Bất chấp cuộc sống chồng chất khó khăn, cô giáo Tày vẫn kiên trì “gieo” chữ miền biên viễn

(CTG) Đường đến trường đá lởm chởm, học sinh vắng học mùa mưa bão, một tay phải chăm sóc con khuyết tật trí tuệ, gia cảnh từng túng quẫn vì lo chạy chữa cho chồng mắc ung thư gan giai đoạn cuối… Tất cả vẫn không thể ngăn cô giáo dân tộc Tày Nông Thị Nga (SN 1993) đem ánh sáng tri thức đến học sinh Trường PTDTBT TH Lý Thường Kiệt, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Cô giáo Nông Thị Nga sinh ra trong một gia đình làm nông, nhà có 5 chị em gái. Gia đình tôi khó khăn, sống trong những ngôi nhà vách đất hoặc nứa do chính anh em hàng xóm giúp đỡ dựng lên. Cuộc sống tuy vất vả nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười.

Hằng đêm, khi màn đêm buông xuống, đèn điện lại không có nên gia đình cô thường quây quần bên ánh lửa xà nu để nghe bố mẹ kể về những câu chuyện thời chiến, những câu chuyện li kì mà đến giờ cứ nghĩ là thật. Mẹ kể, mới học tới lớp 4 nhưng mẹ cô đã được đứng lớp dạy các em nhỏ mầm non, được dạy chữ cho các bà, các cụ ở quê bằng tiếng Tày khi còn đi thanh niên xung phong. Tuy không theo nghề nhưng đó là kỉ niệm mẹ cô không bao giờ quên. Cũng từ những câu chuyện của mẹ mà cô hằng ước mong mình sẽ là cô giáo. “Nhớ lúc lên sáu tuổi, tôi chạy ù về nói với mẹ: “Mẹ ơi! Con biết nói tiếng Kinh rồi”. Thực ra, khi ấy là tôi đã biết đọc tiếng Việt. Tôi luôn hy vọng mình sẽ trở thành cô giáo nên luôn tập đọc tất cả các chữ mà tôi nhìn thấy. Vậy là tôi biết đọc rất nhanh.” – cô Nga hồi tưởng lại.

 

Cô giáo Nông Thị Nga giảng dạy tại trường PTDTBT TH Lý Thường Kiệt, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy

Thời gian trôi mau, cô đỗ thủ khoa vào học trường nội trú huyện Ngọc Hồi từ năm lớp 8, và được học cấp 3 ở trường nội trú tỉnh Kon Tum cách nhà gần 70km. Thế rồi, biến cố ập đến, bố cô mất đột ngột do tai biến khiến mẹ con cô gục ngã. Mẹ cũng không đi bước nữa mà một mình gồng gánh nuôi chị em cô ăn học. Khi bước chân vào trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, mẹ cô chỉ gói gọn được hơn 100.000 đồng để cho con nhập học. Cuộc sống không mấy dễ dàng khi nuôi con ăn học ở xa. Dù có phải bán hết lúa gạo, đi chạy vay mượn để gửi tiền ăn cho cô nhưng mẹ cũng không nói gì mà luôn động viên cô học cho tốt. Sợ mẹ khổ, không lo nổi chi phí ăn học, cô quyết định lấy chồng để nhờ nhà chồng đỡ đần phần nào.

Tháng 9/2012, cô sinh con gái đầu lòng nhưng không có chồng bên cạnh vì đang thực hiện nghĩa vụ quân sự 18 tháng ở gần biên giới Campuchia. Cô phải nghỉ học một năm để ở nhà chăm con, và một phần vì sức khỏe yếu. Khi con gái 10 tháng tuổi, cô tiếp tục học năm hai Cao đẳng. Dù đi học xa nhà gần 70km nhưng cô tranh thủ đi làm thêm và về với con khi có thể.

Năm 2013, trở về sau nhiệm vụ ở Campuchia, chồng cô lại đổ bệnh nặng và được bác sĩ chẩn đoán bị ung thư gan giai đoạn cuối. Bỏ lại con thơ hơn 11 tháng ở nhà cho ông bà nội chăm, cô thuê trọ để vừa đi học vừa tiện chăm sóc cho chồng. Đi học cách nhà hơn 20km, cô học xong lại chạy lên bệnh viện tỉnh chăm chồng. Ngày nào cũng băng qua những cơn mưa tầm tã để đến trường rồi lên bệnh viện, tinh thần cô suy sụp nhưng nghĩ tới chồng con, nước mắt cô lại hòa theo cơn mưa. Thật may mắn khi gặp được một người bạn cũ, chồng cô được mách xuống Viện kí sinh trùng Quy Nhơn khám bệnh. Kì diệu thay, uống thuốc gần một tháng bệnh của chồng cô đỡ hẳn. Nhưng di chứng của căn bệnh để lại khiến chồng cô đau đớn, vật vã với nhưng căn bệnh mới thay nhau bùng phát. Nhưng cũng từ đó, gia đình chồng cô càng khó khăn hơn vì nợ nần, còn phải “gồng gánh” nuôi cô và ba người em trai đi học.

