Biển Đông - chuyện lớn của thế kỷ XXI

(CTG) Biển Đông có diện tích khoảng 3.500.000km². Đây là một hình thể biển lớn nhất sau 5 đại dương. Các đảo ở Biển Đông có số lượng nhiều, tập hợp thành một số quần đảo. Vùng biển này và phần lớn các đảo không có người ở là mục tiêu tranh chấp chủ quyền của nhiều nước có biên giới với vùng biển này (theo chiều kim đồng hồ từ phía Bắc) gồm: Trung Quốc Đại lục, Macao, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Campuchia, và Việt Nam.


Theo Wikipedia, South China Sea là thuật ngữ phổ biến nhất trong tiếng Anh để chỉ vùng biển được Tổ chức thủy văn học quốc tế xác định vùng nước trải dài theo hướng từ Tây Nam đến Đông Bắc, biên giới phía Nam là 3 độ vĩ độ Nam giữa Nam Sumatra và Kalimantan (eo biển Karimata), và biên giới phía Bắc của nó là eo biển Đài Loan từ mũi phía Bắc Đài Loan tới bờ biển Phúc Kiến thuộc đại lục Trung Quốc.

Vịnh Thái Lan chiếm phần phía Tây của biển Đông. Các nước xung quanh gọi biển này bằng nhiều tên khác nhau nhằm phản ánh chủ quyền lịch sử của họ đối với quyền bá chủ vùng biển. Việt Nam gọi là Biển Đông Việt Nam, bởi hầu hết lãnh thổ hướng chính ra biển là hướng Đông, Trung Quốc - Nam Hải, Philippines - Luzón theo tên hòn đảo lớn Luzón của Philippines. Trong các tài liệu cổ về hàng hải của Bồ Đào Nha vào thế kỷ 15-16 còn có tên là Biển Chăm Pa.



Biển Đông, các khu vực và tài nguyên tranh chấp giữa các nước


Hội thảo Biển Đông lần II, diễn ra tại TP HCM với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực" là một minh chứng vì nó là thành công tiếp theo của Hội thảo Biển Đông lần I: "Với việc thành công trong việc tổ chức hội thảo đầu tiên, Việt Nam đã thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu quốc tế" (GS Ramses Amer đến từ Thụy Điển). 

Hội thảo lần này có sự tham gia của gần 70 học giả trong nước và quốc tế đến từ Trung Quốc, Đài Bắc - Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Anh, Đức, Canada, Australia, Nga, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Bỉ, Thụy Điển. Quan trọng hơn cả là 10 nước ASEAN đều có đại diện tham dự.

Đây là một vùng biển có ý nghĩa địa chính trị vô cùng quan trọng. Nó là đường hàng hải đông đúc thứ hai trên thế giới, trong khi nếu tính theo tổng lượng hàng hoá thương mại chuyển qua hàng năm, hơn 50% đi qua Eo biển Malacca, Eo Sunda, và Eo Lombok. Hơn 1.6 triệu m³ (10 triệu barrel) dầu thô được chuyển qua eo biển Malacca hàng ngày, nơi thường xảy ra các vụ hải tặc. Vùng này đã được xác định có trữ lượng dầu mỏ khoảng 1.2km³ (7.7 tỷ barrel), với ước tính tổng khối lượng là 4.5km³ (28 tỷ barrel). Trữ lượng khí gas tự nhiên được ước tính khoảng 7.500km³ (266 nghìn tỷ feet khối).

Theo những nghiên cứu do Sở Môi trường và các nguồn lợi tự nhiên Philippines, vùng biển này chiếm một phần ba toàn bộ đa dạng sinh học biển thế giới, vì vậy nó là vùng rất quan trọng đối với hệ sinh thái.

Biên giới quốc gia và vùng đặc quyền kinh tế: Các hòn đảo đang trở thành đối tượng đặc biệt vì chiếm được và biến nó thành của mình thì sẽ giúp các nước mở rộng vùng lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế. Dầu mỏ và Khí đốt: Do có tiềm năng về dầu mỏ và khí đốt nên nhiều nước hy vọng Biển Đông là chìa khóa năng lượng trong các khủng hoảng nhiên liệu trong tương lai.

