Cô Hòa là một giáo viên đến với ngành sư phạm ban đầu không phải vì đam mê hay yêu nghề gõ đầu trẻ. Nhà cô không có ai làm nghề giáo mà xuất thân là bần nông. Ngày đăng ký hồ sơ thi đại học, bạn bè cô đứa thì kĩ sư, đứa thì bác sĩ, kế toán,…còn cô thì chọn nghề sư phạm, vì đơn giản: ngành sư phạm được miễn học phí. Có thể nói, do điều kiện gia đình không cho phép, cô chọn một trường có chất lượng nhưng phải ở nơi có điều kiện sống thấp và mức bình dân để học, đó là Sư phạm Huế. Sau 4 năm tốt nghiệp, cô vẫn chưa thấy yêu nghề giáo viên tiểu học. May mắn không bị thất nghiệp khi ra trường đúng năm thiếu nhiều giáo viên ở những trường vùng sâu, cô được phân công ngay về trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lê Văn Tám, xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Cô Hòa tâm sự: “Tháng 8 âm lịch, mùa mưa, mưa ngập đường ngập lối. Vượt qua bao nhiêu lớp rừng lớp núi, chiếc xe wave cà tàng bò qua đường đá rồi đường dốc gần 1 tiếng rưỡi vẫn chưa đến được trường vì tôi gặp một quãng lầy ở làng Tleng, đầu xã Krong. Xe không nhích được, tôi tiến không được, lùi cũng không xong. Đập vào mắt tôi là hai bạn nhỏ loắt choắt, đen nhẻm khoảng lớp 3 đang đi bắt cá. Thấy tôi, hai bạn chạy lại đẩy xe giúp. Hình ảnh đẹp đến nỗi mãi về sau tôi cũng không quên được đôi mắt long lanh hồn nhiên ấy”.
Vừa là cô giáo, vừa là "mẹ hiền", cô Trần Thị Kim Hòa chăm sóc cho "đàn con nhỏ" ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lê Văn Tám
Những ngày đầu tiên đi dạy, cô thực sự vỡ mộng với những gì mình tưởng tượng khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Cô tưởng tượng nào là học sinh mặc đồng phục áo trắng quần xanh, khuôn mặt sạch sẽ; nào là lớp học khang trang, đầy đủ thiết bị ti vi thông minh như hồi thực tập; nào là áo dài thướt tha giày cao gót tung tăng sân trường. Nhưng không! Không có những thứ như thiên đường ở một xã vùng 3 khó khăn nhất của huyện. Nơi mái trường có đến 96% học sinh là người dân tộc Ba Na, cách trung tâm huyện hơn 40km đường đất đá, ổ gà với nhiều điểm lẻ. Nhà nào cũng đẻ một đàn con nheo nhóc chung sống trong gian nhà sàn chật chội. Người dân còn đói cơm, thiếu áo thì lo sao nổi chất lượng giáo dục. Những học sinh của cô áo quần rách rưới, nhàu nhĩ; khuôn mặt nhem nhuốc, chân cứng hơn đá sỏi nhưng nhìn em nào cũng đáng yêu, ánh mắt ngây thơ sáng vô cùng. Cô không giao tiếp được với các em bằng tiếng phổ thông, học sinh không nghe hiểu cô nói gì vì các em nói với nhau bằng tiếng địa phương. Lúc đó cô cảm thấy rất nản lòng, chỉ muốn về nhà trước nhiều khó khăn chồng chất khó khăn với cái nghề mình đang đi. Lớp học của cô không có ti vi, thậm chí không có điện. Ngày mưa thì thiếu ánh sáng, ngày nắng thì dư mồ hôi thiếu gió. Học sinh ngồi học mà mồ hôi chảy thòng lòng.
Ngày ngày cô mang dép lê, áo sơ mi quần tây cũ màu, trang phục không quá lệch tông với trẻ làng, để vào nhà gọi học sinh ra lớp. Có hôm đi kiếm cá ăn cùng học sinh để chờ các em ra lớp, có ngày mang cả chai dầu gội tranh thủ giờ ra chơi đi xuống suối tắm cho cả lớp. Cứ như thế trong nhiều năm, với những buổi sáng mưa tầm tã từ nhà đến làng ướt như chuột lột, bao mùa đông lạnh giá vào đến làng, mặt tím tái nhưng nhìn học sinh đến lớp thì mùa đông không còn lạnh nữa.
