Tuổi trẻ hướng tới cuộc sống xanh

(CTG) Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, ở nước ta, chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế.

 

Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, ở nước ta, chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế. Trong khi đó, việc chế biến rác sinh hoạt làm phân hữu cơ một mặt giải quyết được vấn đề môi trường, mặt khác tận dụng các thành phần có trong rác thải để bón cho cây trồng. Đây là một trong những hướng đi đung đắn nhằm giải quyết triệt để vấn đề rác thải đô thị của các tỉnh, thành phố. Và để góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác tại nguồn, tái chế rác đúng nơi, đúng lúc, đúng mục đích, thời gian qua, đoan thanh niên các cấp luôn nỗ lực tìm ra những mô hình xử lý rác hữu cơ hay, thiết thực, và nhận được sự ủng hộ của người dân

Hình thành thói quen phân loại, tái chế rác thải

Cán bộ Đoàn hướng dẫn người dân ủ rác thải trong hố xử lý rác.

Cuối tháng 3/2022, với sự hướng dẫn của Đoàn Thanh niên huyện Châu Thành, gia đình ông Trần Quang Kiếm (ấp Long Trường, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) tiến hành làm hố xử lý rác nhà bếp thành phân hữu cơ. Được Đoàn Thanh niên hỗ trợ 1 nắp thùng đậy hố rác và một số túi men vi sinh, ông Kiếm đào hố bên cạnh nhà để làm hố xử lý rác. Theo hướng dẫn của cán bộ Huyện đoàn, ông Kiếm hoàn thành mẻ ủ vi sinh đầu tiên với rác thải nhà bếp của gia đình. Ông Kiếm chia sẻ: “Trước đây, rác trong nhà bếp, tôi đổ ra gốc cây, có khi cũng để lẫn cả vào rác nylon. Giờ làm hố xử lý rồi, sau này tôi sẽ lấy phân hữu cơ ủ được để trồng cây. Tôi thấy ủ cũng dễ, vậy mà trước giờ tôi không biết”.

Hố xử lý rác hữu cơ hoạt động dựa trên sự phân hủy rác nhờ vào vi sinh, có chi phí thấp và dễ thực hiện. Mỗi gia đình muốn làm hố xử lý rác hữu cơ chỉ cần đào 1 hố sâu dưới đất và đậy nắp kín hoặc chuẩn bị một thùng phuy lớn có vòi lắp gần đáy thùng, 1 rổ nhựa chứa đầy đất hoặc mụn dừa để vào thùng và đậy nắp kín. Nước vi sinh được pha với tỷ lệ 1 men 5 đường cùng 1 lít nước, sau đó tưới lên đất. Mỗi lần cho rác hữu cơ vào hố, chủ nhà tưới một ít nước men vi sinh lên bề mặt lớp rác và đậy nắp kín. Sau khoảng 1 tháng, rác sẽ được phân hủy thành phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, tốt cho cây trồng.

Theo Bí thư Huyện đoàn Châu Thành - Trần Mạnh Hùng, anh biết về việc ủ rác hữu cơ thông qua các video trên mạng xã hội. Thấy tại địa phương, rác hữu cơ thường bị bỏ đi vừa phí phạm, vừa ô nhiễm nên anh triển khai, thực hiện mô hình. “Mô hình này đầu tiên là góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, lượng phân thu được sau khi ủ, các gia đình có thể dùng trồng rau, hoa cải thiện bữa ăn, tạo cảnh quan đẹp” - anh Hùng cho biết thêm.

Bước đầu, Huyện đoàn thí điểm mô hình tại xã Long Trì với 10 hộ gia đình. Theo đó, mỗi gia đình được hỗ trợ 1 nắp nhựa để làm nắp đậy hố xử lý rác và chế phẩm men vi sinh. Sau này, khi mô hình được nhân rộng, người dân có thể tự trang bị để làm hố xử lý rác cho gia đình. Bí thư Đoàn xã Long Trì - Lê Văn Thương cho biết, sắp tới, anh sẽ tổ chức họp lấy ý kiến các bí thư, trưởng ấp trong địa bàn xã về việc vận động nhân rộng mô hình. “Nếu nhận được sự đồng tình của bí thư, trưởng ấp, chúng tôi sẽ tiến hành họp dân để vận động. Mục tiêu hướng tới là mọi người thấy được lợi ích của mô hình và áp dụng làm tại nhà” – Anh Thương nói.

