![]() |
Đi cùng đoàn có ông Walid Nasr, Điều phối viên Cơ chế toàn cầu, Văn phòng Công ước quốc tế chống sa mạc hóa (GM/UNCCD). PV báo VEN đã có cuộc trò chuyện với ông Walid Nasr.
Ông có nghe thông tin giữa tháng 11 này tại sân golf Sealink (Phan Thiết) sẽ diễn ra một phần thi của cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2010?
Tôi có nghe thông tin thú vị này. Chương trình văn hóa trên đã chọn đúng địa điểm để đến, vì Bình Thuận là nơi có đặc thù khí hậu quá khô hạn nên tình hình sa mạc hóa diễn ra âm thầm, mà cụ thể là thoái hóa đất. Đây cũng là một trong 2 tỉnh (Bình Thuận, Ninh Thuận) mà Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam và GM/UNCCD lựa chọn là điển hình sa mạc hóa ở Việt Nam để thực hiện chiến lược tài chính lồng ghép chống sa mạc hóa. Lần đầu tiên tại Việt Nam, phương pháp tiếp cận mới của UNCCD được triển khai, trong đó, Bình Thuận có 6 ý tưởng dự án trên 4 lĩnh vực: thủy lợi, chăn nuôi, nông nghiệp và lâm nghiệp.
Thực hiện 6 ý tưởng dự án đó, Bình Thuận có cơ hội giảm tình trạng sa mạc hóa không, thưa ông?
Đến thời điểm này, Bình Thuận đang có nhiều thách thức nhưng cũng mang trong đó những cơ hội. Thách thức là cuộc chiến chống lại quá trình sa mạc hóa, còn cơ hội là thông qua sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và hiệu quả giữa đơn vị tài trợ với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bình Thuận đã cải thiện tốt hơn môi trường, nâng cao sinh kế cho người dân địa phương. Một khi bảo tồn được môi trường thì sẽ tạo điều kiện phát triển cho tất cả các ngành, đặc biệt là ngành du lịch.
Bình Thuận vừa tròn 15 năm phát triển ngành du lịch. Theo ông, làm thế nào để thu hút khách du lịch nước ngoài đến Bình Thuận nhiều hơn?
Xu hướng chung hiện nay là con người tìm về với thiên nhiên, khám phá sự kỳ vĩ của tự nhiên... nên trước tiên cần phải bảo tồn thiên nhiên, nhất là rừng ven biển. Song song đó, cải tạo những khu vực khô hạn thông qua trồng rừng, gìn giữ nguồn nước... Từ đó có cách xúc tiến, giới thiệu, quảng bá du lịch thân thiện với môi trường sinh thái, chẳng hạn, nơi đây có những thảm thực vật xanh, nguồn nước chưa bao giờ cạn kiệt…
Ông đã phát biểu rằng, trong 7 quốc gia ở châu Á thực hiện chiến lược tài chính lồng ghép chống sa mạc hóa, Việt Nam là nước dẫn đầu trong thực hiện công ước. Ông có thể nói rõ hơn?
Việt Nam và một số nước ở châu Á có nhiều vấn đề giống nhau, đó là đất đai khô hạn, thiếu các nguồn lực, chủ yếu là vốn; sự điều phối giữa các cơ quan liên quan không được chặt chẽ, không hiệu quả và có những khó khăn, thách thức trong thực hiện dự án. Nhưng Việt Nam có điểm khác biệt là: Chính phủ Việt Nam, 2 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và cộng đồng bắt đầu có sự cam kết cao trong thực hiện./.
Xin cảm ơn ông!
Theo Kinh tế Việt Nam