Câu chuyện tưởng như đùa nhưng lại là sự thật. Và thực tế coi nhẹ bữa ăn gia đình đang phổ biến ở nhiều đôi vợ chồng trẻ. Sự bận rộn đi kèm với tiện ích thời hiện đại đã cho phép những vợ chồng trẻ được… lười nấu ăn. Lâu dần, họ quên luôn hơi ấm của căn bếp và thậm chí có những gia đình rất lâu rồi bếp không đỏ lửa.
Đi làm về mệt còn phải nấu ăn là rất dễ nổi cáu
Nhắc đến câu chuyện bếp không đỏ lửa, chị Trần Hoàng Vân, ngụ tại hẻm 407 Sư Vạn Hạnh (Q.10, TP.HCM), kể trong một lần đi ăn tối cùng em gái, chị Vân hỏi: "Sao không đưa chồng cùng đi ăn?", cô em trả lời: "Tụi em quen rồi. Đi làm thì phần đứa nào đứa nấy ăn, trừ những hôm cả 2 về sớm mới đi ăn cùng nhau".
"Vậy là hai vợ chồng không nấu ăn?", chị Vân thắc mắc thì cô em trả lời: "Em không giỏi nấu ăn, chồng cũng bận rộn công việc, nên từ khi cưới nhau về tụi em đã thống nhất sẽ không nấu ăn. Buổi sáng hôm nào dậy sớm thì cả 2 đặt đồ về ăn cùng nhau rồi mới đi làm. Còn cả ngày theo kiểu tự lo chuyện ăn uống vì chỗ làm 2 đứa cách xa nhau".
Chị Vân cho biết cũng khuyên em nên nấu ăn để giữ hơi ấm gia đình, nhưng quan điểm của cô em là: "Chỉ nghĩ đến việc đi làm về rồi lo nấu ăn, dọn dẹp, rửa chén bát các kiểu, chắc tụi em làm không nổi".
Cưới nhau đến nay đã được gần 4 năm nhưng bếp của gia đình N.T.M.D (28 tuổi), ngụ tại Q.7, TP.HCM, chưa một lần đỏ lửa. Lý giải việc này, D. nói: "Thời gian làm việc của hai vợ chồng rất nhiều. Chồng mình có khi còn làm đến khuya mới về. Nếu đi làm về rồi phải nấu ăn dọn dẹp thì vợ chồng dễ nổi quạu lắm. Mình thấy như thế càng dễ căng thẳng và mâu thuẫn với nhau hơn".
D. kể thêm: "Gia đình ba mẹ chồng trước giờ ăn sáng ở ngoài, trưa về nấu ăn. Buổi tối thì 1 tuần ba mẹ đi ăn nhà hàng 3 - 4 ngày để gia đình có thời gian ngồi nói chuyện với nhau. Nên chồng không quá ép buộc mình phải nấu ăn ở nhà. Ngược lại chồng mình thích ăn quán hơn. Tụi mình ăn ngoài nhưng cũng ăn những quán cơm gia đình để cho có không khí đoàn viên".
Dù không nấu ăn, nhưng D. cho biết căn bếp của hai vợ chồng không thiếu bất kỳ đồ gia dụng gì. Lý do D. sắm đầy đủ hết mọi thứ dù bếp chưa một lần đỏ lửa là vì: "Ba mẹ chồng hay vào nên nhà phải đầy đủ để… đối phó".
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình
Nhận xét về thực tế này, tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia (Phân hiệu tại TP.HCM), cho rằng đây là vấn đề hết sức quan ngại vì các bạn trẻ hiện nay có phần xem nhẹ bữa ăn gia đình và vấn đề bếp ấm.
Theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy, có nhiều lý do nhưng quan trọng nhất vẫn là ở nhận thức và tư duy không coi trọng bữa ăn gia đình. "Nếu coi nhẹ bữa ăn gia đình, xem nhẹ bếp ấm, về lâu về dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc", chị Thúy nhấn mạnh.
Theo quan điểm của chị Thúy, gia đình là tổ ấm chỉ khi có 3 nơi ấm. Đầu tiên là bếp ấm, sau đó là phòng ngủ ấm và phòng khách ấm. Trong đó, bếp ấm được hiểu là bữa ăn chung, nấu và ăn cùng nhau. Muốn là tổ ấm thì bếp phải ấm. Đây là điều mà chị Thúy cho rằng không thể thiếu để tạo nên hạnh phúc gia đình.
Nếu bếp không ấm sẽ có những ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Ảnh hưởng đầu tiên chị Thúy đề cập đến là tình yêu thương trong gia đình. "Nếu vợ chồng, con cái cùng nấu ăn cho nhau, đó mới chính là thể hiện tình yêu thương trực tiếp và quan trọng nhất", chị Thúy nhìn nhận.
