Bình Định tổ chức chuỗi các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

(CTG) Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, Tỉnh Đoàn Bình Định đã tích cực tổ chức triển khai chuỗi các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng trong tháng 9 này.

Theo đó, sáng 26/9/2020, tại làng O2, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, Tỉnh đoàn Bình Định phối hợp Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam tổ chức “Thắp sáng bản làng” và trao tặng quà cho người dân tại làng O2.

Cụ thể, đoàn công tác đã lắp mới 01 bộ điện năng lượng mặt trời tại nhà rông; trao tặng 81 suất quà gồm nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập cho học sinh và các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn làng O2.

Sáng 27/9/2020, tại đảo Cù Lao Xanh, TP. Quy Nhơn, hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” và phong trào “Chống rác thải nhựa”, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tỉnh đoàn Bình Định tổ chức lễ ra quân chương trình “Hãy làm sạch biển” và triển khai xây dựng mô hình “Đảo thanh niên xanh không rác thải nhựa” năm 2020.

Chương trình đã trao tặng 2.000 con gà giống, 1.000 vịt biển giống, 2 tấn cám, 20 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân trên đảo.

Trao tặng các phần quà tại Lễ ra quân chương trình “Hãy làm sạch biển” & triển khai xây dựng mô hình “Đảo thanh niên xanh, không rác thải nhựa” 2020

Mô hình “Đảo thanh niên xanh không rác thải nhựa” được triển khai trong 3 tháng, trên địa bàn xã Nhơn Châu, với mục đích giúp cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân trên đảo nói riêng và toàn xã hội nói chung thấy rõ tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe của con người; khuyến khích đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân cùng chung tay bảo vệ môi trường biển, đảo; thay đổi về hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong các tầng lớp nhân dân, làm giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.

Ra mắt đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường đảo Cù Lao Xanh

Lực lượng nòng cốt để triển khai các nội dung của mô hình này là Đội TNXK bảo vệ môi trường đảo Cù Lao Xanh. Định kỳ 02 lần/tuần (thứ 5 và chủ nhật), đội sẽ tổ chức các đợt đi tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn người dân dọc các bờ biển, khu chợ, các tuyến đường dân sinh, khách du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ, các điểm khách du lịch tham quan bỏ rác đúng nơi quy định; hướng dẫn, tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; tuyên truyền, hướng dẫn người dân, khách du lịch cách phân loại rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa...; tập huấn, tuyên truyền cho người dân về các nội dung bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải nhựa trên biển. Tổ chức các đợt ra quân làm sạch biển và các hoạt động bảo vệ môi trường trên đảo...

Mục tiêu của mô hình là để nhân rộng ra toàn quốc, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động hưởng ứng phong trào ”Chống rác thải nhựa” của các cấp bộ Đoàn, Hội trong cả nước.

Các hoạt động trồng cây xanh trong lễ ra quân chương trình “Hãy làm sạch biển” tại xã Nhơn Châu (Bình Định)

Cùng với chương trình “Hãy làm sạch biển” tại xã Nhơn Châu, cùng ngày, tại xã Nhơn Lý thành phố Quy Nhơn cũng diễn ra hoạt động làm sạch biển, thu gom xử lý rác thải, trồng cây xanh, vẽ tranh tuyên truyền bảo vệ môi trường, đặt thùng rác thân thiện môi trường.

Hoạt động thu gom rác thải ven biển tại xã Nhơn lý, TP. Quy Nhơn, Bình Định

Ngay sau lễ ra quân, Hành trình “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác – Tình nguyện vì sức khoẻ cộng đồng” được tổ chức tại Trung tâm y tế xã Nhơn Châu. Chương trình đã khám bệnh phát thuốc cho 200 người dân trên đảo và trao tặng 200 suất quà cho người dân tham gia khám bệnh phát thuốc.

Khám bệnh, phát thuốc và trao tặng 200 suất quà cho người dân trên đảo Nhơn Châu trong khuôn khổ Hành tình “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác – Tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”

Các hoạt động thiết thực trên đã phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ trong chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tham gia phòng chống và khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 gây ra, đặc biệt là nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh thiếu nhi và toàn xã hội về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa đối với môi trường và cuộc sống của con người; thay đổi hành vi, thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, góp phần giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường. Tổng giá trị trao tặng của chương trình gần 325 triệu đồng.