Bạn trẻ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về trang bị kỹ năng số làm chủ công nghệ

(CTG) Gửi tâm tư, nguyện vọng về Diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn” do Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức ngày 17/3, các bạn trẻ đều bày tỏ sự quan tâm đặc biệt về việc trang bị kiến thức, kỹ năng số để làm chủ công nghệ, tự tin hội nhập quốc tế.

Bạn Nguyễn Thị Châu Anh - Quán quân Thủ lĩnh sinh viên toàn quốc 2022, Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM): Cần giải pháp cụ thể hỗ trợ chuyển đổi số

Đối tượng đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là sinh viên hiện nay thuộc thế hệ Z, sinh ra trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, chi phối nhiều mặt của đời sống xã hội. Khi nhiều loại hình công nghệ mới ra đời, cụ thể như câu chuyện của ChatGPT, đã đặt ra nhiều thách thức về kỹ năng đối với đoàn viên, thanh niên.

Đó không còn dừng lại ở kỹ năng nghề nghiệp mà xa hơn nữa là kỹ năng làm chủ công nghệ, ứng dụng nhuần nhuyễn các công cụ sẵn có, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường lao động nhiều biến chuyển.

Bạn trẻ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về trang bị kỹ năng số làm chủ công nghệ ảnh 1

Bạn trẻ trải nghiệm triển lãm thực tế ảo tại lễ ra quân Tháng Thanh niên 2023. - Ảnh: Vương Đức

 
Ngày 17/3, Ban Bí thư T.Ư Đoàn sẽ tổ chức Diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn”, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu trong và ngoài nước. Ngay từ bây giờ, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên có thể gửi câu hỏi, ý kiến về diễn đàn tại địa chỉ: doithoai.doanthanhnien.vn

Tôi trăn trở và đặt kỳ vọng tổ chức Đoàn, trong “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn” và chủ đề Tháng Thanh niên “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số” sẽ có lộ trình bài bản, giải pháp cụ thể để hỗ trợ trang bị kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền của văn hoá số cho đối tượng đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt, cùng với trường học, tổ chức Đoàn cần có giải pháp để đánh giá năng lực số trong đoàn viên, thanh niên, sinh viên một cách hiệu quả, từ đó có những bước đi phù hợp trên lộ trình đã đề ra.

Đối với trường Đại học Quốc tế, trong năm học 2022-2023, hưởng ứng chủ đề công tác “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình trang bị kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, văn hoá số cho cán bộ Đoàn, Hội và đoàn viên, sinh viên trong toàn trường. Phương thức tổ chức các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội cũng thay đổi theo hướng số hóa, từ công tác tuyên truyền; phát triển kênh thông tin Đoàn - Hội, đẩy mạnh quy trình làm việc với các cơ sở Đoàn - Hội thông qua các công cụ, nền tảng trực tuyến; khai thác hiệu quả dữ liệu các trang mạng xã hội để chuyển đổi hình thức, cách tiếp cận đoàn viên, sinh viên trên không gian mạng. Dịp hè tình nguyện năm nay, chúng tôi sẽ triển khai đội hình tình nguyện “Kỹ năng số”, giúp hỗ trợ trang bị kỹ năng số cho học sinh THCS, THPT trên địa bàn TPHCM.

Bạn Trần Phương Lê Vy - Bí thư chi đoàn 12 Văn, trường THPT Chuyên Hà Tĩnh: Trang bị kỹ năng hội nhập quốc tế

Trong thời đại công nghệ, hội nhập toàn cầu hiện nay, việc trang bị kiến thức, kỹ năng hội nhập quốc tế là một trong những yêu cầu quan trọng. Thời gian qua, tổ chức Đoàn, Hội, Đội đã tổ chức nhiều sân chơi, cuộc thi về ngoại ngữ để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho bạn trẻ, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Song song với việc tổ chức các cuộc thi về ngoại ngữ trong nước, tôi rất hi vọng có thêm các chương trình giao lưu, trao đổi quốc tế giữa thanh niên Việt Nam với thanh niên nước bạn để mở rộng, kết nối mối quan hệ, cũng như quảng bá được hình ảnh của thế hệ trẻ Việt Nam.

Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa các vùng miền đôi khi trở thành rào cản để một số bạn đoàn viên, thanh niên có cơ hội va chạm, học tập. Vì vậy, tôi mong rằng, thời gian tới các cấp bộ Đoàn sẽ tăng cường hơn nữa các chương trình, hoạt động trang bị kiến thức ngoại ngữ, cũng như kỹ năng hội nhập cho các bạn đoàn viên, thanh niên ở các vùng khó khăn, miền núi, nông thôn để các bạn tự tin hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, các bạn đoàn viên, thanh niên rất cần được quan tâm về sức khoẻ tinh thần. Thực tế cho thấy, phần lớn thanh thiếu niên trải qua nhiều khủng hoảng của lứa tuổi, áp lực học hành; chới với và dễ dàng đi lệch hướng bởi những tác động từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là mặt trái của mạng xã hội. Vì vậy, những buổi tọa đàm, diễn đàn về sức khoẻ tinh thần, tâm lý vô cùng cần thiết cho sự phát triển của thế hệ trẻ.

Bạn Nguyễn Hữu Quyết, Ủy viên BCH chi đoàn Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghiệp TTP: Xây dựng bảo tàng số hoá về tình nguyện

Tình nguyện là một trong những phong trào lớn, xuyên suốt của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, màu áo xanh thanh niên tình nguyện đã trở nên quen thuộc trong cộng đồng và nhân dân. Trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, tôi thiết nghĩ phương thức tổ chức của phong trào cũng phải chuyển mình thay đổi theo hướng áp dụng công nghệ để lan tỏa mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao hơn nữa.

 

Tôi mong rằng, Đoàn sẽ có những giải pháp cụ thể, thiết thực qua các chương trình, đặc biệt hướng đến tình nguyện ở các vùng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế trong xã hội. Với mỗi chương trình, dự án của các đơn vị, tổ chức các cấp sẽ được cập nhật lên cổng thông tin tình nguyện quốc gia thường xuyên, liên tục; xây dựng bảo tàng số hoá “Hành trình tình nguyện của tuổi trẻ Việt Nam” lồng ghép với Bảo tàng số “Tuổi trẻ Việt Nam” để ghi danh, tuyên truyền về những dự án, chương trình tình nguyện có quy mô lớn, phạm vi rộng. Đây cũng là diễn đàn để chia sẻ những hình thức tổ chức hoạt động tình nguyện cho tuổi trẻ cả nước. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông hoạt động tình nguyện các cấp kịp thời qua App Thanh niên Việt Nam, Bảo tàng số “Tuổi trẻ Việt Nam”, trang thông tin của Đoàn, các phương tiện truyền thông chính thống.

Tôi mong rằng, tổ chức Đoàn có thể nghiên cứu, xây dựng mô hình “Ra quân tình nguyện toàn quốc” theo ngày, theo tuần, theo tháng ở tất cả các cơ sở trên mọi miền đất nước.

Theo TP