Càng ý nghĩa hơn khi số cam được các bạn thu mua "giải cứu" giúp nông dân miền núi Hà Tĩnh, Nghệ An đang điêu đứng vì không có đầu ra do ảnh hưởng dịch bệnh.
"Giải cứu" nông dân, tiếp sức tuyến đầu
Sau một tháng dang nắng, đội sương "giải cứu" hơn 160 tấn cam, lấy lợi nhuận xây nhà tình nghĩa, các thành viên trong câu lạc bộ Bếp Cơm Vạn Tình ở Đà Nẵng lại lao vào "chiến dịch tiếp sức nước cam" cho tuyến đầu chống dịch. Hơn 2 tấn cam cuối mùa được các bạn mua của nông dân với giá cao hơn gấp nhiều lần thương lái.
Mặc cái nắng oi bức của tháng 3 miền Trung, chị Bích Thuận (26 tuổi) cùng anh Nguyễn Nhật Lý (27 tuổi) hì hụi cắt, vắt những quả cam mọng nước. Hai bạn trẻ chia sẻ: "Nhiều hôm anh em vắt cam tay mỏi rã rời, nhưng ai cũng vui cả. Cứ nghĩ những chai nước cam mình làm sẽ đến tay người nhận họ vui, mình cũng quên mệt".
Bích Thuận cười xòa: "So với các anh công an đứng dầm mình giữa nắng, hay các bác sĩ đang làm việc trong môi trường nguy hiểm quên bản thân, chút công sức của chúng mình không gì to tát. Một người góp một tay chỉ mong họ có thêm sức đề kháng tốt và cảm nhận được vẫn có mọi người đang khích lệ, động viên".
Hơn 20 thành viên của nhóm mỗi người một công việc khác nhau, thời gian rảnh cũng khác nhau. Lý làm lái xe, ngoài giờ làm anh tức tốc chạy đến điểm tập kết để cùng anh chị em vắt cam, đóng chai mang đến các điểm cách ly. Thuận cũng cắt phần thời gian vốn để nghỉ ngơi của mình cùng kêu gọi thêm các tình nguyện viên tham gia chiến dịch.
Chúng tôi không đơn độc
Một trưa tháng 3, nhóm người trẻ đưa mấy thùng ướp đá chất đầy những chai nước cam vàng ươm xuống trước căngtin Bệnh viện 199 - Bộ Công an. Bữa cơm hộp ăn vội hôm ấy có thêm chai nước cam mát lành khác hẳn ngày thường. Sau lớp khẩu trang kín mít, nụ cười ánh lên nơi khóe mắt những người đang chăm sóc hàng chục ca cách ly tại đây. Ai nấy rưng rưng xúc động.
Bác sĩ Võ Thị Hồng Hướng, trưởng khoa phục hồi chức năng của Bệnh viện 199, nghẹn ngào chia sẻ, các y bác sĩ ở đây tham gia công tác phòng chống dịch từ những ngày đầu. Bệnh viện hiện có cả những khu cách ly đỏ (ca nhiễm) và cách ly tập trung.
Giữa đại dịch, các ngành nghề khác có thể chậm lại, nhưng ngành y phải nhanh hơn, phải gồng mình chiến đấu. Khi biết họ làm việc ở bệnh viện, nhiều người còn e dè tiếp xúc.
"Nhưng nhóm các bạn lại dám đến bệnh viện, động viên và tặng những chai nước cam với lời nhắn nhủ giữ sức khỏe để vững vàng nhiệm vụ. Món quà không lớn về giá trị vật chất, nhưng ở thời điểm này, đây là lời động viên mà chúng tôi cảm thấy rất biết ơn. Hành động các bạn cho chúng tôi biết rằng ngành y không đơn độc" - bác sĩ Hướng nói.
Trên các trang Facebook công tác xã hội của những bệnh viện ở Đà Nẵng, Huế, Hình ảnh những chai nước cam ngọt mát xếp thành hình ngôi sao, hay những y bác sĩ trong ca trực đêm trên tay cầm chai nước và ánh mắt nở nụ cười được truyền đi cùng lời cảm ơn. Những cuộc gọi, tin nhắn cảm ơn từ người đang cách ly gửi về là nguồn động lực lớn với nhóm bạn trẻ.
Anh Hồ Ngọc Thanh (35 tuổi), chủ nhiệm câu lạc bộ Bếp Cơm Vạn Tình, cho biết thông qua mạng xã hội, nhiều người "không muốn biết mặt nêu tên" đã hỗ trợ kinh phí mua chai thủy tinh cho nhóm thực hiện chiến dịch. Nhiều người nhắn tin động viên, hỗ trợ nhân vật lực. Chính mọi người đã cho nhóm cảm nhận sức mạnh của cộng đồng.
Hiện số người phải cách ly tăng lên từng ngày, CLB đang tiếp tục trích thêm lợi nhuận từ việc "giải cứu" cam, mua trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ, khẩu trang tặng cho các bệnh viện, điểm cách ly ở Đà Nẵng.
Nguồn TTO
T.LN3