TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung được biết đến với vai trò là Tổng giám đốc của Bệnh viện JW Hàn Quốc (TP.HCM), người được nhiều bệnh nhân quý mến vì thường xuyên phẫu thuật từ thiện miễn phí 100% cho các bệnh nhân khiếm khuyết ngoại hình. Mặc dù bác sĩ Tú Dung không phải là nhà văn và rất bận rộn với vai trò giám đốc điều hành kiêm bác sĩ chuyên môn của một bệnh viện, nhưng ông đã kiên trì dành hơn 3 năm để hoàn thành cuốn sách Nghèo là vốn liếng với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm thực tế và truyền cảm hứng cho giới trẻ VN.
Vị bác sĩ từng 3 lần rớt đại học ngành y
"Thoạt đầu, tôi dự định viết một cuốn sách chuyên môn với mong muốn chia sẻ những kiến thức, trải nghiệm về ngành y, nghề bác sĩ và hành trình xây dựng bệnh viện cho những bạn trẻ muốn theo đuổi giấc mơ bác sĩ. Sau đó tôi chợt nhận ra trên hành trình của mình gặp rất nhiều khó khăn, đôi ba lần vấp ngã rồi thất bại. Cuối cùng tôi đã vượt qua, nhờ vào sự kiên trì, đam mê và lòng tử tế. Do đó sau đại dịch Covid-19, cảm thấy cuộc sống vô thường, tôi quyết định viết cuốn sách truyền động lực cho các bạn trẻ. Đặc biệt, tôi muốn dành toàn bộ lợi nhuận bán sách để gây quỹ Nuôi em đến trường", bác sĩ Dung bộc bạch.
Trong cuốn sách, tác giả đã khắc họa chân thực về những khó khăn của thời bao cấp, sự khắc nghiệt của thiên tai bão lũ miền Trung... Cũng chính sự đói nghèo khắc nghiệt đó đã tôi luyện nên một chàng thanh niên xứ Quảng can trường, mạnh mẽ, dù thất bại đôi ba lần vẫn mạnh mẽ bước tiếp con đường của chính mình.
Bác sĩ Tú Dung đã đúc kết lại thành những bài học, phương pháp thực tế mà bản thân đã đánh đổi bằng tuổi trẻ, công sức và tiền bạc trong hàng chục năm trong 270 trang sách. Ấn tượng với bạn đọc có lẽ là sự không bỏ cuộc của chàng trai trẻ yêu thích ngành y nhưng thi rớt Trường ĐH Y Dược 3 lần. Cuối cùng sau những ngày tháng miệt mài ôn luyện và kiên định, chàng trai ấy đã bước vào giảng đường Trường ĐH Y Dược TP.HCM khi đang là sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Kinh tế. Lật giở từng trang sách, bạn đọc càng ấn tượng hơn với sự kiên định của chàng trai trẻ trên hành trình học tập, xin việc, lập nghiệp...
'Kiên định là con đường tốt nhất để thay đổi số phận'
Trong cuốn sách Nghèo là vốn liếng có câu: "Kiên định là con đường tốt nhất để thay đổi số phận" và "Cuộc đời là biển lớn, ai không bơi sẽ chìm". Mỗi người sinh ra đều có xuất thân và vận mệnh riêng. Chúng ta không thể lựa chọn thời điểm và xuất phát điểm. Có người may mắn sinh ra đã ngậm thìa vàng, cũng có người sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, loạn lạc. Cho dù sinh ra ở thời điểm nào đi chăng nữa, nếu không kiên trì và nỗ lực tự bước đi trên đôi chân của mình, tự thắp sáng con đường của mình, thì dù cho sinh ra trong điều kiện thuận lợi cũng vô ích.
100% tiền bán sách góp vào quỹ 'Nuôi em đến trường'
Tại buổi lễ ra mắt sách Nghèo là vốn liếng chiều 10.8, bác sĩ Tú Dung đã công bố thành lập Quỹ "Nuôi em đến trường" - một dự án cộng đồng do bác sĩ sáng lập. Theo đó, toàn bộ tiền bán sách (cả chi phí vốn và lợi nhuận) đều được quyên góp vào Quỹ "Nuôi em đến trường" để hỗ trợ trẻ em khó khăn, vùng sâu, vùng xa được tiếp bước trên con đường học tập, trở thành những nhân tài cho đất nước. Tác giả kỳ vọng sẽ gầy dựng được nguồn quỹ 1 tỉ đồng từ việc phát hành 6.000 cuốn sách trong năm 2024.
"Cũng từng là một đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, nên tôi đồng cảm với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn khao khát được học tập, được đến trường, nên khi phát hành cuốn sách Nghèo là vốn liếng, tôi đã quyết định thành lập Quỹ "Nuôi em đến trường", dùng 100% tiền bán sách giúp các em học sinh, sinh viên tiếp bước ước mơ học đường", bác sĩ Tú Dung nói.
Trong ngày 10.8, đại diện Bệnh viện JW Hàn Quốc đã công bố có hơn 1.500 cuốn sách được bán ra. Trong đó có 534 cuốn sách được bán trước lễ ra mắt sách và 1.000 cuốn được bán tại lễ ra mắt sách trước sự chứng kiến của khách mời, độc giả.
Nghèo là vốn liếng không đơn thuần là một tác phẩm văn học truyền cảm hứng tích cực, mà còn mang lại những giá trị nhân văn đầy ý nghĩa cho xã hội và cộng đồng.