Các đại biểu trẻ lẫn lớn tuổi nghe giải thích về âm nhạc bằng các thuật ngữ khoa học - Ảnh: C.NHẬT
Nhiều câu trả lời đã được gợi mở thông qua các buổi hòa nhạc mini tại khuôn viên Trường đại học Heidelberg (Đức) những ngày này.
“Đường đi của một nhà khoa học thực thụ cũng đầy ngọt đắng lẫn thú vị như bao lĩnh vực khác trong cuộc sống, chứ không phải lúc nào cũng khô khan. WYLDER GREEN |
"Mềm hóa" để lan tỏa tình yêu khoa học
Là một trong những sự kiện khoa học thường niên lớn nhất nước Đức, hội thảo Heidelberg Laureate Forum (HLF) 2019 tiếp tục quy tụ những tên tuổi danh tiếng hàng đầu thế giới như "cha đẻ Internet" Vinton Gray Cerf, Jeff Dean (giám đốc AI toàn cầu của Google), giáo sư Yoshua Bengio (Giải ACM A.M. Turing Award 2018), Caucher Birkar (Giải Fields Medal 2018), Martin Hairer (Giải Fields Medal 2014)... cùng hơn 200 tiến sĩ, nhà khoa học trẻ trên toàn thế giới.
Dẫu vậy, đó không phải là điều khiến HLF độc đáo. "Ở HLF, tôi được sống trong một môi trường mà khoa học được mềm hóa, thú vị và gần gũi nhất" - Dylan, một nhà khoa học trẻ từng tham dự HLF, chia sẻ.
Chẳng hạn, quay lại các chương trình hòa nhạc "mini" tại hội thảo, đó là dự án La La Lab. Dự án ra đời với tham vọng chỉ ra sự liên quan mật thiết giữa âm nhạc và khoa học, sâu xa hơn là giúp kích thích sự sáng tạo, "nâng tầm" việc tận hưởng, tư duy về vế còn lại của các cá nhân làm trong hai lĩnh vực trên. Vừa nghe những giai điệu du dương, vừa được giảng giải về các thuật toán ngày thường vốn khô khan, liệu có ai nỡ rời bước?
Rất nhiều đại biểu đã ồ lên đầy thích thú khi đọc được thông tin trên chiếc túi xinh xắn đựng hồ sơ chương trình "Xin chào, tôi là sản phẩm được tái chế từ các tấm phông được sử dụng ở các kỳ HLF trước. Cùng tôi, bạn hãy lan tỏa thông điệp này ở những nơi bạn đến". Song song đó, trên túi có thông tin về nhóm thực hiện dự án cũng như thông tin khoa học và môi trường để mọi người tiện tham khảo.
Phụ nữ và những câu chuyện truyền cảm hứng
Không chỉ dừng lại ở đó, cũng như một số hội thảo khác ở Đức, HLF tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa giúp người trẻ có thể trò chuyện, học hỏi từ nhau lẫn từ các chuyên gia đầu ngành.
Chẳng hạn, các đại biểu sẽ được cùng nhau ngồi thuyền rẽ sóng dọc dòng sông Neckar suốt buổi chiều để có thể thảo luận trong không khí cởi mở hơn, hay cùng thảo luận về AI khi tham quan lâu đài Heidelberg... Điểm chung của nhiều người làm khoa học là không giỏi giao tiếp, các hoạt động trên sẽ giúp "phá băng" khoảng cách giữa họ.
Nhận thức ra tầm quan trọng cũng như sự thiệt thòi đáng kể của nữ giới trong lĩnh vực khoa học, hội thảo HLF 2019 dành hẳn một phiên thảo luận để mọi người cùng nêu lên các vấn đề cũng như giải pháp để cải thiện bức tranh trên, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển.
Bình chọn 10/200
Các đại biểu HLF tham quan lâu đài Heidelberg kết hợp thảo luận nhóm - Ảnh: C.NHẬT Và cũng không thể không kể đến một hoạt động được nhiều người hào hứng theo dõi xuyên suốt chương trình là cuộc bình chọn "10 trên 200". Từ hơn 200 nhà khoa học trẻ, đã có 10 đại biểu được chọn giới thiệu trên trang web chương trình song song những chia sẻ về chông gai, thành quả của họ trên con đường theo đuổi đam mê. "Họ không hẳn là những người giỏi nhất nhưng những câu chuyện của họ rất khác biệt, đầy nghị lực và rất truyền cảm hứng" - Wylder Green, thành viên ban tổ chức, chia sẻ với người viết. |
Theo TTO