Bác bỏ luận điệu phủ nhận công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

(CTG) Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện những ý kiến của thế lực thù địch, cơ hội chính trị cho rằng, chỉ có kinh tế thị trường (KTTT) tư bản chủ nghĩa (TBCN) mới bảo đảm công bằng xã hội, còn với chủ nghĩa xã hội (CNXH) chỉ có sự “bình quân, cào bằng” và “bất công xã hội”. Từ đó, họ ra sức phủ nhận nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam. Đây là luận điệu xuyên tạc sai trái cần đấu tranh bác bỏ.

Nhận rõ bản chất “công bằng xã hội” trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa

Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, công bằng xã hội xét đến cùng lệ thuộc vào quan hệ sở hữu. Hay nói cách khác, công bằng trong quan hệ sở hữu là nền tảng của công bằng xã hội. Các nhà kinh điển mác-xít đã bóc trần bản chất của cái gọi là công bằng xã hội trong phương thức sản xuất TBCN. Thực chất, đó là thứ công bằng chỉ dành cho số ít người nắm trong tay quyền chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất trong xã hội tư bản.

Xã hội TBCN dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, nghĩa là nó chứa đựng và xác lập địa vị thống trị của quan hệ bất bình đẳng về sở hữu tư liệu sản xuất, đương nhiên dẫn đến bất bình đẳng trong phân phối các nguồn lực “đầu vào” và thành quả “đầu ra” của quá trình phát triển. Nó không thể tiến tới sự bảo đảm cho công bằng xã hội đúng nghĩa.

Lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản (CNTB) cũng như tiến trình giải quyết các cuộc khủng hoảng dưới chế độ TBCN cho thấy, phát triển KTTT TBCN luôn gắn liền với quản lý, điều hành, thậm chí sự can thiệp thô bạo của nhà nước tư sản vào các quá trình kinh tế, để bảo đảm cho thực hiện các mục tiêu tối thượng là thỏa mãn lợi ích của nhà tư bản và lợi ích của giai cấp tư sản.

Bác bỏ luận điệu phủ nhận công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
Ảnh minh họa: TTXVN 

Trong những thập niên đầu thế kỷ 21, CNTB đã có những điều chỉnh, thích nghi thông qua thực hiện một số thay đổi trong chế độ sở hữu, tổ chức quản lý sản xuất và phân phối thông qua các quỹ phúc lợi xã hội. Từ đó đã xuất hiện quá trình hữu sản hóa giai cấp lao động làm thuê, xuất hiện một số hình thức tổ chức quản lý và phân phối mới. Sự điều chỉnh, thích nghi đó đã làm xuất hiện những vấn đề mới về phương diện lý luận cũng như thực tiễn mà Chủ nghĩa Mác-Lênin do những điều kiện lịch sử nên chưa thể đề cập tới một cách đầy đủ và toàn diện. Từ đó đã làm cho một số người lầm tưởng rằng CNTB không còn bóc lột, đã thay đổi bản chất; rằng CNTB sẽ tự động phát triển lên CNXH.

Tuy nhiên, giới hạn của sự biến đổi thích nghi của CNTB không thể vượt qua chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Trước sức ép từ đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã buộc nhà tư bản phải chuyển hóa tư bản tư nhân thành tư bản tập thể, hình thành những công ty cổ phần. Đây là cách thức nhằm huy động vốn, tạo nên sự tích tụ, tập trung tư bản, giúp nhà tư bản giành lợi thế trong cạnh tranh. Nó cho phép một số người lao động có tiền nhàn rỗi có thể đầu tư vào sản xuất thông qua cổ phần, cổ phiếu và thu lợi tức, cổ tức. Nhưng điều đó không thể thủ tiêu lợi nhuận mà nhà tư bản thu được qua bóc lột giá trị thặng dư. Bởi trên thực tế, giai cấp công nhân, những người lao động chỉ chiếm giữ một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ lượng cổ phần, cổ phiếu. Do vậy, những điều chỉnh và thích nghi không làm thay đổi bản chất bóc lột, bất công của CNTB.

Bản chất của các nền chính trị TBCN theo công thức “dân chủ tự do” phương Tây, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra, là nền dân chủ bảo vệ địa vị, lợi ích cho thiểu số giai cấp tư sản. Ở đó, “một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội... Sự rêu rao bình đẳng về quyền, nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất”(1). Xét đến cùng, những bất công trong xã hội tư bản ngày càng gia tăng chính là hệ quả xấu từ sự phát triển của phương thức sản xuất và chế độ chính trị TBCN.

Công bằng xã hội ở Việt Nam là “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Trung thành và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng ta đã có sự phát triển lý luận về mô hình phát triển KTTT định hướng XHCN để hướng tới mục tiêu của CNXH, trong đó có bảo đảm công bằng xã hội. Đảng ta khẳng định, thực hiện công bằng xã hội không chỉ dừng lại ở mục tiêu hướng đến mà còn trở thành động lực, tức là thành tố nội tại của phát triển kinh tế, để mỗi bước phát triển kinh tế là một bước thực hiện công bằng xã hội. Đó là nét đặc sắc, ưu việt của chế độ kinh tế mà nước ta đang xây dựng.

