Tuần tra nơi rừng thiêng nước độc: Vui nhất không ai bị thương!

(CTG) Ở biên giới Việt - Lào, mùa đông lạnh thấu xương, mùa hè nắng Lào bỏng rát, nhưng bước chân tuần tra của người lính biên phòng vẫn hiên ngang băng rừng, vượt suối sâu, chắc tay súng giữ bình yên Tổ quốc.

Tuần tra nơi rừng thiêng nước độc: Vui nhất không ai bị thương! - Ảnh 1.

Tuần tra, kiểm soát biên giới để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia - Ảnh: HÀ THANH

Trong suốt 24 năm mang "quân hàm xanh", thiếu tá Lê Hồng Phong - nhân viên trinh sát, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh - không giấu được xúc động nhớ những tháng ngày tuần tra "trèo đèo, lội suối, vượt nắng thắng mưa nơi rừng thiêng nước độc.

Thiếu tá Lê Hồng Phong - Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu TreoBộ đội biên phòng Hà Tĩnh

Nhân ngày 3-3, tôi mong các cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn nhiều sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chúc bà con biên giới ở khắp mọi miền Tổ quốc luôn đoàn kết, gắn bó với lực lượng bộ đội biên phòng để hoàn thành tốt sứ mệnh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia

Khoảnh khắc vui nhất là hoàn thành nhiệm vụ

Với các cán bộ, chiến sĩ biên phòng "đồn là nhà, biên giới là quê hương". Mỗi một cột mốc ở nơi biên cương chính là biểu tượng vững chắc của chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.

Nơi biên giới Việt - Lào, mùa đông sương mù dày đặc, trời lạnh thấu xương, còn mùa hè gió Lào bỏng rát. Thế nhưng bước chân người lính biên phòng vẫn hiên ngang băng rừng, vượt suối sâu.

Ở trên chốt, anh Phong cùng đồng đội thường xuyên làm công tác tuần tra, kiểm soát biên giới để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

"Nhớ nhất là những lúc trời mưa, đêm về mắc tăng võng nhưng không mắc được vì mưa rừng, sợ cây cối ngã đổ vào.

Anh em cùng nhau trùm ngồi, chứ không ngủ được. Chỉ ăn lương khô, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra mốc giới" - anh xúc động nhớ lại.

Tuần tra nơi rừng thiêng nước độc: Vui nhất không ai bị thương! - Ảnh 3.

Phút nghỉ ngơi của anh em trên đường tuần tra - Ảnh: HÀ THANH

Anh Phong chia sẻ, con đường tuần tra từ đồn biên phòng vào các cột mốc dài khoảng 24km. Trong đó, chỉ có 8km đường nhựa, còn lại quãng đường dài 16km anh em phải hành quân đi tiếp.

Ngược núi, băng rừng, vượt suối sâu, anh em hành quân một ngày trời mới đến điểm dừng chân nơi bìa rừng. Tại điểm dừng nghỉ, các cán bộ, chiến sĩ nghỉ ngơi, ăn uống, lấy lại sức lực để ngày hôm sau tiếp tục lên đường tuần tra.

Con đường tuần tra lắm lúc gian nan, hiểm nguy, những lúc ấy anh em cán bộ, chiến sĩ động viên nhau phải cố gắng vượt qua, "bền sức, bền gan, vững ý chí" để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

"Ở nơi này nhiều cha ông ta đã ngã xuống vì sốt rét, mưa rừng. Trên đường tuần tra, khoảnh khắc vui nhất là hoàn thành nhiệm vụ, anh em về trọn vẹn mà không ai bị thương tích" - anh Phong bộc bạch.

Vất vả bao nhiêu cũng thấy bình thường

 
Tuần tra nơi rừng thiêng nước độc: Vui nhất không ai bị thương! - Ảnh 4.

Thiếu tá Lê Hồng Phong, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: HÀ THANH

Dừng chân bên bãi cỏ nghỉ tạm, tranh thủ giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi, các cán bộ, chiến sĩ giãi bày cùng nhau về câu chuyện gia đình.

Trải lòng về cuộc sống quân ngũ, anh Phong kể nhập ngũ đúng ngày 3-3-1999 (tròn kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Bộ đội biên phòng). Chính thời khắc đó là mối duyên đưa anh gắn bó với màu áo xanh của lực lượng bộ đội biên phòng từ đó đến nay.

24 năm công tác, anh đảm nhận nhiều nhiệm vụ, trải qua nhiều đơn vị khác nhau từ Quảng Nam, Gia Lai, Hải Phòng đến Hà Tĩnh.

Ba năm nay, anh Phong nhận nhiệm vụ ở Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Nhớ nhất là quãng thời gian căng mình trực chốt phòng chống dịch bệnh COVID-19. Đồng đội kể lại, suốt thời gian trực chốt là bấy nhiêu ngày anh Phong xa gia đình, xa vợ con.

Kể về câu chuyện tình của mình, người lính biên phòng đôi chút bẽn lẽn giãi bày ngày trước công tác ở Hải Phòng, "tình cờ quân với dân quen nhau rồi yêu nhau".

Quen nhau từ năm 2003 nhưng mãi đến năm 2008, cả hai cùng trải qua nhiều thử thách mới quyết định gắn bó với nhau trọn đời.

"Yêu nhau chẳng sợ đường xa, đi một ngày không đến thì đi 2 - 3 ngày, chẳng sợ gì!" - anh Phong tếu táo.

Cưới nhau về rồi hai vợ chồng lại ở xa nhau. Anh công tác ở Hà Tĩnh, còn chị làm việc ở Hải Phòng. Một tay chị chăm nom, nuôi dạy con cái, làm hậu phương vững chắc cho anh an tâm công tác.

Anh chia sẻ là đàn ông vất vả còn chịu đựng được, nhưng anh hiểu người vợ sẽ chịu nhiều khó khăn, thậm chí thiệt thòi hơn một chút vì chồng phải thường xuyên xa nhà.

"Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ, tôi cũng kịp thời động viên vợ để vợ hiểu, yêu thương và cảm thông cho công việc của chồng" - anh Phong bày tỏ.

24 năm trong cuộc đời quân ngũ, điều mà anh mong mỏi nhất là những người đồng chí, đồng đội của mình luôn bình an, sức khỏe để thực hiện tốt nhiệm vụ giữ bình yên nơi biên cương Tổ quốc.

Theo TT