"Dễ tìm lắm. Cứ đi thêm khoảng 200m nữa, khi nào thấy cái xưởng bên cạnh đường, tiếng máy may kêu rào rào thì đó chính là xưởng của Thành. Dân xã này toàn gọi nó là Thành “may” vì xưởng may của nó tạo được nhiều việc cho người nhân dân trong xã” - Đó là lời hướng dẫn của người dân khi tôi tìm hỏi thăm đến xưởng may của anh Thành. Lời nói quả chẳng sai chút nào, 2 khu xưởng sản xuất khang trang với diện tích vài trăm m2, cùng những chiếc máy may mới “cứng”, đang được những người “công nhân nông dân” điều khiển thật điêu luyện. Vừa thăm quan nhà xưởng Thành vừa tâm sự, mỗi người một cách làm giàu, nhưng với em không gì bằng chọn nơi mình “chôn rau cắt rốn” để khởi nghiệp. Đất quê rất giàu tiềm năng, chẳng qua mọi người chưa biết cách khai thác nên cứ chấp nhận mãi cái đói, cái nghèo!.
|
Chẳng biết có phải vì ý nghĩ như vậy mà thời gian đầu Thành bị mọi người cho là bị “dở” khi có trong tay tấm bằng tốt nghiệp của trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội và Đại học Kinh tế quốc dân; người ta đi học Đại học để thành “ông nọ, bà kia” với công việc nhàn hạ, bám trụ lại thành phố, chỉ có “dở người” mới chọn quê làm nơi khởi nghiệp. Lúc đó đến ngay bố mẹ cũng không ủng hộ cách làm của em, phần vì chưa tin tưởng, phần vì còn nhiều người nói ra, nói vào - Thành chia sẻ.
Không nhận được sự tin tưởng của mọi người Thành quyết định đi làm cho công ty may xuất khẩu. Trong thời gian này Thành nảy sinh ý tưởng sẽ mở xưởng may ở quê để tạo việc làm cho người dân trong thôn, trong xã. Tuy không làm việc ở bộ phận sản xuất nhưng mình luôn chú ý quan sát nhiều công đoạn khác nhau để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Có hôm Thành đứng cả giờ đồng hồ nhìn công nhân làm việc, và để xem cách làm của họ ở từng công đoạn ra sao?
Sau khi học “lỏm” được chút kiến thức về may mặc, cuối năm 2008 Thành quyết định bỏ công ty, về làng mở xưởng. Thấy con là người có trí lại quyết tâm, bố mẹ đồng ý cho Thành mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến ngân hàng vay vốn mở xưởng. Số vốn vay ngân hàng, cộng với vay bạn bè anh chỉ đủ mua được 5 chiếc máy may. Thời gian đầu mở xưởng là giai đoạn hết sức khó khăn, xưởng nhỏ, máy ít, chẳng ai yên tâm khi đặt đơn hàng với một xưởng “miệng vẫn còn hơi sữa”. Thời gian này Thành phải ra các chợ lớn tại trung tâm thành phố tìm những mối hàng may bán chợ để tìm và duy trì công việc cho xưởng. Thời kỳ đó để bảo đảm giao hàng đúng hạn có những ngày anh cùng công nhân làm việc suốt đêm, đến 4 -5 giờ sáng lại chở quần áo ra thành phố giao cho mối để kịp phiên chợ. Với sự kiên trì, cùng với chất lượng may ngày một nâng cao những đơn hàng của xưởng ngày càng thêm nhiều, thời gian đầu xưởng chỉ nhận được nhữn đơn hàng chợ đến nay xưởng chủ yếu làm những đơn hàng xuất khẩu sáng Nhật Bản, EU. Từ chỗ chỉ có 5 máy hiện xưởng có hơn 60 máy may, chưa kể hàng chục máy may anh đầu tư cho công nhân mang về nhà tự làm; xưởng may của anh tạo được việc làm cho hơn 100 lao động, tất cả đều là những “công nhân nông dân” chính gốc với thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/ người/tháng. Bên cạnh xưởng may, hiện anh Thành tiếp tục đầu tư xây dựng xưởng sản xuất giày da và bắt đầu đi vào hoạt động.
Không chỉ quan tâm đến vấn đề sản xuất, hàng năm còn phối hợp với trường Trung cấp nghề khuyết tật Kiến An mở lớp dạy nghề ngay tại xưởng thời gian học trong 3 tháng cho nông dân và những người khuyết tật kém may mắn trong xã hội. Thành cho biết, do là lớp học miễn phí nên người đến học rất đông, có những buổi xưởng không đủ chỗ ngồi phải chuyển lớp học ra hội trường UBND xã. Đối với những người khuyết tật sau khi học xong khóa học Thành đều tạo điều kiện để họ được làm việc tại xưởng, những người đi lại khó khăn anh còn mua máy đưa đến tận nhà để giúp họ có việc làm tự nuôi sống bản thân.
Làm ăn có hiệu quả, mô hình sản xuất của Thành được thanh niên nhiều nơi trong thành phố và các tỉnh lân cận như Hải Dương, Thái Bình đến học hỏi kinh nghiệm. Anh tâm sự, giúp được một người làm giàu chính đáng cũng là giúp đất nước càng thêm giàu mạnh, mình chẳng giấu điều gì, biết đến đâu, có kinh nghiệm gì mình đều chia sẻ với mọi người, biết đâu mai này mọi người lại trở thành những ông chủ lớn, thành những bạn hàng của mình- Thành lạc quan. Không chỉ sản xuất giỏi Thành còn là cán bộ đoàn nhiệt tình tham gia công tác đoàn của địa phương với vai trò là Phó Bí thư chi đoàn.
Mạnh Cường |