Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá nền giáo dục Việt Nam

(CTG) Cần xây dựng nhiều tiêu chí để đánh giá thực trạng của nền giáo dục Việt Nam, chẳng hạn như khả năng đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước và khả năng phân biệt trình độ của người học.




Giá trị của mỗi tấm bằng, chứng chỉ chính là việc nó đánh giá đúng thực lực của người học.


Đánh giá chuẩn xác thực trạng nền giáo dục Việt Nam hiện nay là một nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng rất quan trọng. Đây chính là cơ sở để xây dựng và ban hành các chính sách thích hợp, thúc đẩy sự phát triển nền giáo dục nước nhà đáp ứng với những yêu cầu và đòi hỏi mới của đất nước.

Không những thế, đây còn là cơ sở để đánh giá vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong việc quản lý và điều hành nền giáo dục Việt Nam. Đó cũng là cơ sở để xây dựng lòng tin của Đảng và Nhà nước ta trước nhân dân, trước bạn bè quốc tế.

Để làm được việc này, trước hết cần phải xây dựng hệ thống các tiêu chí khác nhau để đánh giá, trong đó cần chú ý tới một số tiêu chí cơ bản.

Khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Mục đích cao đẹp nhất của nền giáo dục Việt Nam đã được khẳng định trong Luật giáo dục do Quốc hội thông qua năm 2005 là ‘‘đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.’’

Từ mục tiêu này, có thể xác định một trong những tiêu chí đánh giá thực trạng nền giáo dục Việt Nam là khả năng đáp ứng được các yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đây là một cái nhìn biện chứng và có tính lịch sử cụ thể, khắc phục tình trạng xem xét, đánh giá một cách phiến diện, hình thức.

Nếu xem xét trên các khía cạnh: Mức độ đa dạng hóa về loại hình trường và mức độ hoàn thiện trong quy hoạch mạng lưới hệ thống trường học; Quy mô đào tạo của nền giáo dục; Mức độ hoàn thiện của cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo và hình thức đào tạo; Chất lượng giáo dục; Hợp tác quốc tế; Trình độ quản lý hệ thống giáo dục đại học...thì nền giáo dục Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc so với các thế hệ trược đây.

Tuy nhiên, nếu so sánh sự tiến bộ trên đây với việc giá tăng các yêu cầu mới mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra thì vẫn chưa tương xứng. Yêu cầu ngày một cao hơn, còn các thành tựu có tăng nhưng lại tăng chậm hơn.

Thứ hai, khả năng phân biệt một cách chuẩn xác trình độ của người học.

Một nền giáo dục hoàn thiện là một nền giáo dục cho mọi người và mọi đối tượng. Tuy nhiên, mỗi người, mỗi đối tượng lại theo học những ngành nghề, những cấp bấc, trình độ khác nhau, hơn nữa, mỗi người học lại có khả năng và điều kiện khác nhau để lĩnh hội kiến thức. Chính vì vậy, người học sẽ khác nhau về trình độ, tay nghề, nghề nghiệp.

Một nền giáo dục hoàn thiện khi nó đánh giá đúng, chuẩn xác trình độ và tay nghề của từng người đó. Đây chính là cơ sở để xã hội lựa chọn đúng người, đúng đối tượng vào từng công việc khác nhau. Đồng thời là cơ sở để xây dựng các chính sách giáo dục cho các đối tượng trên.

Thực tế, giá trị của mỗi tấm bằng, chứng chỉ chính là việc nó đánh giá đúng thực lực của người học. Theo pháp luật Việt Nam, đào tạo tại chức và đào tạo chính quy có giá trị như nhau. Người tốt nghiệp đại học tại chức và chính quy sẽ có những trình độ tương đương nhau.

Tuy nhiên, không phải là không có lý khi một số đơn vị không muốn tuyển dụng những người có bằng đại học tại chức mà họ chỉ muốn tuyển những người có bằng chính quy, vì họ thiếu tin tưởng vào chất lượng đào tạo tại chức.

Đối với bậc học phổ thông trung học, chúng ta vẫn thường thấy các trường ở vùng sâu, vùng xa nhiều khi lại có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn ở thành phố. Điều này cũng cho thấy sự đánh giá chưa chuẩn xác của nền giáo dục Việt Nam. Bởi nếu so sánh mặt bằng chung thì người ở thành phố có nhiều điều kiện hơn để học tập, và đượng nhiên mặt bằng trình độ của người thành thị sẽ chắc chắn cao hơn vùng sâu vùng sa.

Việc nhiều nước trên thế giới không thừa nhận đa số các loại văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam cũng là một minh chứng cụ thể. Không chỉ đơn thuần là do trình độ của người học Việt Nam kém mà ở đây các loại bằng cấp, chứng chỉ của chúng ta không đánh giá đúng khả năng của người học.

Việc đánh giá chuẩn xác thực trạng của một nền giáo dục là một công việc khó khăn và phức tạp. Có rất nhiều các tiêu chí khác nhau để đánh giá. Trên phương diện quy mô đào tạo, trình độ chung của người được đào tạo, cơ sở vật chất đào tạo, trình độ đội ngũ quản lý đào tạo thì chúng ta thấy giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ.

Vì vậy cần xây dựng hệ thống các tiêu chí cụ thể để phản ánh chuẩn xác hơn, thực chất hơn nền giáo dục nước nhà.


Theo Chính Phủ