Địa chính trị: Kiểm soát Biển Đông không chỉ là kiểm soát tuyến giao thương lớn số 2 của thế giới, mà còn biến Biển Đông thành "ao nhà" qua đó gây khó khăn cho những tàu vận tải đi qua khu vực, tạo ra vùng cấm bay và hải phận cấm hoạt động và biến các đảo lớn thành tổ hợp quân sự như Nhật Bản đã từng sử dụng đảo Ba Bình trong thế chiến thứ 2.

Các học giả nhất trí đánh giá tầm quan trọng của Biển Đông trong môi trường chiến lược đang điều chỉnh và nhìn lại những diễn biến mới gần đây ở Biển Đông - Cục Đo đạc bản đồ quốc gia Trung Quốc khai trương dịch vụ bản đồ trực tuyến Map World thể hiện đường yêu sách 9 đoạn - cùng những hệ lụy của nó với an ninh và phát triển khu vực để cuối cùng tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi là về vai trò của Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông. GS Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, cho biết, Quân đội nhân dân Trung Quốc (PLA) coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi: "PLA đang tăng cường năng lực hải quân để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, hạn chế Mỹ tiếp cận vùng biển này".

Trong khi đó Học giả Geoffrey Till đến từ Anh cho rằng: Cũng giống như Anh trước đây, Mỹ là một cường quốc toàn cầu, trong đó lợi ích cơ bản là tự do hàng hải, gắn liền với vị thế của nước Mỹ và giá trị của nước Mỹ. Từ quan niệm đó, Mỹ cho rằng mình có quyền làm chủ biển cả và có quyền dùng vũ lực bảo đảm quyền đó.

Hai học giả đến từ Trung Quốc là Giáo sư Tô Hạo và Tiến sĩ Nhậm Nguyên Chiết với bài tham luận của mình đã lại khẳng định: Trung Quốc luôn hành xử có trách nhiệm ở Biển Đông do Trung Quốc cần môi trường hòa bình với các nước xung quanh để phát triển. Theo ông, nếu Trung Quốc không hòa bình thì không thể có không khí hợp tác trong khu vực như hiện nay.

Học giả Daniel Schaeffer đến từ Trung tâm Nghiên cứu châu Á 21 (Pháp) cho rằng, việc Trung Quốc chính thức đưa ra đường đứt khúc 9 đoạn là một điểm đáng chú ý nhất ở khu vực trong 2 năm qua. Ông còn cho rằng, nếu đối thoại giữa các bên để giải quyết xung đột không có tiến triển, cần tính đưa các tranh chấp khu vực ra Tòa án Luật biển hoặc Tòa án Công lý quốc tế.

Trong lời tổng kết phần đầu Hội thảo, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, Dương Văn Quảng cho rằng: Hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và an ninh con người, trong đó có cả cứu hộ, cứu nạn ở Biển Đông đã trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự của các cuộc gặp chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết năm 2002 trên tinh thần đó. Nhưng DOC chưa đủ, các nước kỳ vọng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc hơn, chặt chẽ hơn và toàn diện hơn sẽ được đàm phán và ký kết trong tương lai.

Học giả Việt Nam - TS Trân Công Trục cho rằng, thành công của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 đã có đóng góp không nhỏ để vấn đề Biển Đông được giải quyết theo một cách nhân bản nhất: “Với những diễn đàn mà Việt Nam chủ trì thành công, như ARF, ADMM+8, ASEAN - Trung Quốc, hay EAS, khi vấn đề tranh chấp Biển Đông được nêu ra, dù có hay không trong nghị trình, những thỏa thuận hợp tác đạt được trong lĩnh vực quốc phòng, hay thúc đẩy DOC, đã đóng góp vào việc duy trì ổn định trên Biển Đông”.


Theo Công an nhân dân