Để lan tỏa mô hình đến đông đảo đoàn viên, thanh niên, người dân trong huyện, Bí thư Huyện đoàn Châu Thành thực hiện đoạn video clip hướng dẫn cách làm hố xử lý rác hữu cơ tại nhà và gửi trực tiếp cho đoàn viên qua hệ thống Zalo nội bộ. Đoạn clip được đoàn viên, người dân đón nhận, chia sẻ rộng rãi.

Mô hình phân loại, xử lý rác nhà bếp thành phân hữu cơ tại hộ gia đình là một trong những hoạt động của đoan Thanh niên huyện Châu Thành góp phần giúp các địa phương thực hiện tốt tiêu chí môi trường, hướng tới mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.

Hành động nhỏ ý nghĩa lớn

Mô hình hay, mang lại hiệu quả lớn. Vì vậy, mô hình “Phân loại, xử lý rác nhà bếp thành phân hữu cơ tại hộ gia đinh” còn lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.

Mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.

Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên thanh niên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác bảo vệ môi trường trong việc phân loại rác thải tại hộ gia đình, từng bước thay đổi thói quen phân loại rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ và rác thải nguy hại, vừa qua, Tỉnh đoàn Bình Thuận đã triển khai mô hình này đối với 50 hộ dân tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Theo đó, mỗi hộ sẽ có 02 thùng rác (hữu cơ và vô cơ), 02 nắp đậy hố rác gia đình (để luân phiên ủ rác tạo phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp), 02 túi chế phẩm sinh học để ủ rác, chai nhựa có thể tích 0,5 - 1l dùng để pha chế phẩm vi sinh và được đục lỗ ở nắp để tiện cho quá trình phun chế phẩm vào đống ủ. Đồng thời, hướng dẫn các hộ gia đình quy trình phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ. Đại diện của các hộ cũng đã tiến hành ký cam kết duy trì thực hiện mô hình phân loại rác này.

Mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh bản địa IMO.

Còn đối với tuổi trẻ Nam Toàn (Nam Định), mô hình xử lý rác hữu cơ “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh ủ rác” bước đầu cũng đã có những thành công đáng kể đến. Chị Nguyễn Thị Thư trú tại xóm 4 chia sẻ: “Từ khi gia đình tôi áp dụng chế phẩm vi sinh bản địa IMO vào sử dụng khử mùi tại nhà vệ sinh thấy rất hiệu quả; không tốn nhiều chi phí mua nước khử khuẩn, nhà sạch sẽ, giảm hẳn ruồi, muỗi. Sau thời gian thí điểm, hiện, tuổi trẻ Nam Toàn đang tiếp tục vận động các hộ gia đình tham gia, góp phần tạo nên cảnh quan môi trường nông thôn mới sáng – xanh – sạch – đẹp”.

Chị Phạm Thị Phương Liên, Bí thư Đoàn xã Nam Toàn cho hay: “Mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh bản địa IMO có nhiều ưu điểm như: Giảm thiểu tối đa chi phí mua phân, thuốc bảo vệ thực vật; tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tự nhiên hoàn toàn. Về phương diện môi trường, các phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng tối đa, phân loại vào các thùng đựng rác, hạn chế thải ra môi trường đất, nước và không khí ở khu vực dân cư. Tuy nhiên, để làm chế phẩm vi sinh thành công, các hộ dân cần chú ý thực hiện theo đúng hướng dẫn, ghi nhật ký làm chế phẩm và làm lại nhiều lần.

Việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu được nguồn rác thải ra môi trường. Với tuổi trẻ, tài năng và nhiệt huyết, những mô hình, sáng kiến hay của đoan thanh niên các cấp được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

CTG