Truyền cảm hứng bảo vệ môi trường

(CTG) Thời gian qua, nhiều chương trình lớn về bảo vệ môi trường với các hoạt động thiết thực và có ý nghĩa đang được tuổi trẻ cả nước hưởng ứng mạnh mẽ. Đặc biệt, bằng những mô hình thiết thực, đoàn viên, thanh niên đã và đang chứng tỏ là lực lượng xung kích đi đầu, là những hạt nhân kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động chống rác thải nhựa, xây dựng xã hội an toàn, văn minh và hiện đại.

 

Biến rác thành “phao cứu sinh”

Đoàn viên, thanh niên đặt các phao cứu sinh làm từ vật liệu tái chế để phòng tránh tai nạn đuối nước tại hồ nước của xã Ia Pết (huyện Đak Đoa).

Theo Bí thư Huyện Đoàn Đak Đoa (Gia Lai) Lê Đình Chiến,“Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước khiến tổ chức Đoàn rất lo ngại, trăn trở. Trong quá trình tìm biện pháp giảm thiểu tai nạn đuối nước, chúng tôi tình cờ đọc được cách làm phao cứu sinh từ vật liệu tái chế trên mạng internet, thấy mô hình ý nghĩa nên đã làm theo”.

Sau khi tìm hiểu kỹ về cách làm, Huyện Đoàn đã huy động đoàn viên, thanh niên đã đi xin lốp xe cũ ở các cửa hàng sửa xe máy, chai nhựa ở các nhà hàng, quán ăn để làm chiếc phao cứu sinh. Chiếc lốp xe máy cũ được gắn thêm 4 can nhựa xung quanh, vị trí cách đều nhau; buộc thêm dây dù là thành chiếc phao hữu ích khi không may sự cố đuối nước xảy ra. Chiếc phao chỉ năng chừng 2kh nhưng có thể chịu được trọng lượng trên 35 kg, rất phù hợp để các em nhỏ sử dụng khi không may xảy ra tai nạn, tránh phải đuối nước. Sau khi hoàn thành, Huyện Đoàn Đak Đoa đã tặng 6 chiếc phao cứu sinh cho Đoàn xã Ia Pết, quay video clip hướng dẫn cách làm, đăng tải trên mạng xã hội để các tổ chức Đoàn trên địa bàn huyện học tập, nhân rộng. Anh Luy-Bí thư Đoàn xã Ia Pết-chia sẻ: “Trên địa bàn xã có khoảng 20 ao, hồ. Sau khi được Huyện Đoàn “chuyển giao kỹ thuật”, Đoàn xã bố trí mỗi ao, hồ 2 chiếc phao cứu sinh. Ngoài ra, Đoàn xã cũng tiến hành rào chắn, cắm biển cảnh báo khu vực nước sâu, nguy hiểm. Chúng tôi mong mô hình này được nhân rộng để kéo giảm tình trạng đuối nước ở trẻ em, vừa giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường”.

Lốp xe và chai nhựa sử dụng được lâu dài dù để ngoài thời tiết nắng nóng. Từ những vật dụng tưởng chừng đã vô dụng nay dưới sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của tuổi trẻ không chỉ trở thành phao cứu sinh mà còn lan tỏa được ý thức bảo vệ môi trường tới mọi người.

Tuổi trẻ truyền cảm hứng bảo vệ môi trường

Một chiếc tủ được tái chế từ các chai nhựa đã qua sử dụng nhưng có thể đựng được đồ dùng cá nhân, sách vở, áo quần… lại có không gian trồng được cây xanh và nuôi cá. Mô hình tủ đa năng bảo vệ môi trường này chính là tâm huyết của thầy giáo vật lý 9X Hoàng Phúc Vinh và nhóm học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Qùy (huyện Nhà Bè, TP.HCM) sáng chế. Chiếc tủ với các ngăn đựng đồ được làm từ những can nhựa 10 lít, các thanh để nâng đỡ can nhựa được tận dụng từ những ống nước bỏ đi. Trên đầu tủ, thầy và trò tái chế bình nước 20 lít thành hồ cá và các chai nhựa nhỏ hơn sẽ làm thành thác nước và khi nước nhiễu từ các chai nhỏ xuống hồ sẽ cung cấp thêm oxi cho cá sống. Ấn tượng hơn là mô hình trái tim từ cây trầu bà được trồng kết hợp với hồ cá, vừa thêm mảng xanh, vừa lọc nước và lọc không khí trong lành hơn. Hai bên hông của tủ, một bên là không gian trồng những giàn hoa mười giờ, một bên là các ngăn đa năng để đựng dụng cụ học tập như bút, thước… “Mình muốn là tủ tái chế nhưng phải đa năng, vừa đựng được các dụng cụ học tập của học sinh, vừa có không gian thiên nhiên, cây cối để cả học sinh và giáo viên đều cảm thấy dễ chịu hơn sau mỗi giờ học”, thầy Vinh bày tỏ.

Mô hình tủ đa năng bảo vệ môi trường.

Không chỉ là người thầy yêu môi trường và cùng hướng dẫn học trò những cách thức để bảo vệ môi trường, anh Vinh còn được học sinh vô cùng yêu mến, bởi sự tận tâm trong việc dạy cũng như tình cảm mà anh dành cho học trò mình. Em Tô Tiến Đạt chia sẻ: “Từ ngày được thầy hướng dẫn cách để tái chế như thế này, tụi em rất vui. Vì em thấy rác thải nhựa ở trường em rất nhiều, tái chế như thế này tụi em học được cách để bảo vệ môi trường. Về nhà em cũng tự làm hộp đựng viết, hay trang trí góc học tập bằng các vật dụng tái chế từ rác thải nhựa”.

Nhận thức được “bảo vệ môi trường” là một trong những trách nhiệm của tuổi trẻ trong xây dựng tương lai xanh, ở tuổi 30, Nguyễn Thúy Hằng đang là Bí thư Đoàn phường 1, TP Cà Mau và khởi nghiệp thành công từ những cây lục bình, tre trúc vốn gắn liền với bà con quê hương nhằm truyền cảm hứng, dần thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa. “Là người khơi nguồn thì bản thân mình phải sử dụng trước. Tôi nghĩ mình cần làm những điều nhỏ nhất, tác động đến những người gần gũi nhất để làm nền tảng lan rộng” - Nguyễn Thúy Hằng tâm sự.

Chị Võ Ngọc Mơ, một khách hàng bị Hằng chinh phục bởi cảm hứng đó, chia sẻ: “Nếu mình mua 1 cái túi xách bình thường, sau thời gian hư thì nó trờ thành rác thải, rất khó phân hủy. Những sản phẩm ở cửa hàng Hằng được làm từ vật liệu rất đơn giản: lục bình, giấy,... đến một thời gian nào đó, không còn sử dụng được nữa nó sẽ tự phân hủy, không hại môi trường. Mình thấy điều đó rất hay, một cách để đóng góp cho xã hội. Ngoài ra, sử dụng những sản phẩm này cũng là cách để ủng hộ bà con nông dân đã rất vất vả để làm ra sản phẩm”.

Những cách làm hay, mô hình sáng tạo để bảo vệ môi trường của người trẻ không chỉ góp phần giúp nhận thức của thanh-thiếu niên và người dân được nâng lên mà còn là đòn bẩy để thay đổi hành vi, thói quen của người dân theo hướng tích cực hơn.

CTG