Vì sao bị lạc đường khi leo núi, dù đã đi trước đó 2-3 lần?

(CTG) Thông tin về vụ việc 5 người bị kẹt trên núi Hàm Lợn do lạc đường, dù trong nhóm đã có người đi núi này 2-3 lần trước đó, nhận được nhiều sự quan tâm. Nhiều người thắc mắc vì sao đã leo núi này nhiều lần trước đó vẫn bị lạc, cũng như cần trang bị những kỹ năng gì, lưu ý ra sao khi đi leo núi vào mùa hè?

Đừng chủ quan khi đi leo núi

Theo thông tin trên báo VnExpress, 5 người bị kẹt trên núi Hàm Lợn do lạc đường, khi nhìn thấy đội cứu hộ, một thành viên trong nhóm chia sẻ như trút được gánh nặng "vì biết đã được an toàn". Cô nói nhóm leo núi từ 18 đến 23 tuổi, "khá tự tin" vì một số đã leo núi Hàm Lợn 2-3 lần.

Huỳnh Thị Thanh Tâm (29 tuổi), làm việc tại Q.3 (TP.HCM), cho biết leo núi là hoạt động lành mạnh, giúp cải thiện sức bền, ngắm nhìn thiên nhiên. Mỗi tháng, Tâm đều dành thời gian để leo các ngọn núi gần TP.HCM như: Dinh (Bà Rịa-Vũng Tàu), Chứa Chan (H.Xuân Lộc, Đồng Nai)...

Vì sao đã đi leo núi 2-3 lần trước đó nhưng vẫn lạc đường? - Ảnh 1.

Người trẻ cần chuẩn bị kỹ trước những chuyến leo núi để đảm bảo an toàn. ẢNH: KIM NGỌC NGHIÊN

“Dù bạn có leo 2, 3 lần cũng chưa chắc đã nhớ được đường đi, địa hình trên núi. Trời mưa bất chợt, địa hình thay đổi, hay chủ quan… là yếu tố khiến các bạn dễ bị lạc, hay gặp khó khăn trong quá trình đi leo núi. Vì vậy, mình khuyên nên đi theo đoàn, trong nhóm phải có người am hiểu địa hình núi, chứ không phải chỉ đi 2, 3 lần rồi chủ quan”, Tâm nói.

Vì sao đã đi leo núi 2-3 lần trước đó nhưng vẫn lạc đường? - Ảnh 2.

Thanh Tâm. ẢNH: KIM NGỌC NGHIÊN

Nhiếp ảnh, traveloger Nguyễn Trọng Cung (quê tỉnh Thái Bình), từng leo 15 đỉnh núi cao ở Việt Nam như Fansipan (Lào Cai), Pusilung (Lai Châu), Tả Liên Sơn (Lai Châu)... thì cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến người leo núi bị lạc là không có sự chuẩn bị và chủ quan khi bắt đầu cuộc hành trình. Thông thường sẽ tìm hiểu đường đi, địa hình, tracklog (một trong số các tính năng cơ bản có trong các thiết bị định vị GPS cầm tay. Nó đóng vai trò quan trọng giúp người dùng an toàn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và không lo bị lạc đường), hoặc thuê người bản địa dẫn đường. Dấu hiệu cho thấy một cung đường dễ lạc là nhiều ngã rẽ, lối mòn, địa hình phức tạp cũng dễ gây mất phương hướng.

Vì sao đã đi leo núi 2-3 lần trước đó nhưng vẫn lạc đường? - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Trọng Cung. ẢNH: NVCC

 

“Nên theo dõi thời tiết và không nên đi leo núi vào ngày mưa, mùa mưa. Cập nhật thời tiết có thể dùng ứng dụng Windy và Ventusky”, anh Cung nói.

Những kỹ năng và thiết bị cần có

Anh Cung cho biết khi trong nhóm có thành viên đi lạc, những người còn lại cần giữ đội hình, không tách lẻ. Cử người có kinh nghiệm (trưởng nhóm, người bản địa) đi tìm kiếm. Phổ biến tín hiệu liên lạc trước chuyến đi. Người bị lạc ngồi yên tại chỗ, tìm vị trí thoáng, gần gốc cây, không rời đường mòn. Trang bị ít nhất hai bộ đàm cho người đi đầu và chốt đoàn.

Vì sao đã đi leo núi 2-3 lần trước đó nhưng vẫn lạc đường? - Ảnh 4.

Vàng A Tung. ẢNH: NVCC

Vàng A Tung (22 tuổi), hướng dẫn viên du lịch tại TX.Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cho biết việc tìm hiểu trước về cung đường sẽ leo là yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn. Tung luôn kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về khoảng cách, độ cao và địa hình của tuyến đường. 

Tung cho biết đặc biệt nên chuẩn bị sẵn file GPX, một định dạng bản đồ số hỗ trợ định vị và dẫn đường chính xác. File GPX giúp dễ dàng theo dõi lộ trình, đặc biệt khi chạy trail (chạy bộ địa hình) hoặc di chuyển qua các cung đường phức tạp. “Việc này giúp định hướng, giảm nguy cơ lạc đường trong điều kiện thời tiết xấu hoặc địa hình hiểm trở. Mình luôn mang theo một bộ y tế cơ bản, bao gồm băng gạc, thuốc sát trùng, thuốc giảm đau”, Tung nói.

Để duy trì sức khỏe trong suốt hành trình, Tung cho biết luôn chuẩn bị lương thực phù hợp như: lương khô, hoa quả, thanh năng lượng và đủ nước uống. Những loại thực phẩm này nhẹ, dễ mang theo và cung cấp năng lượng cần thiết cho chuyến leo núi dài. 

Một trong những nguyên tắc quan trọng mà Tung lưu ý là luôn đi theo các cung đường mòn có sẵn, tránh tự ý khám phá qua bụi rậm hay tìm tuyến đường mới. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giảm thiểu rủi ro lạc đường hoặc gặp nguy hiểm từ địa hình không quen thuộc. “Luôn quan sát các dấu hiệu chỉ đường tự nhiên hoặc nhân tạo như: cột mốc, biển chỉ dẫn và tránh xa các khu vực có cây cối rậm rạp”, Tung nói.

Để đối phó với thời tiết mùa hè biến đổi nhanh trên núi, A Tung cho biết luôn mang theo mũ, nón và một chiếc áo gió. Mũ giúp bảo vệ khỏi ánh nắng gay gắt, trong khi áo gió là "vị cứu tinh" khi gặp mưa bất chợt hoặc gió lạnh ở độ cao. Chọn áo gió nhẹ, chống thấm nước và giày leo núi có độ bám tốt để đảm bảo an toàn trên địa hình trơn trượt.

“Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, vẫn có những trường hợp hiếm hoi bị lạc khi chạy trail. Trong những tình huống này, mình áp dụng hai phương pháp: quay lại theo tuyến đường đã đi hoặc dừng lại tại chỗ và gọi hỗ trợ từ bên ngoài. Hãy giữ bình tĩnh và không tiếp tục di chuyển mù quáng. Mang theo thiết bị liên lạc (điện thoại, bộ đàm) và pin dự phòng để đảm bảo liên lạc trong trường hợp khẩn cấp”, Tung chia sẻ.

Theo TN