết nối quốc tế.

Bên cạnh đó nguồn lực và tài trợ hạn chế cũng có thể cản trở sự tiến bộ. Mặc dù tình hình đang cải thiện, nhưng các trí thức trẻ vẫn thiếu sự hỗ trợ tài chính và cơ sở hạ tầng cần thiết để thực hiện nghiên cứu chất lượng cao, tham gia các hội nghị quốc tế có tầm ảnh hưởng hoặc xây dựng các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu xuyên biên giới.

Chính vì vậy, PGS.TS Ngô Quốc Hiển đã có mối quan hệ hợp tác thân thiết với nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội để hỗ trợ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh trao đổi học thuật, thực hiện thí nghiệm, viết bài công bố và hỗ trợ kinh phí đăng tải các công trình trên tạp chí quốc tế.

518271003-24085048791186327-8572075872793965542-n.jpg
518139035-24085076117850261-4777507414978644222-n-8616-1.jpg
PGS.TS Ngô Quốc Hiển dẫn dắt nhà nghiên cứu trẻ Việt tham gia, kết nối tại các hội thảo khoa học quốc tế.

Nói về sự kết nối này, TS Trịnh Văn Chiến - giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thông qua hợp tác giữa phòng nghiên cứu với Đại học Queen’s Belfast, với đại diện là PGS Hiển, nhiều công nghệ tiên tiến về mạng 6G đã được thúc đẩy nghiên cứu tại Việt Nam, hướng tới ứng dụng thực tiễn vào năm 2030.

"Các nhà khoa học thế giới cũng rất sẵn sàng hợp tác nghiên cứu. Vì vậy, nếu các bạn trẻ Việt muốn hợp tác với người phù hợp với mình, hãy tự tin liên lạc hoặc có thể tìm cơ hội kết nối thông qua những người nhà nghiên cứu người Việt ở nước ngoài”.

PGS.TS Ngô Quốc Hiển

Trước đó, từ năm 2015, khi TS. Trịnh Văn Chiến và PGS.TS Ngô Quốc Hiển đã làm cùng nhau tại phòng nghiên cứu ở Thụy Điển, và đến nay gần một thập kỷ trôi qua, hai người vẫn duy trì mối liên hệ, hợp tác bền vững.

“Hiện nay, dù cách xa địa lý, nhóm vẫn phối hợp hiệu quả thông qua các nền tảng trực tuyến như Zoom hay Microsoft Teams, và đã cùng nhau cho ra đời gần 20 công bố khoa học quốc tế”, TS. Chiến cho hay.

Mặt khác, hình ảnh của các giáo sư người Việt thành danh ở nước ngoài như PGS.TS Hiển quay trở về hỗ trợ trong nước đã tạo dấu ấn sâu sắc. Các bạn sinh viên khi nhìn vào câu chuyện của anh, một người từng học tập tại Việt Nam, sau đó vươn ra quốc tế và vẫn giữ mối liên kết chặt chẽ với quê hương, đã được tiếp thêm động lực và cảm hứng mạnh mẽ.

Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu, PGS Hiển còn tích cực đề xuất các chương trình học bổng, sẵn sàng viết thư giới thiệu và tuyển nghiên cứu sinh từ các phòng thí nghiệm trong nước, mở rộng cơ hội cho sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau. Nhiều học viên, nghiên cứu sinh người Việt đã trưởng thành dưới sự hướng dẫn của anh và đạt được các giải thưởng uy tín trong lĩnh vực điện tử viễn thông.

Nghiên cứu toàn cầu ngày càng trở nên kết nối hơn, và các công nghệ như nền tảng trực tuyến và hội nghị ảo giúp việc kết nối với các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới trở nên dễ dàng hơn.

Theo TP