Ảnh hưởng thứ hai là vấn đề sức khỏe. Tự nấu ăn sẽ đảm bảo hơn về an toàn thực phẩm. Hơn nữa, mình biết rõ là chồng, con thích ăn gì nên khi tự nấu ăn sẽ đáp ứng được nhu cầu của từng thành viên một cách tốt nhất.
Chị Thúy muốn các gia đình trẻ cần lưu tâm rằng bữa ăn không đơn thuần chỉ là bữa ăn. Vì điều quan trọng là khi cùng nấu, cùng chuẩn bị cho bữa ăn sẽ tạo nên sự bên nhau và gắn kết.
"Cùng nhau làm việc mới có thể chia sẻ vui buồn, nói được với nhau rất nhiều chuyện, từ công việc, xã hội đến chuyện nuôi dạy con cái… Đây là cơ hội rất tốt để các thành viên trong gia đình giao tiếp, trò chuyện và chia sẻ với nhau", chị Thúy nói và khẳng định: "Một yếu tố rất quan trọng trong việc giữ bếp ấm và bữa ăn chung chính là những đứa con học được các kỹ năng như tự phục vụ bản thân, tự lập, nấu ăn, chăm sóc, yêu thương người khác… Và quan trọng là các con có cơ hội gần gũi với gia đình. Thiếu bữa ăn, các con sẽ xa dần ba mẹ, xa dần gia đình".
Cảm giác được yêu thương từ bữa ăn gia đình
Do tính chất công việc nên chị Phan Thị Hồng Châu (ngụ tại hẻm 818 Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng thừa nhận rằng không thường xuyên nấu được những bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, dù bận đến thế nào, chị Châu và chồng cũng cố gắng thu xếp để một tuần có được một vài bữa vào bếp cùng nấu ăn.
Chị Châu kể: "Dù không thường xuyên nhưng mỗi khi vào bếp là vợ chồng lại có cơ hội tâm tình với nhau nhiều hơn, kiểu vừa sơ chế nguyên liệu vừa tám chuyện. Thường chồng đứng bếp chính và chủ động chọn món ăn mà vợ yêu thích hoặc bọn trẻ đề xuất. Người xưa thường hay quan niệm "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", nhưng nếu cả hai cùng xây thì chắc hẳn sẽ trọn vẹn hơn. Mình thích cảm giác được thưởng thức những món ngon do chính tay chồng chuẩn bị, các con cũng vậy. Cảm giác như mình được yêu thương, rất hạnh phúc".
Chỉ ra tầm quan trọng của bữa ăn chung trong việc gắn kết gia đình, tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho biết một trong những nguyên tắc của khoa học là đồ ăn thức uống khi ăn cùng nhau sẽ chung chất dinh dưỡng và còn chung nhiều thứ khác, từ đó tạo nên dưỡng chất nuôi thân, nuôi tâm. "Nếu không ăn cùng nhau sẽ không cùng quan điểm sống, không cùng chia sẻ về cảm xúc. Lâu dần khi không ăn chung sẽ không thể hiểu nhau", chị Thúy đặc biệt lưu ý.
Rất nhiều gia đình chị Thúy tham vấn trong tình trạng không hiểu và kết nối được với con cái, hoặc thường xuyên mâu thuẫn, xung đột thì mẫu số chung của họ đều rất ít có bữa ăn chung.
Chị Thúy muốn nhắn gửi đến các gia đình trẻ rằng muốn gia đình ấm thì căn bếp cũng phải ấm. Bếp mà không hề đỏ lửa, lạnh teo, có nghĩa rằng không có sự quan tâm và thời gian chia sẻ cùng nhau. Việc nấu ăn cùng nhau mang rất nhiều ý nghĩa, nhưng trong thời buổi hiện nay, có những hoàn cảnh mà chúng ta không thể nào duy trì đều đặn được, thì cũng nên linh hoạt nhưng cần phải cân bằng.
"Có những lúc ăn ở ngoài, có lúc nên cùng nhau nấu ăn tại nhà. Điều quan trọng là ăn cùng nhau. Nhưng đừng coi nhẹ căn bếp, đừng để cho bếp của bạn lạnh ngắt. Trong suốt một tuần liền mà bếp không đỏ lửa thì nên cẩn trọng. Sau này nếu gia đình có vấn đề gì không hiểu nhau, con cái không dạy dỗ được thì có lẽ một trong những lý do là vì bạn đã để cho bếp của gia đình nguội lạnh", chị Thúy lưu ý.
Chương trình Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc năm 2024, với chủ đề "Bên nhau, mình là nhà" do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức nhằm tăng cường tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chuỗi hoạt động của chương trình Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc 2024 bao gồm: Chiến dịch truyền thông Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc và Ngày hội "Gia đình trẻ hạnh phúc" trên mạng xã hội với các sản phẩm truyền thông: infographic, motion graphic, video clip...
Theo TN