Bác sĩ trẻ dành cả thanh xuân học cách bảo vệ sức khỏe phụ nữ

CTG - Là nam giới nhưng bác sĩ Trần Đức Cung lại có tâm huyết trong việc học tập và nghiên cứu về sức khỏe sinh sản, bệnh phụ khoa trong suốt 14 năm qua. Đồng thời nam bác sĩ còn chia sẻ những kiến thức về y khoa lên kênh TikTok và nhận được hơn 420.000 người theo dõi.

Dành 14 năm để học tập và nghiên cứu về vấn đề bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ, bác sĩ Trần Đức Cung (31 tuổi, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, Hà Nội) đã là nơi chia sẻ các kiến thức về bệnh phụ khoa được nhiều người tin tưởng trên nền tảng số. Vốn được xem là vấn đề tế nhị, khó nói và với tâm lý lo sợ nên nhiều phụ nữ đã ngại việc đến thăm khám bác sĩ khi gặp các vấn đề về bệnh phụ khoa. Hiểu được tâm lý đó nên bác sĩ Cung đã chia sẻ các kiến thức về sức khỏe sinh sản, các vấn đề về bệnh phụ khoa và ung thư phụ khoa đến nhiều người trên kênh TikTok có hơn 420.000 người theo dõi.

Khi còn là sinh viên của ngành y đa khoa tại Trường ĐH Y Hà Nội, bác sĩ Cung đã cảm thấy hứng thú và yêu thích việc nghiên cứu về bệnh phụ khoa. Sau khi tốt nghiệp năm 2016, anh tiếp tục học chuyên khoa sản phụ khoa Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), sau đó anh  lại học tiếp định hướng chuyên khoa ung thư tại Bệnh viện K (Hà Nội).

Từng có thời gian công tác tại Bệnh viện K từ năm 2019 - 2021 nên anh Cung thấu hiểu được nỗi đau và những khó khăn mà những bệnh nhân ung thư phụ khoa gặp phải, từ đó nam bác sĩ đã có ý tưởng chia sẻ kiến thức về căn bệnh này đến nhiều người, góp phần bảo vệ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ.

Bác sĩ trẻ dành 14 năm thanh xuân học cách bảo vệ sức khỏe phụ nữ - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Đức Cung tư vấn cho bệnh nhân

Thời gian đầu làm công việc này, anh Cung gặp một số trở ngại, anh kể: “Được học và thực hành trong trường y nên việc tiếp xúc bệnh nhân với mình không là vấn đề. Nhưng vì là bác sĩ nam nên bệnh nhân rất ngại đến khám. Tuy nhiên, một khi đã làm việc bằng cái tâm thì bệnh nhân sẽ bỏ qua những sự ngại ngùng mà tìm đến. Mình luôn tạo ra sự gần gũi và chia sẻ, tôn trọng đối với bệnh nhân nên nhờ vậy mà tiếng lành đồn xa, may mắn có nhiều bệnh nhân tin tưởng”.

Bác sĩ trẻ dành 14 năm thanh xuân học cách bảo vệ sức khỏe phụ nữ - Ảnh 2.

Bác sĩ Trần Đức Cung được đồng nghiệp đánh giá cao về chuyên môn và thái độ với bệnh nhân

Bác sĩ Cung cho biết, áp lực của một bác sĩ là làm sao có thể điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Với những sinh viên mới ra trường thì việc điều trị thực tế sẽ có phần khác với kiến thức sách vở. Nam bác sĩ đưa ra ví dụ: "Một bệnh nhân tìm đến vì bệnh nấm thì việc điều trị bằng kiến thức trong sách vở với căn bệnh này sẽ khá là đơn giản, tuy nhiên thực tế lại hoàn toàn khác, nhiều khi đã làm đúng như trong sách và sử dụng loại thuốc tốt nhưng bệnh nhân vẫn tái phát".

Theo bác sĩ Cung việc bệnh nhân quay lại tìm mình lần 2 với cùng một căn bệnh đã chữa trước đó là áp lực lớn. Một nỗi lo khác là làm sao khi thực hiện các thủ thuật cho bệnh nhân không gây ra các tai biến y khoa.

Cách để bảo vệ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ?

Đưa ra lời khuyên cho người trẻ mà đặc biệt là nữ giới về việc bảo vệ sức khỏe sinh sản, bác sĩ Cung chia sẻ: “Không cần nói đến các vấn đề cao siêu, các bạn nữ nên trang bị kiến thức về vệ sinh cá nhân, mua quần lót mới tối đa 3 tháng 1 lần. Vùng kín của phụ nữ khá đặc biệt vì nó luôn ẩm ướt, có một hệ vi khuẩn và độ pH riêng so với tất cả các vùng khác trên cơ thể. Vì vậy, không nên sử dụng các loại dung dịch vệ sinh có mùi thơm quá nồng, tẩy rửa mạnh gây ra việc bỏng rát, dị ứng dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Môi trường vùng kín có cơ chế làm sạch tự nhiên vì vậy không nên dùng tay để thụt rửa, chỉ cần vệ sinh bên ngoài, vệ sinh từ trước ra sau để không lây vi khuẩn từ hậu môn”.

Bác sĩ trẻ dành 14 năm thanh xuân học cách bảo vệ sức khỏe phụ nữ - Ảnh 3.

Bác sĩ Trần Đức Cung luôn tìm tòi và cập nhật những kiến thức về bệnh phụ khoa, ung thư phụ khoa trong suốt 14 năm qua

Bác sĩ Cung chia sẻ thêm: “Cần trang bị thêm kiến thức về tình dục an toàn để có những biện pháp phòng tránh tốt. Trung bình có 10 đến 20% người trẻ từ độ tuổi 20 - 30 đến tôi thăm khám mắc các bệnh lý về tình dục. Nên cởi mở hơn trong việc đi khám chữa bệnh, có vấn đề đừng đi tìm các phương thuốc không chính thống để điều trị, đến nặng rồi mới tìm đến bác sĩ thì lúc đó rất khó khăn cho chúng tôi. Nên tiêm vắc xin phòng vi rút HPV vì có thể ngừa được 9 chủng HPV có nguy cơ cao gây ra ung thư cổ tử cung. Khám sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện sớm các nguy cơ ung thư phụ khoa để điều trị kịp thời”, bác sĩ Cung chia sẻ.

theo Thanhnien