Các bạn trẻ sẽ được trải nghiệm, rèn luyện ở Học kỳ trên biển.

(CTG) Lần đầu tiên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức “Hành trình tuổi trẻ theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển – Học kỳ trên biển” vào đúng dịp Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2011). Vinh dự và tự hào cho 148 bạn trẻ đến từ các tỉnh, thành trong cả nước và các CCB tàu không số năm xưa đã tham dự chương trình này.


Với 2 chặng đầu của chuyến hành trình, Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Trung ương Đoàn đã có buổi trao đổi với anh Dương Văn An, Bí thư Trung ương Đoàn, Trưởng Ban Tổ chức “Hành trình tuổi trẻ theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển – Học kỳ trên biển”.



Anh Dương Văn An (áo xanh), Bí thư Trung ương Đoàn trao sổ tiết kiệm, trị giá mỗi sổ 3 triệu đồng cho các CCB tàu không số tỉnh Quảng Ngãi


* Thưa anh! Anh cho biết ý nghĩa của Hành trình lần này?

- Anh Dương Văn An: Trong các hoạt động của mình, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn luôn tìm các giải pháp, các nội dung để đổi mới hoạt động của Đoàn với mong muốn các hoạt động có sức lan tỏa, có sức sống lâu dài trong tuổi trẻ. Tiêu biểu như CVĐ “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Hành trình vì biển đảo quê hương”, chương trình “Góp đá xây dựng Trường Sa” của Báo Tuổi trẻ, “Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi” của Báo Thanh niên … những hoạt động này ngày càng được đổi mới, phong phú, đa dạng và luôn tạo ra những điều mới mẻ.

Chính từ sự đổi mới, sự đa dạng và phong phú,  Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã sáng tạo tổ chức “Hành trình tuổi trẻ theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển – Học kỳ trên biển” nhằm thu hút thanh niên, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, công tác đoàn kết tập hợp thanh niên của Đoàn.

Hành trình cho các bạn trẻ đi dọc chiều dài bờ biển từ Hải Phòng đến mũi Cà Mau theo dấu tích của Đoàn tàu không số năm xưa đã từng đi qua, là sự tri ân rất có ý nghĩa, giáo dục cho các bạn trẻ về truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, giáo dục về nghệ thuật quân sự Việt Nam và giáo dục lòng yêu nước về tính can trường, về ý chí vượt qua mọi khó khăn để đất nước ta non sông thu về một mối; và cũng là một hành trình mà các bạn trẻ có điều kiện trải nghiệm thực tế trên biển.

Thông qua Hành trình nhằm giáo dục tình yêu của tuổi trẻ đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và qua đó có kế hoạch hành động cụ thể để bảo vệ biển, đảo Việt Nam thân yêu.



Các bản trẻ thể hiện tỉnh cảm với các chiến sỹ hải quân


* Xin anh cho biết tinh thần của các đại biểu tham gia hành trình trong những ngày đầu như thế nào?

- Anh Dương Văn An:
Xuất phát từ Bến K20, Đoàn hành trình khởi hành vào đúng thời điểm sóng to, gió lớn, mưa nhiều ngày trên biển và trên bờ. Bên cạnh đó, các thành viên vừa tham gia các hoạt động trên biển, vừa hoạt động trên đất liền, nhưng tất cả đều với tinh thần quyết tâm cao, đã khắc phục được khó khăn sóng to, gió lớn, tham gia tích cực vào các chương trình của Đoàn.

Ban Tổ chức Hành trình nhận thấy, các đại biểu của Đoàn hành trình đã thể hiện được tinh thần của tuổi trẻ bằng chính sự quyết tâm, nhiệt huyết và đầy phấn khởi khi tham gia chương trình.



Các CCB tàu không số giao lưu với các bản trẻ trên tàu HQ 996


* Anh có nhận xét gì qua 2 chặng đầu của hành trình?

- Anh Dương Văn An:
Ban tổ chức hành trình cũng như các địa phương đón Đoàn đã có sự chuẩn bị rất kỹ các nội dung hoạt động. Kết quả, qua 2 chặng của hành trình: từ K20 (Hải Phòng) đến Cảng Gianh (Quảng Bình) và từ Cảng Gianh (Quảng Bình) đến cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) chương trình của Đoàn đã gặt hái được những kết quả tốt đẹp.

Tại các điểm dừng chân, Đoàn hành trình đã luôn nhận được sự ủng hộ, sự phối hợp trách nhiệm, nhiệt tình của Đoàn thanh niên các tỉnh, thành như: Thành đoàn Hải Phòng, Tỉnh đoàn Quảng Bình, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện của Lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân ở mỗi điểm đến.

Có thể nói, các chương trình giao lưu, hoạt động tuyên truyền về biển, đảo và ý nghĩa lịch sử tầm vóc của 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển mà Đoàn hành trình tổ chức đã góp phần giáo dục truyền thống sâu sắc cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn tham gia hành trình, cũng như những người đã trực tiếp tham gia chương trình giao lưu tại các điểm đoàn đến và đã để lại những kỷ niệm đẹp cho mỗi thành viên của Đoàn.

* Xin anh cho biết, trong 4 chặng còn lại, những hoạt động nào sẽ là những hoạt động tập trung của hành trình?

- Anh Dương Văn An: “Hành trình tuổi trẻ theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển – Học kỳ trên biển” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một hành trình giáo dục truyền thống, đồng thời là một hành trình để các bạn trẻ được trải nghiệm, được rèn luyện ở góc độ Học kỳ trên biển.

Trong 4 chặng còn lại của hành trình, song song với các hoạt động tổ chức giao lưu giữa các CCB tàu không số với các bạn trẻ, Đoàn hành trình sẽ tái hiện lại một số hoạt động mà Đoàn tàu không số đã đi qua như ở Vũng Rô, tỉnh Phú Yên diễn ra các hoạt động như: thi vẽ tranh bằng ngón tay với chủ đề biển, đảo; thi nấu cơm hành quân; thi vận chuyển hàng từ “tàu” vào bờ an toàn; tại tỉnh Bà rịa Vũng tàu đoàn tham gia chương trình giao lưu và Hội thu “Vì biển đảo quê hương”; ở tỉnh Bến Tre, các đại biểu sẽ tham gia Hội trại “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” và tham gia trò chơi dấu tích huyền thoại tại Cà Mau … Lễ Tổng kết Hành trình và trao giải cuộc thi tìm hiểu: “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển” sẽ được tiến hành tại TP Hồ Chí Minh.



Các bạn trẻ trường THPT Quảng Trạch, Quảng Bình tham gia quyên góp ủng hộ Trường Sa


Ban Bí thư Trung ương Đoàn mong muốn “Hành trình tuổi trẻ theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển – Học kỳ trên biển” cùng với các chương trình khác sẽ giáo dục cho các bạn trẻ trong cả nước về ý nghĩa biển, đảo, thềm lục địa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, mỗi bạn trẻ sẽ nâng cao nhận thức, thấy được trách nhiệm của mình, dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng sẽ có những hành động thiết thực, cụ thể chung tay bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần xây dựng phát triển kinh tế biển, đảo quê hương.

Xin cảm ơn anh!


Theo ĐTN