Tại nhóm thảo luận số 3 có chủ đề “Thích ứng bền vững trước các thách thức của thời đại biến đổi toàn cầu” với sự tham dự của hơn 50 đại biểu tham dự diễn đàn đã chia sẻ thảo, luận và đề xuất những giải pháp để đất nước có thể thích ứng được với xu thế của thời đại ngày nay.
Năng lượng tái tạo là xu thế toàn cầu
Các đại biểu chủ trì tại nhóm thảo luận số 3. |
Chia sẻ về “Phát triển đồng bộ và bền vững Năng lượng tái tạo tại Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm - Kỹ sư vật liệu, Đại học Monash, Melbourne, Australia cho rằng, năng lượng tái tạo là lĩnh vực ngày càng được khai thác phổ biến trong hệ thống năng lượng toàn cầu; có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững ở nhiều quốc gia trên thế giới; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế gắn với tận dụng nguồn năng lượng sạch, an toàn…
Cũng theo đại biểu Tâm, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo; đồng thời, tiến tới hiện thực hóa cam kết giảm mức phát thải ròng bằng “0” (Net-zero) vào năm 2050. “Thực tế, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế trong đầu tư, khai thác các loại năng lượng tái tạo (đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió). Mặt khác, nước ta đã và đang thực hiện quá trình đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch, bền vững, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính; tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, như nhà máy năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhiệt điện…”, Tiến sĩ Tâm nói.
Quang cảnh nhóm thảo luận số 3. |
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm cũng chỉ ra về triển vọng phát triển năng lượng tái tạo hiện nay của Việt Nam đó là điều kiện địa lý tự nhiên ở nước ta rất lý tưởng cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Đảng và Nhà nước hiện đang tích cực, mở rộng tham gia các khuôn khổ hợp tác quốc tế về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Nhiều chính sách hỗ trợ và các giải pháp được triển khai nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo quốc gia; phát triển năng lượng tái tạo đang dần trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển ngành năng lượng toàn cầu và chiếm vị trí quan trọng trong phát triển bền vững ở các nền kinh tế trên thế giới; do đó, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính và ước tính, cung cấp khoảng một phần ba lượng điện trên thế giới. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư phát triển ngành năng lượng tái tạo trong tương lai, đồng thời, vị thế địa - kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu mở ra nhiều điều kiện, cơ hội thuận lợi trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế - xã hội và môi trường.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm - Kỹ sư vật liệu, Đại học Monash, Melbourne, Australia chia sẻ. |
Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm cũng đưa ra các giải pháp khoa học kĩ thuật trong phát triển đồng bộ và bền vững năng lượng tái tạo của Việt Nam đó là: Các giải pháp Kỹ thuật – Công nghệ sẽ giúp nâng cao hiệu suất hoạt động, giảm chi phí, nguồn lực xây dựng và giảm thiểu các tác động môi trường
Về các giải pháp về Vật liệu thì sẽ sử dụng các vật liệu thân thiện, an toàn với môi trường, tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu khối lượng rác thải công nghệ và nâng cao độ bền, tuổi thọ; Các giải pháp về Tái chế - Xử lý thì chúng ta có thể xây dựng quy trình công nghệ tái chế giá rẻ, an toàn và xây dựng lộ trình quản lý, xử lý rác thải công nghệ…
Về giải pháp chính sách trong phát triển đồng bộ và bền vững năm lượng tái tạo ở Việt Nam Tiến sĩ Tâm chỉ ra việc đào tạo nguồn nhân lực mới; nâng cao năng lực tự chủ khoa học – công nghệ; Cải thiện trình độ, tay nghề; Phát triển giáo dục, tư vấn hướng nghiệp; Nâng cao trình độ, tay nghề của đội ngũ kỹ sư, nhà nghiên cứu trong nước…
![]() |
Phát triển cơ sở hạ tầng hướng tới tương lai
Chia sẻ về chủ đề “Đường sắt cao tốc và cơ sở hạ tầng hướng tới tương lai bền vững”, TS. Phạm Anh Tuấn - Viện Công nghệ Hoàng gia KTH, Thụy Điển chỉ ra một trong những điểm yếu hiện nay là việc quy hoạch và phát triển hạ tầng chưa tích hợp đầy đủ các dữ liệu khí hậu trong tương lai. Các công trình vẫn được thiết kế dựa trên điều kiện thời tiết quá khứ, dẫn đến nguy cơ cao trước các thay đổi đột ngột của môi trường.
TS. Phạm Anh Tuấn - Viện Công nghệ Hoàng gia KTH, Thụy Điển. |
Để ứng phó hiệu quả với những thách thức đó, theo TS. Phạm Anh Tuấn, hạ tầng số và trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là giải pháp mang tính chiến lược và lâu dài. Cơ sở hạ tầng số là hệ thống kết hợp giữa hạ tầng vật lý và các công nghệ hỗ trợ việc thu thập, phân tích, chia sẻ và ứng dụng dữ liệu trong suốt vòng đời công trình từ thiết kế, thi công đến vận hành và bảo trì. Sự hiện diện của các công nghệ như Mô hình thông tin công trình (BIM), công nghệ song sinh số (Digital Twins), cảm biến và IoT, dữ liệu lớn (Big Data), hệ thống cảnh báo sớm và bản đồ số (GIS) không chỉ giúp giám sát công trình theo thời gian thực mà còn dự báo nguy cơ hư hỏng, tối ưu hóa vận hành và kéo dài tuổi thọ công trình…
Bên cạnh đổi mới công nghệ, tư duy quy hoạch đô thị cũng cần thay đổi để hướng đến sự bền vững và thích ứng với khí hậu như quy hoạch đô thị nén (compact cities) giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển, giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông công cộng sạch như xe điện, tàu điện… Hay quy hoạch sử dụng đất dựa trên phân tích rủi ro khí hậu (Climate Risk- informed Planning), bảo vệ và tích hợp không gian xanh, vùng thoát nước tự nhiên, rừng ngập mặn…
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, được tổ chức từ ngày 19 đến 21/7 tại tại Trường Đại học VinUni, Thủ đô Hà Nội với 201 đại biểu chính thức, hơn 300 đại biểu dự thính và khách mời tham gia trực tiếp hoặc trực tuyến. Ban tổ chức cũng mời 15 nhà khoa học uy tín cao tham gia Hội đồng tư vấn. Trong số các đại biểu chính thức, hơn 90% được đào tạo ở nước ngoài, 62 đại biểu hiện đang công tác tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 01 Giáo sư, 31 Phó giáo sư và trợ lý giáo sư, 150 Tiến sĩ, 19 Thạc sĩ/Nghiên cứu sinh đến từ các lĩnh vực mũi nhọn như: Vật lý hạt nhân, động cơ tên lửa, thuật toán AI, công nghệ thông tin, công nghệ y tế, khoa học vật liệu, chuyển đổi số, kỹ thuật xây dựng, khoa học dữ liệu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, y tế - sức khỏe, môi trường - phát triển bền vững, giáo dục, xã hội... |
CTG