Năm 2015, cô thi tuyển và rất may mắn được nhận vào dạy hợp đồng 8 tháng ở trường tiểu học Nguyên Trãi thuộc thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy. Từ đây, cô đã trở thành người giáo viên mà cô và cả gia đình đã mong ước. Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nên được Nhà nước cho vay vốn, mua được con bò làm vốn, còn dư bao nhiêu, cô dùng để mua máy in phục vụ công việc. Về sau, gia đình được hỗ trợ một phần và xây được ngôi nhà mái tôn che nắng, mưa. Cả nhà có mỗi chiếc xe, khi cô đi dạy thì phải chạy về đón con. Nhiều lúc đi vận động học sinh đến 20h cô vẫn chưa về, con cái phải nhờ hàng xóm. Chồng thì không đi làm được, con lại đi học mầm non, một mình cô chống đỡ cho cả gia đình bé nhỏ nên có lẽ thời gian nghĩ cho bản thân là quá xa vời. Vì muốn lo cho tương lai sau này của cả gia đình nên chồng cô quyết định đi học chính quy ngành luật kinh tế. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng cả hai vợ chồng lúc nào cũng động viên an ủi lẫn nhau vượt qua.

Năm 2016, cô cùng vài người bạn nữa được nhận dạy ở trường PTDTBT TH Lý Thường Kiệt, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Để đến trường phải băng qua 70km, trong đó có 40km đường rừng heo hút, rải đá lởm chởm mà nếu không chắc tay lái có thể lao thẳng xuống vực sâu. Năm học đầu tiên đi dạy, cô được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 4 ở điểm trường trung tâm. Nơi đây học sinh đi học phải đi bộ hoặc có cha mẹ chở, chứ tự đi xe đạp sẽ rất dễ ngã bởi đá lởm chởm xuyên suốt con đường. Cùng với đó là ổ gà, ổ voi rất nguy hiểm... Nhà cách trường hơn 5km, khi gặp mưa bão học sinh vắng học, bản thân cô phải tự mình vào từng gia đình học sinh để vận động. Vận động một lần không được, cô lại nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ khó khăn trước mắt để tạo điều kiện cho các em tới trường. Học sinh lớp cô 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số như Gia-rai, ngoài ra còn có dân tộc Rơ-măm - một trong những dân tộc cực kì ít người ở Việt Nam. Cả nước chỉ có vài trăm đang sinh sống lâu đời ở Mô Rai.

Đã có một năm dạy học sinh người dân tộc thiểu số ở thị trấn, nên khó khăn ở đây cô thích nghi rất nhanh. Bản thân cũng là người dân tộc thiểu số, cô luôn hy vọng mình có thể đem tất cả những gì học được để truyền đạt cho các em. Cô tự tìm tòi cách truyền đạt ngắn gọn mà đem lại hiệu quả cho tiết học. Tự sáng tạo ra những đồ dùng phục vụ cho lớp học mà không gây tốn kém từ chai nhựa, tự vẽ tranh để dạy học... Bản thân cô tự bồi dưỡng thêm các khóa luyện chữ online để nâng cao năng lực cho bản thân và rèn chữ viết cho các em ngày một tiến bộ hơn. Hằng năm, các học sinh của cô đi thi cấp huyện đều đạt các giải về Giao lưu tiếng Việt dành cho học sinh dân tộc thiểu số, Giao lưu tiếng Anh, Hội thi An toàn giao thông...

Lên Mô Rai được hơn 1 tháng thì cô bị sảy thai, phải nằm bệnh viện tỉnh. Trong nỗi mất mát đau thương chưa nguôi ngoai, cô lại hay tin con gái bị khối u áp xê ở cổ phải phẫu thuật, nằm viện điều trị trong một thời gian dài. Phần vì xa, bản thân mình chưa hồi phục, vừa lo lắng nghỉ dạy quá nhiều, cô lại không thể về chăm sóc con. Cũng có lẽ vì không được gần gũi nhiều với con nên sau đó năm 2018, khi con được 6 tuổi, bước vào lớp 1 mà chưa biết nói, cô mới phát hiện cháu bị khuyết tật trí tuệ nên đã đưa con lên Mô Rai để tiện chăm sóc, bù đắp tình cảm cho con. Lúc đó, nỗi day dứt vì không thể chăm sóc cho con như ăn mòn tâm trí cô. Phải qua một thời gian dài cô mới có thể chấp nhận cú sốc đó và dốc lòng chăm sóc, yêu thương để con có thể tự chăm sóc cho bản thân.

 

Cô Nga cắt tóc cho học sinh dân tộc thiểu số

Tháng 4/2019, cô phát hiện mình bị u nang buồng trứng và không thể có con. Nỗi mong mỏi có đứa con thứ hai để có thể chăm sóc, giúp đỡ cho con gái đầu bỗng chốc vỡ vụn. Nhưng hai vợ chồng cô vẫn kiên trì chữa trị và may mắn đã mỉm cười để gia đình cô đón thêm một thành viên mới vào đầu năm 2020. Cũng trong cùng năm, cô đậu biên chế vào ngành giáo dục huyện Sa Thầy. Mặc dù hiện tại, số tiền lương của cô vừa lo cho bản thân, hai con gái, bà nội và chồng đi học 4 năm ròng rã mới tốt nghiệp chưa có việc làm, nhưng với cô niềm hạnh phúc này đã quá lớn với bản thân.

Qua 5 năm làm công tác giảng dạy trên vùng đất biên giới Mô Rai, kỷ niệm với cô khổ có, vui có, buồn cũng có... nhưng cô luôn không ngừng phấn đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Tôi sẽ cố gắng giúp những học trò nhỏ của mình trở thành người có ích cho xã hội, có thể giúp vùng biên giới đặc biệt khó khăn, xa xôi này thành một nơi phát triển hơn, có cuộc sống tốt đẹp hơn.” – cô Nga tâm sự.

Với những đóng góp của mình, cô Nga vinh dự là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân các giáo viên người dân tộc thiểu số  đã có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.

Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.