ẢNH: KIM ANH
Sau lần đó, Quốc Anh và gia đình không còn có những chia sẻ sâu sắc nữa, những cuộc nói chuyện cũng dần thưa đi, dù đang sống dưới một mái nhà. "Mình dần trở nên sống khép kín hơn, không còn đủ tin tưởng và mong muốn chia sẻ tâm tư nguyện vọng cùng người khác nữa", Quốc Anh tâm sự.
Nói về nguyên nhân của sự chỉ trích này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa
Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Văn Lang, cho biết: "Có thể hiểu đây là khoảng cách thế hệ. Nhiều người lớn không hiểu được những thay đổi trong xã hội và tâm lý của người trẻ. Họ có xu hướng đánh giá hành vi của người trẻ dựa trên những chuẩn mực của thế hệ trước. Bên cạnh đó, việc xã hội ngày nay đề cao sự mạnh mẽ và độc lập, đã góp phần khiến người trẻ bị hiểu nhầm là yếu đuối hoặc nhạy cảm khi bày tỏ cảm xúc thật của bản thân".
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu cũng cho biết: Nhạy cảm nên được hiểu là sự nhạy bén, tinh tế và khả năng nắm bắt nhanh chóng điểm mấu chốt trong các tình huống của cuộc sống. Đơn cử, việc bạn có thể hiểu được ý định của ai đó chỉ qua một vài cử chỉ hoặc lời nói bâng quơ. Điều này giúp bạn đưa ra những hành động kịp thời, trước khi người khác cần phải diễn đạt. Như vậy, nhạy cảm không chỉ mang nghĩa tiêu cực mà còn có ý nghĩa vô cùng tích cực".
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Lưu, sự nhạy cảm trong xã hội ngày nay thường bị hiểu lầm là yếu đuối, dễ bị tổn thương hoặc làm quá vấn đề, phản ứng quá mức trước những tình huống bình thường. Chẳng hạn, khi bị ba mẹ la rầy, có người cảm thấy bình thường, trong khi người khác có thể tổn thương sâu sắc, thậm chí rơi vào trầm cảm hoặc tự tử. "Điều này nên được hiểu là suy nghĩ tiêu cực, thay vì bị gắn mác là nhạy cảm. Bởi lẽ, nhạy cảm còn là sự nhạy bén, khả năng phản ứng nhanh chóng trước khi ai đó bày tỏ bằng lời nói", thạc sĩ Đào Lưu cho hay.
Học cách tôn trọng, yêu thương
Nguyễn Thị Diễm My, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho biết: "Trước đây, trong một lần làm việc nhóm, bạn của mình đã chia sẻ với mình là bạn cảm thấy ý kiến của bạn không được tôn trọng và bị nhóm dồn ép. Bạn nói rằng đã khóc rất nhiều trong lần làm việc đó".
"Tuy nhiên, thay vì lắng nghe chân thành và tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn cảm thấy như vậy, mình đã đổ lỗi cho bạn là quá nhạy cảm và ngay lập tức đưa ra gợi ý về việc bạn cần làm trong tình huống đó. Đến khi mối quan hệ không còn thân thiết như trước, mình mới nhận ra rằng lúc đó bạn cần mình lắng nghe hơn là phán xét, và cần một người bạn hơn là một chuyên gia đưa ra lời khuyên", Diễm My kể lại.
Cũng từng có trải nghiệm tương tự, Nguyễn Bích Duy, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: "Mình từng tặng một món quà cho người anh mà mình rất quý, nhưng anh ấy lại quên mất món quà đó. Điều này khiến mình buồn và cảm thấy tình cảm của mình không được trân trọng. Khi mình bày tỏ cảm xúc của mình, anh ấy cho rằng mình quá nhạy cảm và làm quá vấn đề, bảo rằng đó chỉ là một món quà nhỏ, bận rộn thì quên cũng không sao".
Nhiều người lớn không hiểu được những thay đổi trong xã hội và tâm lý của người trẻ. Họ có xu hướng đánh giá hành vi của người trẻ dựa trên những chuẩn mực của thế hệ trước
Đối với tình huống đó, Duy mong rằng người anh của mình sẽ trân trọng món quà cô tặng hoặc ít nhất là xin lỗi vì đã quên, thay vì đổ lỗi cho sự nhạy cảm của cô. "Sau lần đó, mình nhận ra rằng không nên kỳ vọng quá nhiều vào người khác, vì điều đó chỉ tạo cơ hội để họ làm mình tổn thương. Thay vào đó, mình tập trung vào bản thân nhiều hơn", Duy chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Đào Lưu cho biết việc chỉ trích người khác nhạy cảm có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. "Khi liên tục bị chỉ trích, người bị chỉ trích sẽ cảm thấy cô đơn và bị thiếu tôn trọng về mặt cảm xúc. Dần dần, điều này làm họ tự ti, ngại mở lòng và kìm nén cảm xúc, từ đó gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe tâm thần". Thạc sĩ cũng nhấn mạnh rằng thái độ chỉ trích chưa bao giờ được khuyến khích, vì nó không chỉ gây ra cảm xúc tiêu cực cho người bị chỉ trích mà còn dễ hình thành thói quen chỉ trích, khiến người chỉ trích trở nên cạnh khóe và thường xuyên bắt lỗi người khác.
Thay vào đó, theo thạc sĩ Đào Lưu, chúng ta có thể nhẹ nhàng góp ý với nhau và chia sẻ tế nhị về những cảm nhận của bản thân với người khác trên tinh thần cầu thị. Điều quan trọng là biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu cho những cảm xúc và hành vi của họ trước khi đưa ra những lời phán xét thiếu căn cứ, bởi lẽ một nửa sự thật mà bạn nhìn thấy về người khác chưa hẳn là sự thật.
"Bất kỳ sự chỉ trích nào đều có thể mang lại tổn thương, khó chịu và để lại hậu quả nghiêm trọng cho tinh thần và thể chất của người bị chỉ trích. Học cách tôn trọng, yêu thương và cảm thông chính là chìa khóa để chung sống và tiến bộ", thạc sĩ Đào Lưu cho hay.
Theo TN