Tại sân chơi này, Việt Nam phải đối đầu với các đội mạnh nhất thế giới hiện nay về nghề cơ điện tử là: Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Trước đó, tại buổi lễ xuất quân, thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội - nơi hai thí sinh đang học tập đặt mục tiêu lọt vào top 3. Có thể nói Huy chương Vàng mà hai thí sinh vừa giành được là kết quả xuất sắc ngoài sức mong đợi.
Hai đại diện của Việt Nam xuất sắc giành Huy chương Vàng Cuộc thi Kỹ năng nghề Cơ điện tử online Châu Á- Thái Bình Dương.
Không giấu nổi niềm vinh dự và tự hào khi mang Huy chương Vàng về cho quốc gia, em Nguyễn Văn Tấn, sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, một trong 2 thành viên của đội tuyển chia sẻ: "Khác với đề thi cơ điện tử thế giới và ASEAN trước đó, đề thi Châu Á- Thái Bình Dương thiên về lập trình nhiều hơn là lắp đặt cơ khí. Đề thi cũng có sự chuyển giao linh hoạt trong các hệ thống, gần gũi với các công việc trong các dây chuyền thực tế của nhà máy.
Sau khi nắm được yêu cầu của đề thi, em và bạn Đinh Tú Ngọc đã lập tức có sự phân chia công việc theo thế mạnh của từng người để thực hiện bài thi một cách hợp lý và nhanh nhất. Khi thực hiện, ai gặp vướng mắc, khó khăn, người còn lại sẽ ngay lập tức có sự hỗ trợ".
Hình ảnh đội tuyển Việt Nam tham gia thi đấu.
Các thành viên của đội tuyển cũng bước vào cuộc thi tầm cỡ với tâm thế tự tin, kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu đúc rút được từ cuộc thi Kỹ năng nghề quốc gia; sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, kỹ năng, tâm lý, thể chất; sự động viên, hỗ trợ của nhà trường, các chuyên gia huấn luyện, phiên dịch và quyết tâm, khát vọng mang chiến thắng về cho đất nước…
Với chiến thắng này, các thí sinh của đội tuyển Việt Nam đã khẳng định được kiến thức, khả năng, kỹ năng ở Châu Á. Các em cũng sẽ có cơ hội tranh tài tại Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới dự kiến diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc năm 2022.
Ông Trương Ngọc Hoàng - Giám đốc giáo dục Công ty Festo, chuyên gia giám sát của Ban tổ chức đánh giá hai thí sinh Việt Nam cho hay đề thi Kỳ năng nghề Cơ điện tử online Châu Á - Thái Bình Dương rất khó và hay.
Đề thi mang tính ứng dụng cao, mỗi bài thi là một yêu cầu khác nhau, buộc các thí sinh phải rất năng động, linh hoạt trong lập trình.
Các giám khảo chấm bài.
Ngoài kiến thức, kỹ năng lập trình, đề thi cũng đòi hỏi các thí sinh phải có sự phối hợp ăn ý để đưa ra chiến thuật hợp lý, hiệu quả. Chuyên nghiệp trong các thao tác, giờ giấc, đồng thời phải có kiến thức ngoại ngữ. Đề thi tuy được dịch qua tiếng Việt nhưng với những thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành, nếu không hiểu sẽ rất khó xử lý bài thi sát yêu cầu.
Bài thi số 1, các thí sinh phải lập trình 5 trạm sản xuất, chạy phôi từ đầu trạm đến phân nhánh các cánh tay robot công nghiệp.
Bài 2 khó nhất với thời gian thi 120 phút, yêu cầu các em phải bỏ trạm thứ 4 và đảo 4 trạm ở các vị trí khác so với bài 1.
Bài 3 cũng 4 trạm đó nhưng phải đáp ứng một quy trình sản xuất khác.
Chuyên gia giám sát này nhận xét, các thí sinh của đội tuyển Việt Nam làm bài khá tốt, đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức lập trình, kỹ năng đi dây, lắp đặt thiết bị. Đặc biệt, tốc độ xử lý của đội tuyển Việt Nam rất nhanh, nhanh hơn so với cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, vốn là những đối thủ hàng đầu thế giới về Cơ điện tử hiện nay.
Nguồn: DT