Bỏ thi đại học có phải là tiến bộ?

(CTG) Việc thi hay bỏ thi ĐH, theo tôi đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong tổng thể nền giáo dục còn nhiều vấn đề của nước ta. Dù có bỏ thi ĐH thì cũng khó có thể đem lại những kết quả tốt đẹp mà tác giả Ngô Tự Lập mong muốn.

LTS: Sau khi đăng bài viết "Sự phá sản trên thực tế của kỳ thi đại học" của tác giả Ngô Tự Lập, Tuần Việt Nam chúng tôi nhận được bài viết của tác giả Hoàng Biên, từ trường ĐHKHXH & NV- ĐHQGHN. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết của tác giả dưới đây. Và hy vọng các quý bạn đọc gần xa, trong nước, nước ngoài tiếp tục thảo luận về vấn đề này.

Bỏ thi ĐH cũng không thể đem lại công bằng xã hội

Ở bài "Sự phá sản trên thực tế của kỳ thi đại học", tác giả Ngô Tự Lập có viết: Nỗ lực học tập của bất kỳ ai, cho dù năng lực kém đi chăng nữa, cũng chỉ là điều tốt lành cho xã hội. Không những thế, học tập bằng tiền của mình, đó là một quyền chính đáng của mọi người dân...Thế nhưng các kỳ thi ĐH đã loại bỏ quyền đó của rất nhiều người.

Trong thực tế, theo tôi, kỳ thi ĐH không thể có đủ khả năng để loại bỏ quyền học tập của bất kỳ ai. Bởi vào ĐH hiện chỉ là một ngả đường trong hàng trăm, hàng nghìn con đường của sự học. Thực tế cho thấy có nhiều cách để học tập và trong xã hội hiện nay có rất nhiều người đã học, đã thành công mà không qua trường lớp nào cả. Như vậy, nói chính xác thì thi ĐH làm mọi người khó khăn đôi chút để lấy cho mình một tấm bằng ĐH.

Mặc dù nỗ lực học tập của bất kỳ ai cũng đáng hoan nghênh nhưng không phải vì thế mà không cần có sự chọn lọc. Chọn lọc để tìm ra người có năng lực và để giảng đường không bị vỡ tung vì nhiều người chen lấn ở đó. Kỳ thi ĐH mà chúng ta đang thực hiện mặc dù còn nhiều vấn đề nhưng nó vẫn đang thực hiện khá tốt vai trò lựa chọn người học.

Những kỳ thi ĐH mà chúng ta đang cố gắng thực hiện hàng năm chính là một sự thể hiện cụ thể của sự công bằng. Nói như tác giả, nếu như chúng ta xóa bỏ kỳ thi ĐH sẽ đem lại nhiều cơ hội cho những người muốn có được tấm bằng ĐH, dù người đó "năng lực kém" đi nữa. Có thể đó là mong muốn tốt, thế nhưng đằng sau kỳ thi ĐH còn rất nhiều vấn đề khác đáng bàn.

Trong những năm qua, Bộ GD và ĐT đã tìm nhiều phương pháp, phát động nhiều phong trào để đưa chất lượng giáo dục nước nhà đi lên. Ví như đưa hình thức thi trắc nghiệm vào các kỳ thi, áp dụng phương pháp học tín chỉ vào các trường ĐH, CĐ... Thế nhưng chất lượng giáo dục đem lại dường như vẫn không mấy khả quan.

Một câu hỏi đặt ra là những "phát kiến" giáo dục khi được áp dụng vào thực tế thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm, ai là người cam kết độ khả thi của nó. Chúng ta không thể thử nghiệm dạy và học từ thế hệ này sang thế hệ khác mãi được.

Chúng ta không thể mở rộng cổng trường để đón nhận thêm sinh viên khi mà giảng đường của các trường ĐH đều quá tải. Những giảng đường hiện nay với 100 sinh viên đã rất ngột ngạt sẽ không thể chứa thêm 100 hoặc 200 sinh viên nữa. Nếu muốn tạo thêm cơ hội cho nhiều người theo học thì trước hết chúng ta phải có nền tảng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học. Muốn những cái đầu của sinh viên có thể lĩnh hội được tri thức thì phải tạo điều kiện cho họ có một chỗ ngồi học thoải mái đã.

Nói như vậy để thấy rằng dù chúng ta có xóa bỏ hay vẫn thực hiện kỳ thi ĐH như hiện nay thì cơ hội vào ĐH của mọi người cũng không thay đổi. Có chăng, đó chỉ là lấy sự công bằng từ tay người này chuyển cho người khác mà thôi!

Hơn thế nữa, một kỳ thi, dù thế nào đi nữa cũng không phải là thứ có thể đem đến sự công bằng tuyệt đối trong giáo dục cho mọi người được. Công bằng cần trong suốt quá trình học và cả khi sinh viên đã ra trường.

Sợ "chất xám" bỏ đi không có nghĩa là "trói chất xám" lại

Trong bài viết trên, tác giả có vẻ lo lắng khi số lượng du học sinh Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Và theo tác giả, một lý do dẫn tới tình trạng đó là do những học sinh này không thể thi đỗ vào các trường ĐH trong nước nên mới ra nước ngoài học để phải tốn kém về tài chính, xa cách tình cảm...

Theo tôi, điều này không đúng. Tất nhiên cũng có một vài thành phần gia đình lắm tiền nhiều của nhưng học kém nên muốn ra nước ngoài "dạo chơi" vài năm rồi mang về 1 tấm bằng nào đó cho hợp thời. Tuy vậy, đó chỉ là số ít, và có lẽ cũng không nên xếp họ vào hàng "chất xám".

