PV - Trước tác động của nước biển dâng và biến đổi khí hậu xảy ra trên địa bàn tỉnh Bến Tre, thế hệ trẻ có những hoạt động gì để ứng phó? Nhận thức của giới trẻ Bến Tre trong việc tác động đó như thế nào?
Anh Phan Thanh Trẻ: Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bến Tre ban hành Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, kế hoạch tổ chức Tháng Thanh niên, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức Chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè” tỉnh Bến Tre; trong đó phong trào “Tuổi trẻ Bến Tre tình nguyện tham gia xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” là một trong những nội dung trọng tâm.
Anh Phan Thanh Trẻ, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn – Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bến Tre tham gia trồng cây xanh tại cồn Đất, huyện Ba Tri vào tờ mờ sáng. |
Căn cứ vào định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các cấp bộ Đoàn và thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã có nhận thức đúng đắn, tích cực, hăng hái tham gia vào các công trình, phần việc cụ thể với tinh thần chủ động nhằm ứng phó với tác động của nước biển dâng và biến đổi khí hậu xảy ra trên địa bàn tỉnh như: thành lập các “Đội hình tuyên truyền viên và bảo vệ môi trường”, tổ chức nhiều hoạt động thu dọn rác ven bờ sông và phát động các hoạt động cổ vũ thực hành lối sống xanh, bảo vệ môi trường trong giới trẻ và cộng đồng như các mô hình sân chơi tái chế, vận động tiểu thương cam kết và thay thế túi ni-lông bằng túi thân thiện với môi trường, tổ chức các hoạt động “Đổi rác thải nhựa lấy lồng đèn Trung thu”,“Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”...
Bên cạnh đó, tham gia xây dựng Trường học xanh - sạch - năng động, tham gia thực hiện công trình “Rừng phòng hộ do thanh niên quản lý”, tại Cồn Đất (cù lao Đất) và cồn mới nổi ở giữa sông, thuộc địa phận ấp An Bình, xã An Hiệp, huyện Ba Tri. Ra quân các hoạt động trồng cây xanh tập trung vào các ngày cao điểm của tổ chức Đoàn - Hội, trọng tâm là các ngày Chủ nhật xanh đồng loạt toàn quốc, hưởng ứng Tết trồng cây; ngày Chủ nhật Nông thôn mới đồng loạt tại địa phương; Tháng Thanh niên.
Tổ chức Đoàn các cấp tích cực tham gia các sân chơi “Hành động vì một Bến Tre xanh” và các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như: Giải chạy bộ và Giải truyền thông chạy bộ nâng cao nhận thức nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, Cuộc thi Tranh biện “Thích ứng với biến đổi khí hậu tại Bến Tre” và Cuộc thi Sáng kiến Thanh niên nhằm nâng cao kiến thức về khả năng thích ứng với tác động của hạn hán và xâm nhập mặn tỉnh Bến Tre. Qua đó đã thu hút nhiều sản phẩm truyền thông lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là các sáng kiến khả thi ứng dụng trực tiếp tại các địa phương.
|
Đoàn viên thanh niên tỉnh Bến Tre trồng cây xanh |
PV - Thời gian qua, Tỉnh đoàn Bến Tre có những hoạt động gì để chung tay cùng Chính phủ, địa phương ứng phó biến đổi khí hậu; Kết quả ra sao, thưa anh?
Anh Phan Thanh Trẻ: Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bến Tre tiếp tục đeo bám, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp các ngành trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao nhận thức và năng lực để xây dựng “Bến Tre xanh” giai đoạn 2021 - 2026 và Kế hoạch hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời, ban hành nhiều Kế hoạch, Công văn nhằm tập huấn kiến thức cho các đội thanh niên tình nguyện ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường, thực hiện phong trào Tuổi trẻ Bến Tre tình nguyện tham gia xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh.
Cùng với đó là tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao năng lực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; ra quân Ngày cao điểm “Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới và Ngày Chủ nhật xanh”; tổ chức các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hưởng ứng Giải Bepharco Bến Tre Marathon; tập huấn triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Thông qua các hoạt động đã góp phần định hướng các cấp bộ Đoàn, Hội và thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã có nhận thức đúng đắn, tích cực, hăng hái tham gia vào các công trình, phần việc cụ thể với tinh thần chủ động nhằm ứng phó với tác động của nước biển dâng và biến đổi khí hậu xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Anh Phan Thanh Trẻ tham gia trồng cây xanh. |
PV - Xin anh cho biết, Tỉnh đoàn Bến Tre có những chương trình, giải pháp như thế nào đối với nhận thức của tuổi trẻ trước tác động của biến đổi khí hậu?
Anh Phan Thanh Trẻ: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bến Tre đã tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong đoàn viên, thanh thiếu niên, trong đó các mô hình tiêu biểu, cụ thể như: Mô hình “Đội hình tuyên truyền viên và bảo vệ môi trường cấp tỉnh”, Mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, dụng cụ học tập”, “Đổi rác thải nhựa lấy lồng đèn”,… Mô hình xây dựng “Trường học xanh - sạch - năng động”…
PV - Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn Bến Tre có những hoạt động gì để góp phần cùng lãnh đạo tỉnh triển khai những công trình, phần việc thích ứng với biến đổi khí hậu?
Anh Phan Thanh Trẻ: Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bến Tre sẽ tiếp tục triển khai các công trình, phần việc cụ thể, thiết thực góp phần cùng tỉnh nhà thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng, nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt quan tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong tham gia xây dựng Đề án nâng cao nhận thức và năng lực để xây dựng “Bến Tre xanh” giai đoạn 2024 – 2026, cụ thể như:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường theo xu thế chuyển đổi xanh, phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, phát thải ròng bằng “0” (net zero); phát huy vai trò trong phản biện các công trình, dự án, nhiệm vụ về ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của tỉnh.
Hỗ trợ bà con nước ngọt mùa hạn mặn. |
Thứ hai, nghiên cứu, chủ động đề xuất phối hợp các ngành, các cấp trong khai thác những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của ngành dừa tỉnh Bến Tre trong bối cảnh hội nhập quốc tế, làm nền tảng xây dựng các giải pháp phù hợp nâng cấp chuỗi giá trị dừa của tỉnh trong thời gian tới; đồng thời, nắm bắt cơ hội mới trong việc xây dựng tín chỉ carbon cho ngành dừa.
Thứ ba, tiếp tục tuyên truyền, tổ chức các hoạt động hướng dẫn sản xuất vi sinh vật bản địa (IMO) và ứng dụng vi sinh bản địa trong xử lý rác thải bảo vệ môi trường. Khuyến khích, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế từ vi sinh bản địa tại địa phương.
Thứ tư, phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre tổ chức các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường và các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm quảng bá các loại hình du lịch mới và phát triển du lịch trên dòng sông Bến Tre; cùng với đó là tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên và người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thực hành lối sống xanh, hạn chế sử dụng rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn, tiếp tục nhân rộng các mô hình, giải pháp hay, sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Bến Tre.
PV - Xin chân thành cảm ơn anh!
Theo TP