Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đối thoại với người trẻ ngày 25/3: Phát huy trí tuệ Việt

Trước thềm buổi đối thoại, các cán bộ Hội Sinh viên Việt Nam (SVVN) ở nước ngoài nêu đề xuất các giải pháp nhằm mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên; phát huy sức trẻ, trí tuệ của các bạn trẻ... và mong muốn có sự hỗ trợ kịp thời từ tổ chức Đoàn - Hội trong nước.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đối thoại với người trẻ ngày 25/3: Phát huy trí tuệ Việt ảnh 1
Anh Mai Tuấn Minh

Anh Mai Tuấn Minh, Phó Chủ tịch Hội SVVN tại Singapore: Tạo kết nối khăng khít hơn

Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội SVVN tại Singapore, tôi mong rằng sự kết nối giữa các Hội SVVN ở ngoài nước và trong nước sẽ càng khăng khít hơn.

Cộng đồng người Việt Nam tại Singapore dù không đông như ở nhiều nước khác, nhưng tỷ lệ sinh viên Việt Nam trên tổng số cộng đồng người Việt ở đây là rất cao.

Với các trường đại học hàng đầu châu Á, Singapore là nơi đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Vì thế, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam tại Singapore về nước, góp sức trẻ xây dựng quê hương là điều cần thiết.

 

Việc tổ chức các hội thảo khoa học, tham gia các chuyến đi thăm Trường Sa, Hoàng Sa hay các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội là sự động viên lớn lao dành cho các bạn sinh viên Việt Nam ở Singapore. Qua đó, tạo động lực cho các bạn nỗ lực, phấn đấu vươn lên và cống hiến cho quê hương, đất nước.

Cộng đồng thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài nói chung, ở Singapore nói riêng luôn mong muốn được hướng về Tổ quốc với nhiều hoạt động thiết thực. Tuy nhiên, một số hoạt động hướng về quê hương đôi khi còn gặp khó khăn, vướng mắc. Vì thế, tôi mong muốn có một kênh có thể giúp sinh viên Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia từ thiện ở trong nước, cũng như giúp các bạn nắm bắt được các cơ hội tình nguyện trong nước.

Anh Nguyễn Phúc Bình, Chủ tịch Hội SVVN tại Úc: Cần chương trình hành động cụ thể

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đối thoại với người trẻ ngày 25/3: Phát huy trí tuệ Việt ảnh 3

Anh Nguyễn Phúc Bình

Nhân buổi đối thoại của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn với đoàn viên, thanh thiếu nhi, tôi muốn đặt câu hỏi: T.Ư Đoàn có chương trình hành động cụ thể nào để tập hợp và đoàn kết thanh niên, sinh viên Việt Nam ở ngoài nước? Những hỗ trợ cụ thể là gì? Chương trình cụ thể nào? Tôi muốn nhấn mạnh đến chương trình hành động cụ thể và chi tiết, chứ không phải định hướng hay đề xuất, phương châm chung chung.

Bởi thực tế, ở nước ngoài, việc tập hợp và đoàn kết thanh niên sinh viên để theo một định hướng đúng đắn là việc vô cùng khó khăn. Hiện các cán bộ Hội ngoài nước đều đang làm trên tinh thần tình nguyện và dùng chi phí của bản thân để tổ chức. Việc phải tự thân vận động khiến các Ban cán sự Đoàn và Hội Sinh viên ngoài nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Để triển khai các chương trình, hoạt động của Hội ở nước ngoài, bên cạnh kêu gọi, tập hợp đoàn viên, thanh niên, sinh viên, cán bộ Hội phải lăn xả đi vận động các mạnh thường quân ủng hộ để có kinh phí tổ chức; nếu không phải tự bỏ tiền túi.

Đối với tổ chức Hội mới thành lập, trong giai đoạn đầu, sự trợ giúp của tổ chức Đoàn, Hội cấp trên là hết sức cần thiết để mọi người vững tâm đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Nguyễn Khánh Duy Thịnh, Chủ tịch Hội SVVN tại Hungary: Nâng cao vai trò của tri thức Việt tại nước ngoài

 
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đối thoại với người trẻ ngày 25/3: Phát huy trí tuệ Việt ảnh 4

Nguyễn Khánh Duy Thịnh

Nguồn lực và kinh phí hoạt động là khó khăn lớn nhất của tổ chức Hội SVVN ở nước ngoài. Tôi mong rằng, T.Ư Đoàn nghiên cứu hỗ trợ vấn đề này để chúng tôi có nguồn lực triển khai các chương trình, hoạt động một cách bền vững và hiệu quả.

Thực tế, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội SVVN có rất nhiều các văn bản hoạt động đề nghị các Hội ngoài nước triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tình hình thực tế hoạt động của các Hội ngoài nước chủ yếu là tình nguyện, bán thời gian, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Vì vậy, rất khó đáp ứng các yêu cầu hoạt động của T.Ư Đoàn nếu như không đảm bảo được nguồn kinh phí hoạt động.

Bên cạnh đó, tôi mong rằng, T.Ư Đoàn nghiên cứu các chuyên đề riêng, phù hợp với hoạt động của các Hội ngoài nước. Bởi đặc thù các Hội ngoài nước rất khác so với các Hội trong nước được lãnh đạo trực tiếp từ các đơn vị cấp trên. Vì vậy cần có các hoạt động phù hợp theo từng khu vực cụ thể.

Theo tôi, nên thiết kế các hoạt động theo hướng nâng cao vai trò của tri thức, học sinh người Việt tại nước ngoài hoặc quảng bá giới thiệu văn hóa Việt ra bạn bè quốc tế.

Anh Nguyễn Phan Bảo Thụy, Chủ tịch Hội SVVN tại Pháp: Đề xuất xây dựng trung tâm văn hóa thanh niên

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đối thoại với người trẻ ngày 25/3: Phát huy trí tuệ Việt ảnh 5
Anh Nguyễn Phan Bảo Thụy

Để đoàn kết tập hợp và nâng cao đời sống tinh thần cho thanh niên, liệu chúng ta có thể xây dựng một trung tâm văn hóa thanh niên hoặc trung tâm thể thao thanh niên tại một vài địa bàn lớn, trọng điểm. Trung tâm là một đơn vị sự nghiệp kiểu mới, vừa tổ chức các sự kiện văn hóa thể thao thanh niên, vừa có thể làm cơ sở xúc tiến hoạt động kết nối các dự án đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững…

Tôi cũng xin đề xuất thêm nguyện vọng, T.Ư Đoàn có thể tạo một nguồn quỹ riêng cho các hoạt động Đoàn, Hội ngoài nước thông qua việc xã hội hóa mỗi năm một lần. Việc này, vừa tạo được nguồn lực, chia sẻ được áp lực về việc vận động kinh phí tổ chức các hoạt động cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội ngoài nước; đồng thời hạn chế các thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, tôi mong T.Ư Đoàn, T.Ư Hội đơn giản hóa thủ tục hành chính, không chỉ số lượng văn bản hành chính mà cả nội dung trong các văn bản đối với các tổ chức Hội ngoài nước. Bởi, Hội ngoài nước làm công tác Hội theo hình thức kiêm nhiệm, tự nguyện, chứ không phải chuyên trách. Ở mỗi nước có một đặc thù khác nhau nên cần linh hoạt để phù hợp, làm sao đơn giản hóa thủ tục mà phát huy được hiệu quả cao nhất.

Theo TPO