Còn đại đa số học sinh ra nước ngoài học là họ muốn tìm điều kiện học tập tốt hơn và sau nữa là môi trường làm việc thuận lợi hơn, để họ có thể khẳng định và phát triển năng lực của mình.

Dù phải đánh đổi nhiều thứ nhưng họ khắc phục để theo học. Và chúng ta muốn hoặc mời họ học để tiết kiệm ngoại tệ thì chắc chắn họ cũng không nhận lời. Có một thực tế là rất nhiều con cái của những giảng viên, những người công tác trong ngành giáo dục cũng luôn muốn " tị nạn giáo dục".

Trong tình hình chất lượng giáo nước ta còn yếu kém như hiện nay thì sự ra đi của họ là tất yếu. Những thành tích quốc tế mà gần đây chúng ta có được phần lớn cũng là do những du học sinh mang về. Chúng ta nên lo lắng và tự hỏi vì sao họ đi mà không trở về và làm thế nào để trả lời câu hỏi đó thì sẽ tốt hơn!



Kỳ thi ĐH không thể có đủ khả năng để loại bỏ quyền học tập của bất kỳ ai.



Học mà không ra gì thì còn tệ hơn là không học

Trong những năm gần đây, số lượng các trường ĐH và CĐ nước ta mọc nên như nấm sau mưa. Đúng như tác giả đã trích dẫn: Theo số liệu thống kê của Bộ GD và ĐT, nếu năm 1987 cả nước có 107 trường ĐH và CĐ, thì năm 2009 con số này là 376 trường, tăng 3,7 lần. Riêng 2 năm 2006-2007 đã có gần 40 trường ĐH mới được thành lập hoặc nâng từ cấp thấp hơn. Nhờ sự gia tăng nhanh chóng về số trường, tổng số sinh viên cũng tăng 13 lần, từ trên 133.000 năm 1987 lên trên 1,7 triệu năm 2009.

Tác giả Ngô Tự Lập đã nhìn ra được mặt tích cực của thực trạng trên, đó là nó đáp ứng nhu cầu giành tấm bằng ĐH cho phần lớn những ai mong muốn và nó khiến Bộ GD và ĐT phải hạ thấp điểm sàn ĐH trong những năm gần đây nhằm thỏa mãn đòi hỏi của xã hội trong việc mở rộng hơn cánh cửa vào trường ĐH.

Về vấn đề này, trước hết xin khẳng định việc hạ thấp điểm sàn ĐH không có nghĩa là cánh cửa vào các trường ĐH được mở rộng, bởi dù điểm sàn dù cao hay thấp chỉ để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Chỉ tiêu này để đáp ứng nhu cầu nhân lực chứ hoàn toàn không phải để đáp ứng nhu cầu học của xã hội. Hơn thế nữa, hiện nay, tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm đúng ngành học ngày càng tăng.

Chúng ta đào tạo thêm số lượng sinh viên để cho ra đời nhiều cử nhân thất nghiệp thì còn tai hại hơn. Vì vậy chuyện chỉ tiêu tuyển sinh ĐH có tăng thì cũng không phải tín hiệu đáng mừng.

Còn chuyện các trường ĐH, CĐ mọc lên nhanh chóng sẽ "giúp" nhiều người giành được tấm bằng ĐH mà mình mong muốn. Có thể đúng là như vậy nhưng theo tôi thì lợi thì có lợi nhưng hại thì cũng vô cùng. Nếu các trường ĐH, CĐ ra đời chỉ để "phát bằng" cho người học mà không quan trọng chất lượng dạy và học như thế nào thì cũng như không học. Những trường đó chỉ đào tạo những người có bằng mà không có nghề và kiến thức. Thậm chí còn tệ hơn rất nhiều vì nó lấy đi của xã hội biết bao tiền của và thời gian.

Những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến rất nhiều trường ĐH, CĐ ra đời mà không đủ điều kiện vật chất và giáo viên. Có thể khẳng định đó là những quyết định vụ lợi và vô trách nhiệm, hoàn toàn không vì sự phát triển của xã hội và nền giáo dục. Mặc dù tỉ lệ trường ĐH và tỉ lệ sinh viên so với dân số của nước ta thấp nhưng không phải vì thế mà bất cứ giá nào cũng phải tăng số lượng trường và sinh viên lên cho "bằng anh, bằng em" được. Có mà như không thì thà không có còn hơn!

Việc thi hay bỏ thi ĐH, theo tôi đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong tổng thể nền giáo dục còn nhiều vấn đề của nước ta. Dù có bỏ thi ĐH thì cũng khó có thể đem lại những kết quả tốt đẹp mà tác giả Ngô Tự Lập mong muốn.

Có thể thấy, trong những năm qua, Bộ GD và ĐT đã tìm nhiều phương pháp, phát động nhiều phong trào để đưa chất lượng giáo dục nước nhà đi lên. Ví như đưa hình thức thi trắc nghiệm vào các kỳ thi, áp dụng phương pháp học tín chỉ vào các trường ĐH, CĐ...Thế nhưng chất lượng giáo dục đem lại dường như vẫn không mấy khả quan. Một câu hỏi đặt ra là những "phát kiến" giáo dục khi được áp dụng vào thực tế thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm, ai là người cam kết độ khả thi của nó. Chúng ta không thể thử nghiệm dạy và học từ thế hệ này sang thế hệ khác mãi được.


  Theo Tuần Việt Nam