Sở dĩ phải định hướng XHCN trong nền KTTT, bởi KTTT chỉ góp phần thực hiện công bằng xã hội trong giới hạn của các quy luật thị trường, thực hiện phân chia lợi nhuận dựa trên lao động, hiệu quả kinh tế và mức góp vốn. Theo đó, người đóng góp nhiều thì hưởng nhiều, đóng góp ít thì hưởng ít. Tự thân KTTT không thể giải quyết triệt để những vấn đề bất công bằng xã hội. Để khắc phục những “thất bại” của thị trường trong việc thực hiện các mục tiêu công bằng xã hội, “bàn tay vô hình” của KTTT tất yếu phải gắn với “bàn tay hữu hình” của nhà nước. Hay nói cách khác, ở Việt Nam, KTTT định hướng XHCN là tất yếu để có thể phát huy mặt ưu điểm, khắc phục được mặt hạn chế của KTTT trong thực hiện mục tiêu công bằng xã hội.

Để thực hiện tốt công bằng xã hội, Đảng ta chỉ rõ điều kiện căn bản là phải bảo đảm công bằng trong phân phối. Theo đó, thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Như vậy là vừa thực hiện phân phối theo quy luật KTTT, vừa thực hiện phân phối theo phúc lợi xã hội và an sinh xã hội nhằm bảo đảm công bằng xã hội. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn (KTTT) chính là nhằm mục đích tôn trọng quy luật kinh tế khách quan, giải phóng sức sản xuất, khơi mở, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo và năng lực chủ quan của mỗi con người. Đồng thời và cùng với đó, thực hiện phân phối thông qua các nguồn lực khác và thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội (định hướng XHCN) nhằm bảo đảm mức bình đẳng có thể cho những nhóm người dễ bị tổn thương và yếu thế trong xã hội.

Cách thức phân phối theo các nguồn lực khác thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội khắc phục được những điểm yếu cốt tử của KTTT, nắn KTTT phục vụ các mục tiêu của CNXH. Đó cũng là phương thức để vừa phát triển kinh tế mạnh mẽ, vừa “giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân”(2) bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, phòng ngừa xu hướng tự phát chệch quỹ đạo phát triển kinh tế. Có như vậy mới bảo đảm được tính thực tiễn và bền vững của chính sách phát triển kinh tế-xã hội, phát triển kinh tế và công bằng xã hội mới được thực hiện đúng nghĩa.

Hiện nay, Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia điển hình về giảm nghèo đa chiều bền vững, đầu tư hiệu quả cho phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, việc làm, xây dựng môi trường sinh thái, cải thiện an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội, không những làm cho kinh tế phát triển mà còn bảo đảm thực hiện tốt công bằng xã hội. Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu nghị quyết đề ra. Trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn; 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo từ gần 60% vào năm 1986 giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2022; tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người tăng từ 86USD năm 1986 lên 4.110USD năm 2022. Người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, như về nhà ở, đến năm 2020, Nhà nước đã hỗ trợ chỗ ở cho 648.000 hộ nghèo nông thôn, 323.000 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Trong 3 năm phòng, chống dịch Covid-19 (2020-2022), Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương đã hỗ trợ với số tiền hơn 120.000 tỷ đồng và trên 200.000 tấn gạo hỗ trợ cho hơn 68 triệu lượt người dân, người lao động gặp khó khăn. Hiện có trên 1,2 triệu người có công và thân nhân đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng; 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình trên địa bàn. 

Liên hợp quốc cũng đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu thiên niên kỷ. Những thành tựu đạt được đã khẳng định bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ xã hội XHCN mà chúng ta đang xây dựng. Đảng, Nhà nước ta nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời là người trực tiếp được thụ hưởng những thành quả phát triển kinh tế-xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Để bảo đảm công bằng xã hội trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIII tiếp tục chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với thực hiện công bằng xã hội; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Tập trung hoàn thiện quan hệ phân phối, khuyến khích làm giàu chính đáng, thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội đúng đắn, tạo động lực mạnh mẽ phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của con người. Bảo đảm tính thực tiễn và tính ổn định, tính bền vững, phù hợp của chính sách xã hội, tạo địa bàn và nguồn lực thuận lợi cho kinh tế phát triển. 

Tựu trung lại, nhận thức về công bằng xã hội trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay cần có quan điểm khách quan, cái nhìn lịch sử, cụ thể trong đánh giá, không mắc vào cái nhìn phiến diện, méo mó, lệch lạc và các mưu đồ chính trị của các nhà “dân chủ”, “nhân quyền”, những người "mượn" cớ đấu tranh cho công bằng, tiến bộ xã hội nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Chỉ có trên quan điểm như vậy mới có thể so sánh, đánh giá thành tựu, khẳng định tính ưu việt trong phát triển, tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội ở nước ta hiện nay.

-----------

(1) Nguyễn Phú Trọng, "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.21.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, "Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII", Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.148.

Trung tá, TS ĐỖ THANH HẢI (Khoa Triết học Mác-Lênin, Học viện Chính trị)

Theo QDND