Cô Hòa đồng hành cùng học sinh tham gia Hội thi Giao lưu tiếng Việt
Bao lứa học sinh của cô đọc thông viết thạo từ những buổi phải cõng em trên vai để trông em ngủ cho mẹ đi làm. Cô phải học tiếng địa phương, hiện tại cũng đã nghe và hiểu được ngôn ngữ các em sử dụng. Vì cô hiểu cô và trò phải giao tiếp được với nhau thì mới có thể dạy và học.
Tháng 7/2014, trường cô chuyển mô hình trường bán trú. Nhà trường tạo mọi điều kiện để học sinh được ăn ở tại trường như nội trú. Phòng học được xây thêm, thư viện thân thiện ngoài trời được các thầy cô và phụ huynh kiến tạo là mái nhà sàn thân thuộc với học sinh.
Các em không phải đi lại hàng ngày nữa mà ở trường đến cuối tuần về nhà. Mô hình bán trú quả là lý tưởng để học sinh vừa có thể học tập, vừa sinh hoạt ngoại khoá cũng như hình thành phát triển các kỹ năng sống. Cô và các đồng nghiệp dạy cho các em tắm giặt, đánh răng rửa mặt, gấp chăn màn quần áo. “Ở đây, chúng tôi là cha mẹ, các em là những đứa con thơ đúng nghĩa, các con không chỉ học chữ học nết mà còn học ăn học ở. Tự nhiên đi theo nghề giáo nhưng chúng tôi kiêm luôn cả thợ may, thợ cắt tóc. Vâng, bảo sao tôi lại không yêu nghề của mình cơ chứ? Học tập và sinh hoạt cùng nhau, được nói chuyện với bạn bè, với thầy cô, các bạn nhỏ dần thông thạo tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt thành phương tiện giao tiếp chính. Giờ đây, khi nghe các em nói chuyện với mình bằng tiếng Việt, tôi yêu các bạn ấy nhiều lắm!” - cô Hòa xúc động chia sẻ.
Vì đường xa, cô ở lại trường nhiều hơn để cùng các em chăm lo sự nghiệp trồng người. Cô có 2 con nhỏ, hằng ngày cô phải đi đi về về gần 90 km để vừa dạy, vừa trở về nhà lo cho gia đình vì chồng cô hay đi công tác xa. Những hôm ở lại trường cùng học sinh, các con cô phải mang gửi người thân nhưng cô chưa bao giờ nản lòng với công việc. Học sinh trường cô ở trên các chòi rẫy xa xôi nên giáo viên phải băng rừng vượt suối để “bắt” các em về trường học tập hoặc vận động phụ huynh chở con em ra lớp.
Cũng có những cung đường huyền thoại mà chỉ có chiếc xe chuyên dụng mới dám đi bắt học sinh. Cảnh đẹp đó, trời xanh mây trắng đó! Nhưng đi qua đó thì tim gan nhảy múa luôn. Thế mà bao lứa học trò đã từng ngồi trên chiếc xe gỗ này để học cái chữ.
Cứ chiều chủ nhật là cô và đồng nghiệp lại vào làng để gọi học sinh. Mùa mưa lũ, các em trốn học nhiều. Các thầy cô phải vượt qua những con suối để cõng hoặc dẫn các em đi.
“Có những hôm đi bộ mấy chục cây số từ làng đến khu chòi rẫy chỉ để tìm cho được một em học sinh. Nhiều lúc nghĩ nếu bắt được em đó sẽ nạt và cho ăn roi vì trốn học. Nhưng khi nhìn thấy em học sinh đó đang cặm cụi bắt cá kiếm miếng ăn, chân khựng lại, sao thương đến lạ! Nhìn thấy các em từng đàn cùng nhau đi bộ về trường để học tập sinh hoạt, giáo viên chúng tôi vui sướng vô cùng! Nỗi lòng người giáo viên công tác ở vùng sâu là như thế: chỉ cần các em chịu đi học, mong được nhìn các em học sinh ở nơi vùng rừng núi xa xôi vui chơi, mong các em được học tập với những điều kiện tốt nhất có thể, được ăn no, mặc ấm,…nhìn các em, chúng tôi thực sự thấy cuộc đời thật đáng để mình cống hiến.” - cô Hòa chia sẻ.
