Cách vượt qua áp lực trong kỳ thi

(CTG) Trước lo lắng của thí sinh khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2025 tổ chức talkshow Tư vấn tâm lý với chủ đề "Tâm lý vững vàng - dễ dàng vượt khó" theo hình thức trực tuyến.

Đây là chương trình thứ 2 trong mùa thi năm nay, nhằm giải đáp băn khoăn cho thí sinh về việc phải làm gì, làm thế nào để có tâm thế vững vàng, sẵn sàng vượt qua kỳ thi.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời là đại sứ của chương trình "Tiếp sức mùa thi" năm 2025, gồm: PGS-TS Trần Thành Nam (chuyên gia về tâm lý học, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục VN); hoa hậu Lương Thùy Linh (Hoa hậu Thế giới VN năm 2019, giảng viên trợ giảng Trường ĐH Đại Nam); MC Trần Khánh Vy (Nhà sáng tạo nội dung số, MC cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia).

Nhận diện sớm tâm lý của thí sinh

Tại chương trình, các khách mời chia sẻ về những biểu hiện tâm lý khó khăn của học sinh để cha mẹ và thầy cô nhận diện sớm nhằm hỗ trợ kịp thời. PGS-TS Trần Thành Nam cho rằng khi đứng trước vấn đề lớn và đặt kỳ vọng lớn vào kỳ thi có tính chất bước ngoặt cuộc đời mình, là kỳ thi tốt nghiệp THPT, thì thí sinh thường khá lo lắng. "Nếu đặt nặng việc xác định giá trị bản thân bằng kỳ thi này thì sẽ gây ra căng thẳng. Bên cạnh đó, kỳ thi năm nay có nhiều đổi mới trong cách thi và xét tuyển. Bố mẹ thí sinh cũng lo lắng, khiến các em càng bị áp lực", ông Nam phân tích.

Theo hoa hậu Lương Thùy Linh, khi bước vào kỳ thi ai cũng rất áp lực, lo âu, hoang mang. "Bản thân mình cũng vậy, như bị rối loạn tâm lý, có lúc rất lo, "cày" đến 1 - 2 giờ sáng. Nhưng sau đó thì không muốn làm gì hết, chỉ nằm trên giường thôi, thực sự là tâm lý bị hỗn loạn", Thùy Linh chia sẻ.

Cách vượt qua áp lực trong kỳ thi- Ảnh 1.

Các khách mời tham gia chương trình.

 

MC Khánh Vy cũng cho biết có cảm xúc tương tự, càng gần ngày thi càng hoảng loạn. "Mình lo lắng vì là học sinh chuyên. Các thế hệ đi trước ai cũng thi được điểm cao, là thủ khoa, á khoa. Nếu không làm được thì trở thành nỗi xấu hổ của trường mình. Các phụ huynh thì luôn hỏi nhau và so sánh về "con nhà người ta", nên mình cũng rất áp lực", Khánh Vy kể.

Chia sẻ về những trạng thái này, ông Nam cho rằng xung quanh thí sinh có rất nhiều áp lực và cả áp lực do thí sinh tự đặt ra cho bản thân. "Tâm lý như vậy nên thí sinh thường dành hết thời gian cho việc học, nhưng do quá tải và không đủ tâm sức nên càng học càng không hiệu quả, ăn không ngon, ngủ không yên. Thí sinh phân phối sức khỏe không tốt thì đến gần ngày thi sẽ dễ bị ốm, rất ảnh hưởng đến kỳ thi", ông Nam nói.

Những cách giảm áp lực

Theo ông Nam, muốn học hiệu quả, thí sinh cần áp dụng khoa học để học theo nhịp. "Hoạt động trí não và thể chất cần phối hợp nhịp nhàng, học 20 phút thì đứng dậy giải lao, rồi lại vào học vòng 2 khoảng 20 phút, đến lần thứ 4 thì nghỉ dài. Bên cạnh đó, các em cần nghỉ ngơi trước khi thi, bởi đêm trước ngày thi mà ngủ ít thì hôm sau 80% kiến thức sẽ rơi rụng, không có khả năng tái hiện tri thức", ông Nam khuyến cáo.

MC Khánh Vy và hoa hậu Thùy Linh chia sẻ họ đã bị chi phối rất nhiều từ những thông tin trên mạng xã hội. Vì vậy, kinh nghiệm là hãy ít lên mạng xã hội, để không mất tập trung vì những thông tin tiêu cực.

Tại chương trình, các khách mời đều cho rằng phụ huynh chính là người đồng hành rất quan trọng với thí sinh. "Có lúc mình bị rối loạn tâm lý, nhưng gần kỳ thi thì mình không cố gắng nhồi nhét kiến thức nữa, mà thư giãn bằng cách tập yoga, ăn ngủ đúng giờ. Đặc biệt là được bố mẹ động viên, chăm lo về dinh dưỡng, nên mình đã đạt kết quả cao", hoa hậu Thùy Linh chia sẻ. Đồng thời, cô cho rằng nếu bố mẹ có gây một chút áp lực, thì cũng bắt nguồn từ mong muốn con thành công, nhưng hãy biến áp lực trở thành động lực để quyết tâm thực hiện mục tiêu đề ra.

Về phần mình, MC Khánh Vy cho biết trong gia đình có người chăm sóc cho thí sinh sẽ rất tốt, bởi đó là động lực để các bạn tập trung vào học. Khánh Vy cũng khuyên thí sinh cần tự tin với năng lực và quyết định của chính mình, để giảm bớt áp lực từ kỳ vọng của bố mẹ.

PGS-TS Trần Thành Nam nhấn mạnh trong giai đoạn này, thí sinh rất cần gia đình hỗ trợ tinh thần. "Thời điểm này sĩ tử quá nhiều nỗi lo, các bạn cần nơi san sẻ để tự tin, thay vì những khuyến cáo từ phụ huynh sẽ khiến học sinh lo lắng hơn", ông nhìn nhận.

Chuẩn bị tâm thế vững vàng

Trao đổi tại chương trình, các khách mời đều cho rằng thí sinh cần chuẩn bị tâm thế vững vàng trước khi bước vào kỳ thi. Theo ông Nam, thí sinh cần có tâm thế đối diện với cả thất bại. "Những người thành công là những người đã trải qua thất bại. Quan trọng là họ nhận ra, rút kinh nghiệm và bước tiếp. Vì thế, với thí sinh, kể cả cuối cùng kết quả có như thế nào thì chúng ta đều có con đường của mình. Đi kiểu gì rồi cũng đến đích, nên không có gì phải quá lo lắng", ông Nam khuyên.

Cũng theo ông Nam, các bậc phụ huynh có thể đặt tình huống xấu nhất đến với con, để con có thêm tự tin khi bước vào kỳ thi. Ông lưu ý: "Trượt đại học không phải là dấu chấm hết, mà có nhiều con đường để chọn. Giá trị lao động ngành nghề nào cũng trân quý và đều có thể phát triển bản thân. Cứ nghĩ rằng nếu có thất bại trong kỳ thi cũng không ảnh hưởng đến thành công sau này, nên tâm lý sẽ thoải mái".

Ông Nam khuyên thí sinh trong thời điểm này cần "đối xử tử tế với bản thân". Đó là ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ và ôn tập một cách khoa học theo năng lực, cá tính của từng người. "Có người vừa học vừa vẽ, có người vừa đi lại vừa học, có người học phải ngồi im… Cứ phát huy phong cách học của mình sao cho thoải mái nhất", chuyên gia khuyến nghị.

Theo TN