Nhiều kỷ niệm đẹp về Đoàn
Từ nhỏ, anh Lộc đã có tình cảm đặc biệt với áo xanh tình nguyện. Anh không thể quên những tháng hè sôi nổi, các anh chị tình nguyện từ các trường CĐ, ĐH ở TP.HCM, TP.Cần Thơ đến vùng quê nghèo khó của anh tổ chức các hoạt động vì cộng đồng trong chiến dịch Mùa hè xanh như: dạy phổ cập tin học, tặng quà cho học sinh khó khăn, giao lưu văn nghệ, góp sức xây cầu… Công việc dẫu nhiều lúc vất vả nhưng các anh chị tình nguyện vẫn tràn đầy năng lượng, nụ cười luôn nở trên môi, nhiệt tình cống hiến sức trẻ cho đời.
Khi học lớp 9 tại Trường THCS Nguyễn Trãi (TP.Ngã Bảy, Hậu Giang), anh Lộc được kết nạp vào Đoàn. Tham gia phong trào tình nguyện, anh ngày càng nhận thức rõ giá trị nhân văn của những phần việc phục vụ lợi ích chung của xã hội.
Kỷ niệm anh Lộc nhớ mãi là tham gia “Tiếp sức mùa thi” khi còn là sinh viên Học viện Hành chính quốc gia (TP.HCM). “Đó là lần đầu tiên tôi tham gia khảo sát, tìm chỗ trọ giúp các bạn từ tỉnh lên thành phố dự thi, đưa đón các thí sinh đặc biệt đến địa điểm thi, vận động nhà hảo tâm tặng cơm hộp, dụng cụ, bút viết. Giờ nhớ lại tôi vẫn bồi hồi xúc động và xen lẫn phần nào tự hào. Cảm ơn Đoàn đã cho tôi những năm tháng tuổi trẻ vô cùng tươi đẹp và đáng sống”, anh Lộc chia sẻ.
Anh Bùi Hữu Lộc, nỗ lực thực hiện các chương trình giúp đỡ đoàn viên, thanh niên khó khăn khu vực nông thôn. THANH DUY |
Tháng 12.2021, anh Lộc được bầu làm Bí thư Tỉnh đoàn Hậu Giang. Theo anh, địa phương đang đứng trước thời cơ, vận hội phát triển trong giai đoạn mới; tuy nhiên nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn cần được hỗ trợ. Việc góp sức trẻ giúp tỉnh nhà thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới là rất cần thiết.
Đầu năm 2022 đến nay, người Bí thư Đoàn này đã chỉ đạo hiệu quả các cấp bộ Đoàn cơ sở triển khai nhiều phần việc tình nguyện, để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân, như: thu gom 20 tấn rác thải nhựa, sửa chữa - xây mới gần 50 km đường bê tông, trồng 250.000 cây xanh, xây dựng 11 cây cầu nông thôn, 36 căn nhà tình thương, nâng cấp 12 nhà vệ sinh trong trường học.
“Mỗi công trình có ý nghĩa riêng, nhưng điểm chung là chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng, hạnh phúc khi giúp ích được phần nào đó cho bà con vùng sâu, vùng xa. Thật vui khi thấy quê hương đang dần đổi mới, giàu đẹp hơn, văn minh hơn”, anh Lộc phấn khởi nói.
Níu chân người trẻ khởi nghiệp tại quê hương
Anh Lộc cho biết địa phương đang cần nguồn nhân lực trẻ có trình độ, phẩm chất tốt để góp phần phát triển hạ tầng và các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Hậu Giang hiện có hơn 230.000 thanh niên độ tuổi từ 16 - 30 (chiếm 23,03% dân số), trong đó thanh niên nông thôn chiếm hơn 75%. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, một bộ phận không nhỏ thanh niên phải ly hương mưu sinh. Vấn đề anh Lộc trăn trở là làm sao kết nối, giữ chân những thanh niên này ở lại để cùng góp sức trẻ vào tổ chức Đoàn cải thiện diện mạo quê hương mà đời sống họ vẫn được đảm bảo.
Theo anh Lộc, việc tập hợp thanh niên nông thôn có nhiều phần việc phải làm, nhưng điểm cốt lõi là tạo cho họ “cần câu” để khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu ngay trên quê hương. Tháng 9 vừa qua, Tỉnh đoàn đã sáng kiến tổ chức hội thi “Thanh niên suy nghĩ và hành động trước sự nghiệp đổi mới và phát triển của tỉnh Hậu Giang”, nhằm lắng nghe những tâm tư, khơi dậy khát vọng cống hiến của các bạn trẻ trong việc xây dựng và phát triển quê hương.
“Thời gian qua, Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên nông thôn làm kinh tế, tư vấn việc làm, đào tạo nghề. Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên lựa chọn những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của thanh niên nông thôn để tiến hành nghiên cứu, thẩm định và hỗ trợ vốn qua nguồn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn 120 (vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm của kênh T.Ư Đoàn) và một số hình thức khác”, anh Lộc nói.
Nhờ “bí quyết” giữ chân thanh niên nông thôn hiệu quả, anh Lộc đã huy động được đông đảo lực lượng trẻ tham gia vào các công trình ý nghĩa, có tính lan tỏa. Điển hình là đã có đến 10.000 đoàn viên, thanh niên tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, gần 4.000 người hỗ trợ chương trình Tiếp sức mùa thi, 2.500 người góp sức vào chiến dịch Hoa phượng đỏ, 2.700 bạn trẻ đồng hành trong chiến dịch Kỳ nghỉ hồng.
“Điều cần thiết ở các cán bộ Đoàn ở Hậu Giang là rèn luyện, trau dồi những cách truyền tải thông điệp hiệu quả để các bạn trẻ biết quý trọng giá trị truyền thống, lấy đó làm động lực phấn đấu trong ứng xử, học tập, lao động, sản xuất. Không dừng lại đó, mỗi bạn trẻ lại có ý thức tiếp tục góp phần lan tỏa thông điệp này đến người dân, giúp họ nhận ra những biểu hiện xuyên tạc tiêu cực, nhất là trên mạng xã hội”, anh Lộc bày tỏ.
Theo TN