Ứng viên cần tiền, cần công việc nhưng cần sự tôn trọng hơn

(CTG) Sự tôn trọng là yếu tố chính thúc đẩy sự hài lòng trong công việc. Tuy nhiên hiện nay, nhiều ứng viên đi xin việc cảm thấy không được tôn trọng trong suốt quá trình tuyển dụng.

Hẹn gặp phỏng vấn nhưng lại "chơi trò trốn tìm"

Sau khi nhìn thấy tin tuyển dụng, Tường Vy (20 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) liền làm hồ sơ xin việc (CV). Sau khi nộp đơn, cô đã được nhà tuyển dụng (HR) gọi điện thông báo qua vòng đơn.

"Đó là công ty mà mình rất thích với vị trí mà mình đã có kinh nghiệm. Vì vậy ngay sau khi nhìn thấy thông tin tuyển dụng, mình đã thức trắng đêm để trau truốt CV và gửi cho nhà tuyển dụng trực tiếp qua Zalo và qua mail. Không lâu sau đó, mình nhận được cuộc gọi qua vòng đơn để bước vào vòng phỏng vấn.

Chị HR còn xin Zalo của mình để trao đổi online một số điều về chi tiết công việc, lương thưởng... Mình thậm chí đã chủ động kết bạn với chị ấy những chờ quá giờ hẹn mà vẫn chưa thấy gì, mình có gọi lại nhưng không nghe máy, Zalo vẫn chưa được phản hồi", Vy chia sẻ.

Sự im lặng luôn là nỗi ám ảnh của hầu hết các ứng viên sau khi tham gia phỏng vấn (Ảnh minh họa: LinkedIn)
Sự im lặng luôn là nỗi ám ảnh của hầu hết các ứng viên sau khi tham gia phỏng vấn (Ảnh minh họa: LinkedIn)

Do là lần đầu tiên gặp phải tình trạng này nên Tường Vy cảm thấy bối rối và nghi ngờ năng lực bản thân. "Nhiều ngày trôi qua rồi nhưng chị HR vẫn im lặng, đến giờ mình cũng không biết lý do là gì và không biết có phải hồ sơ mình bị loại hay không. Rất nhiều câu hỏi đặt ra khiến mình phân vân không biết liệu mình nên gọi điện để hỏi lại", Tường Vy chia sẻ.

Khi chia sẻ câu chuyện này trên một số hội nhóm, Tường Vy bất ngờ vì bên cạnh những lời động viên, cô gặp được rất nhiều người cùng cảnh ngộ. Cô cũng được khuyên rằng, hãy thử gọi lại cho HR vì rất có thể bận nhiều công việc nên họ nhất thời quên mất. "Mình quyết định gọi lại và cố ý tránh ngày thứ 2 vì sợ đầu tuần nhiều việc nhưng máy đổ 2 - 3 hồi chuông thì bị tắt ngay lập tức. Mình nghĩ có thể do bản thân chưa phải là ứng viên phù hợp với tiêu chí mà công ty đưa ra", Vy nói.

Cô gái 20 tuổi cảm thấy không được tôn trọng khi nhà tuyển dụng đổi ý quá nhanh mà không có một bất cứ phản hồi nào. Hơn nữa, đây lại là công việc mà Vy yêu thích và dành nhiều kỳ vọng vào nó nên việc thất vọng là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, Tường Vy vẫn giữ được một tinh thần lạc quan: "Mình suy nghĩ tích cực hơn là: có thể công việc này không phải dành cho mình mà nó đang nhường chỗ để cho công việc khác tốt hơn, xứng đáng hơn đến với mình. Mình cũng tự nhủ, sẽ có thế giới riêng cho mỗi người, ở đó có người yêu quý, có công việc tốt, chỉ cần đừng bỏ cuộc".

Đi làm ở nơi khác thì nhận được thông báo trúng tuyển

Giống như Tường Vy, Phương Chi (24 tuổi, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cảm thấy không được tôn trọng khi đã qua vòng phỏng vấn nhưng HR vẫn không trả lời kết quả như đã hẹn trước.

Phương Chi đã có kế hoạch chuyển việc từ cuối năm 2022 nên đã nộp đơn xin việc vào một công ty và nhận được lịch phỏng vấn sau Tết. Sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Chi thuận lợi vượt qua vòng phỏng vấn với những ấn tượng khá tốt để lại cho nhà tuyển dụng.

Hồi âm là bước không nên bỏ qua, điều này thể hiện sự tôn trọng và chuyên nghiệp của nhà tuyển dụng (Ảnh minh họa: FreeC)
Hồi âm là bước không nên bỏ qua, điều này thể hiện sự tôn trọng và chuyên nghiệp của nhà tuyển dụng (Ảnh minh họa: FreeC)

"Mình còn nhớ HR của công ty đó đã nói với mình là: "Đọc CV của em là chị muốn tuyển em ngay lập tức mà không cần phỏng vấn". Mình đã ngỡ là sẽ có công việc mới nhanh chóng hơn so với dự định ban đầu, nhưng không ngờ phía công ty lại "bặt vô âm tín" ngay sau đó", Chi chia sẻ.

Theo Phương Chi, sau cuộc phỏng vấn 1 tuần, cô chủ động liên lạc để hỏi về kết quả thì nhận được tin hiện tại công ty chưa có dự án phù hợp, khi nào có sẽ nhắn lại sau. Nhưng điều mà cô gái trẻ không ngờ được là sau khi cô làm ở chỗ làm mới được 3 tháng thì lại nhận được mail trúng tuyển. Phương Chi cảm thấy bản thân bị đối xử như một trò đùa khi nhà tuyển dụng làm việc một cách tùy hứng và thiếu chuyên nghiệp.

Cô tâm sự: "Đúng là bản thân mình cần công việc, cần có thu nhập, nhưng mình cần sự tôn trọng hơn. Một cuộc gọi, một email hay một tin nhắn thông báo ngắn gọn cũng không mất quá nhiều thời gian. Nhưng im lặng sẽ khiến nhà tuyển dụng mất đi uy tín".

Phương Chi cho rằng, đây không phải vấn đề mới trong quá trình tuyển dụng nhưng nói lên văn hóa và sự tôn trọng giữa ứng viên và nhà tuyển dụng. Cô đưa ra lời khuyên cho tình trạng này, ứng viên nên chủ động hỏi hoặc đưa ra đề nghị nếu không muốn phải chờ đơi. Hơn nữa, cũng cần có thêm những hướng đi khác nhau để giảm thiểu rủi ro và có thêm nhiều lựa chọn hơn trong công việc.

Theo TTTĐ