Chẳng biết lòng yêu nghề của cô được hình thành từ ngày nào tháng nào năm nào. Nhưng hiện tại được đứng trên bục giảng, được ngày ngày nhìn thấy học sinh là niềm vui sống của cô. Bạn bè cô dạy ở vùng thuận lợi, ngày Tết, Ngày lễ 20/11, họ mở cổng đón học sinh đến nhà, rồi nào hoa tươi, nào quà cáp. Còn cô thì đóng cửa để không ai thấy mình, hàng xóm sẽ không hỏi cô: “Cô Hoà năm nay có học sinh đến nhà thăm không?”. “Tôi có chạnh lòng không? Không nhé! Họ không biết học sinh tôi đã dành cho tôi những gì đâu. Tôi sẽ không kể họ nghe những bó hoa rừng các em tặng tôi đẹp như thế nào? Những bài hát các em tặng tôi hay đến làm sao?... À, tôi cũng không kể cho ai nghe ngày lễ tết, chúng tôi đã chuẩn bị cho học sinh nơi đây những gì. Đó là những ngày gói bánh đến gãy lưng, những đêm thức khuya giữ lửa bên bếp hồng, lo cho các em được ăn tết như người ta. Yêu lắm, thương lắm khi các em được cầm trên tay những chiếc bánh thầy cô tặng để về nhà ăn tết với gia đình. Những lúc ấy, tôi mới thấm thía câu “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” - cô Hòa xúc động tâm sự.
Cô Hòa (phải) đạt giải trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm học 2020 - 2021
Công tác ở vùng sâu nhưng cô luôn nhận thức rõ tinh thần đổi mới của phương pháp dạy học một cách có hệ thống, về quan điểm dạy học lấy học sinh làm trung tâm, tạo cơ hội tới mức tối đa để học sinh được tham gia tích cực vào quá trình hoạt động trên lớp theo năng lực. Cô và đồng nghiệp luôn làm việc hết công suất để chất lượng giáo dục vùng sâu gần với vùng thuận lợi. Tuy nhiên, trong hai năm học 2019-2020 và 2020-2021, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19, khi dịch bệnh bắt đầu diễn biến phức tạp, học sinh ở các xã vùng 3 như trường của cô bị bỏ lỡ và gián đoạn nhiều kiến thức vì thời gian nghỉ học kéo dài, không có điều kiện dạy trực tuyến. Phụ huynh cũng không có ti vi hay điện thoại thông minh để cập nhật thông tin kịp thời. Chất lượng cuối năm bị ảnh hưởng nên đầu năm học mới giáo viên rất vất vả.
Trong nhiều năm liền, cô được nhà trường phân công dạy lớp 1. Cô hiểu dạy chữ cho học sinh dân tộc thiểu số luôn là một quá trình gian nan đối với giáo viên. Đặc biệt là đối tượng học sinh lớp 1, cô gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy các em đọc viết đúng. Trong lớp của cô, trình độ học sinh chênh lệch nhau. Có những buổi học, cô xoay với 32 bạn học sinh đến chóng mặt, không có nhiều thời gian để quan tâm tới từng em. Để nhớ được mặt chữ chỉ có thể cho các em đọc đi đọc lại nhiều bài đọc nhưng phải tránh gây nhàm chán. Vì vậy, cô phải có biện pháp giúp học sinh học với niềm thích thú và say mê. Mỗi năm học cô lại sử dụng một hoặc nhiều biện pháp giáo dục khác nhau để thay đổi thực trạng giáo dục dân tộc và nâng cao chất lượng như: Sử dụng trò chơi học tập trong phân môn Học vần; Sử dụng phiếu bài tập chia câu, đoạn theo trình độ cá nhân trong một số giờ tập đọc; Sử dụng trò chơi, tranh ảnh, vật thật,... trong phân môn Học vần và Tập đọc; Sử dụng trò chơi học tập Ghép tranh với từ theo nhóm đôi trong phân môn Học vần,…Mỗi biện pháp cô đều rất tâm huyết và thực hiện đạt nhiều kết quả tốt. Nhưng có một biện pháp cô rất thích làm, làm nhiều năm, năm sau đạt kết quả cao hơn năm trước. Cô luôn trăn trở làm sao để học sinh dân tộc của mình có thể đọc trơn Tiếng Việt, nghe hiểu và giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt chứ không phải tiếng mẹ đẻ. Từ năm học 2017-2018, với sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang tỉnh Gia Lai, truyện tranh được đưa vào dạy học như một tiết tăng cường Tiếng Việt. Nhờ sự kêu gọi của lãnh đạo, nguồn truyện được gửi về cho các trường từ những nhà hảo tâm, đặc biệt là những trường vùng sâu như trường cô. Từ đó, kho tàng truyện ở thư viện để học sinh khám phá vô cùng phong phú. Học sinh trường cô được tiếp cận với truyện tranh ngay từ lớp 1.
