'Vỗ' lợn rừng bằng chè khổng lồ

(CTG)Tình cờ, anh Mão biết được nhiều trang trại đã cho lợn rừng ăn cây chè khổng lồ (giống chè có lá to lạ thường) nên áp dụng. Nhờ đó, đàn lợn rừng của anh phát triển tốt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Những ngày này, chàng trai người dân tộc Thái Lê Văn Mão (SN 1987, trú làng Văn Giang, xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ, Nghệ An), đang tất bật chăm sóc đàn lợn rừng hàng trăm con của mình. Trang trại của anh Mão hiện có khoảng 200 con lợn, trong đó có 26 con lợn hậu bị để chọn làm lợn nái đẻ. Anh bảo, dịp Tết, nhiều khách đặt trước hàng tháng trời nhưng giờ không đủ để bán.

'Vỗ' lợn rừng bằng chè khổng lồ ảnh 1

Chè khổng lồ được xem là thảo dược giúp đàn lợn tăng sức đề kháng và nhiều chất đạm

Cuối năm 2017, sau 5 năm đi xuất khẩu lao động, có chút vốn liếng, anh Mão đầu tư 10 con lợn rừng nái, một con lợn rừng đực làm giống, cùng hệ thống chuồng trại hơn 100 triệu đồng. Một năm sau ngày nuôi thử nghiệm, anh nhận thấy đàn lợn không bệnh tật, phát triển nhanh, phù hợp với môi trường nên đã quyết định mở rộng khu vực chăn nuôi. “Từ 10 con lợn nái, sau thời gian 5 tháng đã sinh được hơn 70 con lợn con. Ban đầu tôi cũng hơi lo lắng vì chưa có kinh nghiệm, sợ thất bại nhưng qua học hỏi từ các mô hình chăn nuôi trên mạng, tôi cũng tích lũy được kiến thức, hiểu biết để chăm đàn lợn phát triển tốt”, anh Mão chia sẻ. 

Ông Bùi Đình Cảnh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái cho biết: “Giống lợn rừng bản địa được nuôi tự nhiên trong môi trường thoáng sạch, kết hợp với thức ăn hữu cơ, đặc biệt lá chè khổng lồ chứa hàm lượng đạm cao giúp thịt ngon, thơm. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn người dân học tập mô hình phát triển kinh tế của anh Lê Văn Mão”.
 

Chàng trai 8X bật mí “bí kíp” để lợn rừng phát triển tốt, ít bệnh tật là cho ăn chè khổng lồ, sử dụng thức ăn như bã sắn, thức ăn xanh, cám gạo ủ lên men, tiêm phòng các loại vắc xin, tiêu độc khử trùng, rải vôi bột thường xuyên. Hiện, ngoài khu vực cho lợn mẹ sinh sản, anh Mão còn đầu tư thêm khu nuôi lợn thương phẩm. “Chè khổng lồ được xem như là thảo dược giúp đàn lợn tăng sức đề kháng, cung cấp thêm nhiều chất đạm. Chè khổng lồ giúp quá trình tiêu hóa của lợn tốt hơn, ít dịch bệnh”, anh nói.

'Vỗ' lợn rừng bằng chè khổng lồ ảnh 2

Đàn lợn rừng của gia đình anh Lê Văn Mão

Để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, toàn bộ chất thải từ chăn nuôi lợn rừng, anh Mão xử lý khép kín bằng hệ thống hầm biogas, vừa giúp khử mùi hôi, vừa tận dụng được khí gas để đun nấu. Anh Mão cho biết, trung bình mỗi năm lợn rừng đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 6-8 con. Khi lợn con được 2 tháng tuổi thì bắt đầu chuyển ra khu nuôi thương phẩm để chăm sóc, sau hơn một năm thì xuất bán. Giống lợn này nhỏ con, chỉ cần đạt đến trọng lượng 40kg hơi là đã có thể khai thác thịt. Hiện, lợn rừng có giá hơi 130.000-150.000 đồng/kg, lợn con làm giống từ 2-4 triệu đồng/con. Mỗi năm trừ chi phí, anh Mão thu về 300 triệu đồng.

“Để đạt độ ngon, lợn phải nuôi được trên một năm mới cho xuất chuồng. Tôi đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung, kênh tiêu thụ, đồng thời tự túc việc giết mổ, sơ chế, cung ứng thịt đến các địa chỉ đặt hàng qua điện thoại, mạng xã hội hay cơ sở, quán ăn, nhà hàng trong và ngoài địa phương”, anh Mão chia sẻ.

Theo TPO