Gia đình anh Tuyến có 3 ha vườn cà-phê. Hơn 10 năm trước, anh đã quyết định chuyển đổi 1 ha sang trồng cỏ nuôi bò sữa để tăng thu nhập. Đến năm 2018, nhận thấy việc trồng cỏ không còn phù hợp, nên gia đình anh chuyển đổi sang sản xuất các loại rau, củ, quả. “Ngay từ ngày đầu, tôi nhận thấy việc sản xuất rau, củ, quả theo kiểu cũ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường, nên gia đình quyết tâm xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ”, anh Tuyến cho biết.
Sau nhiều tháng, mô hình vườn hữu cơ với các loại rau, như cải thìa, cải ngồng, cải ngọt, dưa leo, gừng, sả… đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra có mẫu mã không bắt mắt nên kén người mua. “Một thời gian sau tôi mới nhận được đơn đặt hàng từ đầu mối tiêu thụ rau hữu cơ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, tiếp tục nhận được thêm hợp đồng từ các đối tác tại Lâm Đồng và thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), nên tạm yên tâm sản xuất”, anh Tuyến chia sẻ.
Năm 2020, khi nắm bắt được thông tin về việc thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Vũng Tàu cần nguồn trái cây hữu cơ, anh Tuyến bàn với gia đình mở rộng mô hình sản xuất, tiếp tục chuyển đổi cây trồng phù hợp xu thế thị trường. Gia đình anh Tuyến tiến hành cải tạo gần 1 ha vườn và đặt mua 2 giống ổi, gồm ổi nữ hoàng (ít hạt), cùng giống ổi lê từ các nhà vườn ở miền Tây Nam Bộ về trồng.
Hiện trên diện tích gần 1 ha, anh Tuyến trồng khoảng 1.000 gốc ổi và thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA của Hoa Kỳ. Anh Tuyến cho biết, với diện tích này, gia đình anh duy trì thảm cỏ ở nền vườn để giữ ẩm cho đất và tạo hệ sinh thái cho các loài vi sinh vật phát triển.Về kỹ thuật canh tác, gia đình anh hợp đồng với một công ty chăn nuôi gà để mua lớp đệm lót sinh học về ủ làm phân bón hữu cơ. “Hiện mỗi tháng tôi tiến hành bón phân hữu cơ cho vườn ổi 1 lần, nên lớp đất nền vườn rất tơi xốp, giúp ổi phát triển mạnh, đạt năng suất và chất lượng cao”, anh Tuyến chia sẻ.
Điều đặc biệt, với vườn ổi, chủ vườn không sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật, hay chế phẩm sinh học nào để phòng trừ sâu bệnh hại. Theo anh Tuyến, cây trồng bảo đảm khỏe mạnh ngay từ bộ rễ, nên có khả năng chống chịu rất tốt các loại bệnh hại. Đối với sâu, côn trùng gây hại, chủ vườn tổ chức cân bằng hệ sinh thái thuận tự nhiên.“Với sản phẩm ổi, tôi sử dụng lưới và túi bọc những quả đẹp để dành thu hoạch vào cuối vụ. Còn lại sẽ để trên cây, mặc sức cho sâu, côn trùng đục khoét”, anh Tuyến nói.
Để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho đối tác, chủ vườn thực hiện các chế độ chăm sóc khoa học để ổi ra trái quanh năm. Theo anh Tuyến, với cách làm truyền thống, ổi thường chỉ cho trái rộ vào tháng 4, tháng 5 và tháng 10, dẫn đến khan hàng trong những tháng còn lại. Do vậy, cần phải có chế độ chăm sóc, thu hoạch phù hợp để duy trì lượng trái, đáp ứng nguồn sản phẩm.
Cùng với duy trì sản xuất và cung ứng mỗi tháng 2 tấn rau hữu cơ ra thị trường, gia đình anh Tuyến cũng đều đặn cung cấp cho đối tác từ 1,5 đến 2 tấn ổi mỗi tháng, với mức giá theo hợp đồng hơn 20 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Theo Nhân Dân |