BUV ứng dụng AI trong đào tạo

(CTG) Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) cho phép sinh viên sử dụng AI trong làm bài tập, nghiên cứu khoa học hỗ trợ sử dụng, đào tạo nhân lực ngành giáo dục…

Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI - GenAI) ngày càng hoàn thiện với sự ra đời và phát triển của các ứng dụng như ChatGPT, Midjourney..., hỗ trợ con người tự do sáng tạo văn bản, hình ảnh, hay video, rút ngắn thời gian đưa ý tưởng thành hiện thực. Trong giáo dục, những tác vụ này giúp cho quá trình học hỏi, tiếp thu và phát triển kiến thức diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.

Nhận thấy những tiềm năng này, BUV đưa công cụ AI vào giảng đường với mong muốn đào tạo nhiều thế hệ sinh viên sử dụng AI thuần thục, hỗ trợ cho học thuật và nghiên cứu cách sử dụng có trách nhiệm.

Giữa nhiều tranh cãi về việc cấm dùng công nghệ này trong học thuật, trường chủ trương khuyến khích và hướng dẫn sinh viên sử dụng AI để tối ưu năng suất, hiệu quả trong quá trình học tập, kiểm tra. Sự đổi mới này mang đến cơ hội tiếp cận vấn đề đa chiều và ứng dụng linh hoạt nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo.

Sinh viên BUV được sử dụng AI vào bài kiểm tra theo 5 cấp độ, từ không có đến sử dụng công cụ AI hoàn toàn. TS. Mike Perkins - Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới của BUV (CRI) đưa ra hướng dẫn và gợi ý chi tiết để người học nắm được những nhiệm vụ có thể sử dụng hoặc đề xuất công cụ AI nào nên sử dụng. Quy trình sinh viên đưa ra đáp án cho bài kiểm tra đánh giá cũng được thể hiện minh bạch.

Sau nhiều học kỳ áp dụng, kết quả, sinh viên thực hiện nghiên cứu với sự hỗ trợ của AI đưa ra bài làm chất lượng hơn so với các phương pháp truyền thống. Các bạn cũng phản hồi tích cực, hưởng ứng chương trình đào tạo và đạt kết quả học tập tốt hơn.

Sinh viên sử dụng AI trong học tập. Ảnh: BUV

Sinh viên sử dụng AI trong học tập. Ảnh: BUV

Bên cạnh đó, với tiềm năng của AI trong việc định hình tương lai của giáo dục, BUV đặt mục tiêu trở thành đơn vị đi đầu trong việc thúc đẩy tiếp cận tích cực và ủng hộ việc sử dụng AI có trách nhiệm trong hoạt động học tập, giảng dạy.

Đứng trước những thách thức của việc lạm dụng AI, bài toán làm thế nào để sử dụng AI minh bạch, hiệu quả, các giảng viên cấp cao của BUV phối hợp cùng giảng viên từ các trường đại học khác thực hiện nhiều nghiên cứu để làm rõ và điều hướng giải pháp cho mỗi vấn đề. Trong đó, nghiên cứu "Điều hướng kỷ nguyên AI tạo sinh: Giới thiệu thang đánh giá tính liêm chính khi sử dụng AI trong học thuật" chỉ ra những cơ hội và thách thức mà công cụ GenAI mang đến cho giáo dục. Qua đó, các đơn vị có thể xây dựng một Thanh đánh giá AI đơn giản và toàn diện cho phép tích hợp các công cụ GenAI vào đánh giá giáo dục.

Sinh viên BUV tham gia một cuộc thi công nghệ. Ảnh: BUV

Sinh viên BUV tham gia một cuộc thi công nghệ. Ảnh: BUV

Trong bài viết "Thảo luận về tính liêm chính trong học thuật của các mô hình ngôn ngữ AI trong thời kỳ hậu đại dịch: ChatGPT và hơn thế nữa" đăng tải trên Journal of University Teaching and Learning Practice vào tháng 2/2023, TS. Mike Perkins có đề cập những lợi ích, thách thức và sự cần thiết của việc sửa đổi các chính sách thể chế để phù hợp với những bước tiến công nghệ.

Vị chuyên gia này cho rằng không nên cấm sinh viên sử dụng AI trong học thuật bởi đó không phải là dấu hiệu gian lận. Điều quan trọng là người học có trung thực về việc sử dụng AI hay không.

Tiến sĩ Mike Perkins chia sẻ Thảo luận về tính liêm chính trong học thuật của các mô hình ngôn ngữ AI trong thời kỳ hậu đại dịch: ChatGPT và hơn thế nữa, bài viết nhận giải Nghiên cứu có ảnh hưởng nhất bởi Journal of University Teaching and Learning Practice năm 2023. Ảnh: BUV

Tiến sĩ Mike Perkins chia sẻ "Thảo luận về tính liêm chính trong học thuật của các mô hình ngôn ngữ AI trong thời kỳ hậu đại dịch: ChatGPT và hơn thế nữa", bài viết nhận giải "Nghiên cứu có ảnh hưởng nhất" bởi Journal of University Teaching and Learning Practice năm 2023. Ảnh: BUV

Ngoài ra, BUV còn đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Hiệp hội các Doanh nghiệp Anh Quốc (BritCham) nhằm mở rộng ứng dụng của AI trong nhiều lĩnh vực. Tại khóa đào tạo cho 1.200 cán bộ công chức, viên chức ngành giáo dục tại Hà Nội vào cuối năm 2023, giảng viên trường chia sẻ về số hóa trong giáo dục và ứng dụng của công cụ GenAI.

Các phiên thảo luận tại khóa đào tạo tập trung vào cách tiếp cận thực tế để kết hợp các công cụ GenAI vào phương pháp giảng dạy và hoạch định chính sách, góp phần vào sự phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực này.

TS. Mike Perkins chia sẻ về Trí tuệ nhân tạo trong giáo dục tại khóa bồi dưỡng cho cán bộ công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội. Ảnh: BUV

TS. Mike Perkins chia sẻ về Trí tuệ nhân tạo trong giáo dục tại khóa bồi dưỡng cho cán bộ công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội. Ảnh: BUV

Tại hội thảo trực tuyến về "Ứng dụng GenAI trong giáo dục, thúc đẩy đối thoại giữa các chuyên gia trong ngành" do CRI và BritCham tổ chức, các chuyên gia chỉ ra, thay vì coi AI là một hình thức "gian lận", việc sử dụng hợp lý công cụ này đang giúp nâng cao kết quả giáo dục, trở thành một phần thiết yếu trong công tác học tập, giảng dạy, chuẩn bị cho học sinh một tương lai định hướng công nghệ.

Theo Giáo sư Rick Bennett - Phó Hiệu trưởng BUV, đơn vị cam kết nỗ lực ứng dụng AI vào đổi mới giáo dục Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ kỷ nguyên số. Qua những kết quả nghiên cứu nổi bật về hiệu quả của AI trong giáo dục, BUV công nhận AI là một trong những công cụ hỗ trợ học tập tiềm năng.

"Đồng thời, chúng tôi hướng đến đào tạo nhiều thế hệ sinh viên sử dụng thành thạo các công nghệ mới một cách liêm chính và có trách nhiệm; từ đó, tạo nên một thế hệ sở hữu những kỹ năng độc đáo để phát triển mạnh mẽ trong một thế giới không ngừng thay đổi", ông nói thêm.

Theo Vnexpress