Cô bắt đầu áp dụng biện pháp “Sử dụng truyện tranh nhằm thúc đẩy khả năng trơn cho học sinh lớp 1A trường PTDTBT TH Lê Văn Tám” từ năm học 2019-2020.
Ngay từ đầu năm học bản thân đã đầu tư nghiên cứu, tìm tòi và sử dụng truyện tranh vào quá trình dạy học. Vừa dạy đọc trong sách giáo khoa, vừa đưa truyện tranh vào các tiết luyện đọc để học sinh có thể đọc nhanh và hiểu nhanh tiếng Việt. Cô đã thực hiện hiệu quả biện pháp giáo dục này và vẫn sẽ áp dụng biện pháp giáo dục này trong năm học mới. Hầu như 95 % các lớp từ khối 1 đến khối 5 ở trường cô đều đưa truyện tranh vào quá trình học tập. Năm học 2020-2021 khi tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai tổ chức, cô đã thuyết trình biện pháp giáo dục trên và đạt thành tích cao đó là giải Xuất sắc trên tổng số 214 giáo viên toàn tỉnh dự thi. Cuối năm học, học sinh lớp cô đọc nhanh và tiến bộ rất nhiều, đặc biệt là môn Tiếng Việt.
Giờ đây, khi đi dạo sân trường hay vòng qua thư viện thân thiện ngoài trời, cô có thể bắt gặp những hình ảnh đẹp như: Các bạn nhỏ ngồi cùng nhau, đọc cho nhau những quyển truyện tranh, cô giáo ngồi kể chuyện và học sinh ngồi xung quanh.
Từ việc đưa truyện tranh vào lớp học thì hiện tại truyện tranh đã lan tỏa khắp các môi trường, ở lớp, ở nhà. Nền tảng của văn hoá đọc nhà trường được xây dựng từ đây. Ai bảo học sinh vùng sâu vùng xa không thể đọc truyện tranh thì phải về trường cô mới tận mắt chứng kiến chuyện khó tin nhưng có thật này. Thật sự truyện tranh đã trở thành một học liệu không thể thiếu ở trường PTDTBT TH Lê Văn Tám, xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Là một giáo viên trẻ, bản thân cô luôn dùng hết sự nhiệt huyết và tuổi trẻ để cống hiến cho nhà trường, nhiệt tình với các phong trào. Với rất nhiều khó khăn trước mắt nhưng cô tin, có tâm ắt có tầm. Nếu có ai hỏi cô rằng, cô có tiếc tuổi trẻ của mình qua đi ở nơi rừng núi sâu xa này không? Thì cô sẽ trả lời “Không”. Chỉ cần mình cống hiến và cố gắng hết khả năng thì dù làm việc ở nơi nào, thanh xuân của mình cũng là đẹp nhất.
Không chỉ có cô, mà những đồng nghiệp của cô tại ngôi trường PTDTBT TH Lê Văn Tám vẫn đang nỗ lực hằng ngày để cõng con chữ lên khắp các bản làng. Họ cũng đã trải qua tuổi thanh xuân mấy chục năm nơi vùng xa xã Krong huyện Kbang ấy. Có những anh chị công tác nơi đây đã 20, 25 năm. Thế nhưng họ vẫn cặm cụi ngày đêm gieo con chữ đến từng nhà rẫy xa nhất. Đối với cô, họ là những người thầy, người cô dạy cho cô những bước đi chập chững khi mới vào nghề. Với cô, chỉ cần luôn tâm huyết, có niềm tin vào sự thay đổi của giáo dục thì mọi khó khăn trước mắt cũng như sau này, cô, đồng nghiệp của cô và học trò sẽ cùng nhau vượt qua.
Nhờ những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục tại địa phương, cô Hòa vinh dự đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; “Giáo viên dạy giỏi cấp huyện”; “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh”, có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, hoạt động và xây dựng tổ chức Công đoàn. Đặc biệt, cô Hòa vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm. Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19. |